1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Kiến nghị thay thế cán bộ yếu kém, cản trở giải ngân vốn đầu tư công

Ninh An

(Dân trí) - Tính đến ngày 30/6, ước thanh toán giải ngân vốn đầu tư công là 196.700 tỷ đồng, đạt 29,39% kế hoạch. Cùng kỳ năm 2023 tỷ lệ giải ngân đạt 30,49%.

Giải ngân đầu tư công mới đạt 29,39%

Ngày 16/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm nay. 

Báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công trong nửa đầu năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết đến ngày 10/7, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã giao chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 639.400 tỷ đồng, đạt 95,5% kế hoạch được giao. Số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 29.900 tỷ đồng.

Về tình hình giải ngân, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6 là 196.700 tỷ đồng, đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cùng kỳ năm 2023 đạt 30,49%.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết tỷ lệ giải ngân chung của cả nước 6 tháng đầu năm thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Trong đó, bên cạnh tỷ lệ giải ngân vốn NSTW có sự cải thiện (đạt 30,51%, so với cùng kỳ 28,34%), thì tỷ lệ giải ngân vốn NSĐP (đạt 28,77%), thấp hơn cùng kỳ (32,76%).

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ có 33 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương giải ngân dưới trung bình cả nước. Trong đó có một số bộ, địa phương có số vốn kế hoạch năm 2024 chiếm tỷ trọng lớn, tuy nhiên tỷ lệ giải ngân thấp.  

Nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương không duy trì được kết quả giải ngân tốt như cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, có 15 bộ, cơ quan trung ương và 33 địa phương có số vốn giải ngân thấp hơn số vốn của chính bộ, cơ quan trung ương và địa phương đó đã giải ngân trong cùng kỳ năm 2023.

Một số địa phương được giao kế hoạch năm 2024 cao hơn năm 2023 nhưng có giá trị giải ngân thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2023. Ví dụ như TPHCM thấp hơn 4.604,351 tỷ đồng; Quảng Ngãi thấp hơn 1.510,304 tỷ đồng; TP Hải Phòng thấp hơn 1.476,968 tỷ đồng; Bắc Giang thấp hơn 1.097,672 tỷ đồng; Đồng Nai thấp hơn 839,04 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỷ lệ giải ngân của các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, dự án giao thông liên vùng còn thấp. Tính đến ngày 13/6/2023, tỷ lệ giải ngân của các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông chỉ đạt 27,4%; dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý chỉ đạt 17,2%.

Một số dự án được giao kế hoạch vốn năm 2024 lớn nhưng có tỷ lệ giải ngân thấp như dự án Vành đai 3 - TPHCM; Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Tỷ lệ giải ngân vốn của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài còn thấp, đạt 12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước là 29,39%.

Kiến nghị thay thế cán bộ yếu kém, cản trở giải ngân vốn đầu tư công - 1

Giải ngân vốn đầu tư công nửa đầu năm thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (Ảnh: Tiến Thành).

8 giải pháp, phấn đấu giải ngân đạt 95% kế hoạch được giao 

Bộ trưởng kiến nghị 8 giải pháp đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhằm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

Mục tiêu đặt ra là phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm nay đạt trên 95% kế hoạch được giao. Bộ trưởng nêu ví dụ lấy dự án 500 kV mạch 3 làm hình mẫu điển hình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện các dự án.

Thứ nhất là đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư và đấu thầu dự án, kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng chất lượng hồ sơ trước khi trình cơ quan thẩm định; giảm thiểu việc chỉnh sửa hồ sơ do không đạt yêu cầu. 

Bên cạnh đó là lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân từng tháng, quý.

Thứ 3 là đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng các dự án. Thứ 4 là tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên.

Thứ 5 là thực hiện các thủ tục thanh toán trong thời hạn 5 ngày làm việc, khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt quyết toán, giải ngân vốn đối với các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Thứ 6 là tăng cường giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ trưởng kiến nghị thay thế kịp thời những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trì trệ, thiếu trách nhiệm, cố tình gây khó khăn, cản trở tiến độ giải ngân vốn; kiên quyết xử lý các hành vi gây nhũng nhiễu, tiêu cực trong quản lý đầu tư công.

Thứ 7 là phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại và cũng không quá thận trọng, sợ trách nhiệm. Cuối cùng là đảm bảo nguồn vốn ngân sách địa phương cho chi đầu tư phát triển.