ĐBSCL:
Nhiều tỉnh miền Tây tiếp tục cách ly xã hội đến ngày 5/9
(Dân trí) - Liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Đồng Tháp vừa có quyết định tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện cách ly xã hội đến ngày 5/9.
Chiều 24/8 Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường vừa ký văn bản về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Cần Thơ đến 0h ngày 8/9.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu, trừ trường hợp cấp cứu hoặc trường hợp bất khả kháng, mỗi gia đình chỉ cử một người ra khỏi nơi ở để mua, nhận hàng hóa thiết yếu trong khoảng từ 8h đến 17h hàng ngày và không quá 2 lần mỗi tuần. Khi đi phải mang theo giấy tờ tùy thân, phiếu mua, nhận hàng hóa, lương thực thực phẩm do UBND cấp xã cấp.
Cán bộ công nhân viên chức và người lao động đang được phép hoạt động chỉ được di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại trong khoảng thời gian từ 6h đến 8h và 17h đến 19h. Khi đi phải mang theo các giấy tờ theo quy định.
Các trường hợp khác được di chuyển gồm người vận chuyển người đi cấp cứu, người đi tiêm vắc xin theo giấy báo, người vận chuyển hàng từ thiện cho khu cách ly, khu phong tỏa, người vận chuyển lương thực, thực phẩm cho các cơ sở sản xuất đang thực hiện "3 tại chỗ".
Người tham gia phòng, chống dịch, nhà báo, phóng viên, công nhân môi trường, công nhân duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng xã hội cùng các trường hợp khẩn cấp khác được phép hoạt động.
Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải xét nghiệm Covid-19 cho nhân viên định kỳ 3 ngày một lần, khuyến khích hoạt động với công suất hợp lý theo hình thức "3 tại chỗ".
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cũng yêu cầu trong thời gian thực hiện giãn cách các lực lượng chức năng không được tự ý đặt ra các giấy tờ, thủ tục trái quy định pháp luật, các sở ban ngành của thành phố phải đảm bảo cung cấp đủ nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm cho người dân.
Đi kèm các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh là phải đảm bảo việc vận tải hàng hóa thông suốt trong nội bộ TP Cần Thơ và liên thông với các địa phương khác. Bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp.
Chiều 24/8, tại hội nghị trực tuyến với các địa phương tăng cường các giải pháp cấp bách phòng chống dịch Covid- 19, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm đề nghị các địa phương, các ngành tiếp tục quyết liệt các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Ông Nghiêm cũng đề nghị kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 10 ngày từ 26/8 đến ngày 4/9.
Tại An Giang, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đã ký quyết định tiếp tục kéo dài việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với 7 huyện, thành phố đến hết ngày 5/9; các huyện thị còn lại thực hiện Chỉ thị 15.
Trong thời gian tiếp tục giãn cách xã hội lần này, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm, mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Đặc biệt, đối với các vùng đỏ, vùng cam trên địa bàn huyện cần có giải pháp quản lý chặt chẽ, quyết liệt, xử lý triệt để ổ dịch trong thời gian tiếp tục giãn cách.
Người đứng đầu chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh An Giang nếu để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng do nguyên nhân chủ quan.
Tranh thủ "thời gian vàng" của giãn cách xã hội tiến hành xét nghiệm tầm soát, thần tốc truy vết, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng để điều trị, ngắt nhanh nguồn lây, nhanh chóng làm sạch địa bàn; bảo vệ vững chắc "vùng xanh".
Tính đến sáng ngày 24/8, An Giang ghi nhận 1.489 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 11 trường hợp tử vong.
Tại Đồng Tháp, ngày 24/8, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa ký quyết định, tiếp tục áp dụng biện pháp cách ly xã hội trên phạm vi toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian thực hiện đến hết ngày 5/9.
Trong thời gian cách ly xã hội lần này, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 5/9.
Đồng thời quản lý chặt chẽ lực lượng shipper, các đội tham gia hỗ trợ, cung ứng hàng hóa cho người dân, vì đây là nhóm đối tượng di chuyển và tiếp xúc nhiều với người dân nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh.
Khi huyện Lai Vung để xảy ra ổ dịch 48 ca mắc Covid (từ ngày 21/8 đến ngày 23/8), trong đó có 36 trường hợp ngoài cộng đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa nghiêm khắc phê bình Chủ tịch UBND huyện Lai Vung khi để trên địa bàn bùng phát ổ dịch mới.
Lãnh đạo Đồng Tháp yêu cầu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch huyện này tập trung thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phòng, chống dịch trong thời gian tới.
Tính đến ngày 24/8, toàn tỉnh Đồng Tháp ghi nhận hơn 6.200 ca mắc Covid-19, trong đó đã điều trị khỏi hơn 3.700 ca.
Còn tại Kiên Giang, chiều 24/8, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh họp với các sở, ngành và các huyện, thành phố về công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới. Kết thúc buổi họp này, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Mình Thành ký quyết định, tiếp tục kéo dài thời gian cách ly xã hội trên phạm vi toàn tỉnh thêm 7 ngày, thời gian thực hiện từ 0h ngày 26/8 đến hết ngày 1/9.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ động xây dựng kịch bản, tình huống phương án thực hiện sau khi có kết quả xét nghiệm tầm soát.
Khẩn trương chuẩn bị dụng cụ y tế, đồ bảo hộ cho các lực lượng làm công tác lấy mẫu, đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch.
Giao Công an tỉnh tham mưu cho Ban Chỉ đạo ban hành hướng dẫn phân loại vùng xanh, vùng vàng, vùng cam và vùng đỏ, sau khi có kết quả tầm soát, các địa phương phải triển khai thực hiện theo từng cấp độ, quản lý chặt chẽ hơn việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch, tăng thêm số lượng các chốt trên đường bộ, đường thủy.