1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Nhiều tỉnh đồng thuận tách riêng giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập

Thư Trần

(Dân trí) - Để đẩy nhanh tiến độ, nhiều tỉnh, thành phố đồng thuận với đề xuất tách công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập trong dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi.

Sáng 11/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đấu thầu tại TPHCM. 

Buổi làm việc có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, lãnh đạo các tỉnh, thành phía Nam và đại diện các sở, ban ngành liên quan. 

"Ác mộng" thủ tục dự án ODA

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, 3,5 năm là thời gian trung bình để hoàn tất thủ tục đầu tư một dự án ODA (dự án thực hiện bằng nguồn vốn vay hỗ trợ từ nước ngoài), thậm chí có dự án kéo dài 4-5 năm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn các địa phương thêm góp ý, tạo sự đồng thuận, đặc biệt với nhóm chính sách đơn giản hóa nội dung liên quan đến đề xuất dự án; bổ sung hoạt động lập đề xuất dự án vào nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn cho nhiệm vụ lập đề xuất dự án.

Nhiều tỉnh đồng thuận tách riêng giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập - 1

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại hội thảo ngày 11/9 (Ảnh: Thư Trần).

Một nội dung quan trọng khác Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn được góp ý là các nhóm chính sách về thúc đẩy thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; làm rõ cơ chế tài chính trong nước cấp phát toàn bộ, cho vay lại hay cho vay một phần...

Bên cạnh đó, dự thảo luật sửa đổi đề xuất dự án đầu tư sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại là một trong số các loại dự án không phải quyết định chủ trương đầu tư, mà Luật Đầu tư công hiện hành chưa quy định.

Theo ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, thủ tục hiện nay rất nhiêu khê, kéo dài thời gian thực hiện dự án. "Thủ tục thực hiện dự án ODA hiện nay có đến 4 bước, mất 2-3 năm quá vất vả, nhưng chưa chắc xong", ông Sơn nói và đề xuất cần mạnh dạn hợp nhất thủ tục nhà tài trợ với Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, rút gọn các bước, đi thẳng vào đàm phán.

Nhiều tỉnh đồng thuận tách riêng giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập - 2

Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, góp ý tại hội thảo (Ảnh: Thư Trần).

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng cũng đồng tình với quan điểm này. Ông cho rằng để chuẩn bị thủ tục cho dự án ODA kéo dài 3-4 năm đã gây trì trệ tiến độ nhiều năm qua. Ông mong muốn có phương án rút ngắn thủ tục và đưa vào triển khai sớm để các địa phương tổ chức thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cũng cho rằng, các dự án ODA bị vướng đã được tháo gỡ, nhưng vẫn chậm trễ, các thủ tục cần tích hợp gọn gàng và tăng cường tính trách nhiệm của địa phương hơn. 

Tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập

Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi đề xuất cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án.

Theo đó, trường hợp thật sự cần thiết tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đối với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định; đối với dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C do cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Việc tách riêng dự án độc lập được thực hiện khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, đánh giá rằng, việc tách công tác giải phóng mặt bằng là rất phù hợp, giúp bước chuẩn bị đầu tư được hoàn chỉnh hơn trước khi bố trí vốn, tránh tình trạng chậm trễ trong triển khai.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng tốc độ thực hiện các dự án đầu tư công phụ thuộc lớn vào việc giải phóng mặt bằng.

Nếu mặt bằng không được sớm giải quyết, việc triển khai các dự án sẽ bị đình trệ; do đó, việc tách riêng phần này là cách tiếp cận đúng đắn. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, việc tách giải phóng mặt bằng cũng đặt ra một số vấn đề cần giải quyết.

Theo ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, việc tính toán tổng mức đầu tư các dự án sẽ trở nên phức tạp hơn khi tách phần giải phóng mặt bằng.

Ông cho biết, hiện nay tổng mức đầu tư của một dự án bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng. Nếu tách riêng phần này, cần phải quy định rõ ràng về cách tính toán chi phí, vì nhiều dự án có chi phí xây lắp và thiết bị thấp nhưng chi phí giải phóng mặt bằng rất cao. Ông đề xuất cần có quy định rõ ràng để các địa phương có thể chủ động trong việc thực hiện thủ tục đầu tư.

Đồng tình với ý kiến này, một số đại diện các tỉnh khác cũng yêu cầu luật cần làm rõ các điều khoản về trường hợp "thật sự cần thiết" khi tách dự án. Điều này nhằm tránh những khó khăn không đáng có trong quá trình triển khai sau này. Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận còn lưu ý rằng, mặc dù quy định về tách phần bồi thường đã có, vẫn thiếu các hướng dẫn cụ thể về trình tự và thủ tục, dẫn đến khó khăn khi áp dụng vào thực tiễn.

Theo ông Lê Hoàng Anh, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội, đề xuất tách công tác giải phóng mặt bằng là hợp lý; tuy nhiên, cần có giải pháp kỹ thuật, chính sách phòng ngừa hệ lụy khi tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, như thêm các bước thủ tục, tăng chi phí và lãng phí nguồn lực cho việc quản lý dự án.

Nhiều tỉnh đồng thuận tách riêng giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập - 3

Ông Lê Hoàng Anh, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội (Ảnh: Thư Trần).

Phản hồi góp ý này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, việc tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đã được đề cập từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, Quốc hội đã quyết định xem xét từng dự án và từng địa bàn cụ thể trước khi áp dụng rộng rãi.

Bà Ngọc cũng thừa nhận, việc tách riêng các dự án giải phóng mặt bằng có thể gây ra những hệ lụy nếu không được quản lý tốt, đặc biệt là đối với các dự án giao thông, nơi chưa xác định rõ hướng tuyến.

Lần này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đề xuất việc tách riêng này vào dự thảo luật, kèm theo các điều kiện cụ thể để đảm bảo việc quản lý và thực hiện đạt hiệu quả cao. Dự kiến, dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 diễn ra vào tháng 10 năm nay.