1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Nhiều “ông” có quyền quá nên quản lý đất đai bị chia cắt”

(Dân trí) - “Quản lý đất đai hiện nay đang bị chia cắt quá nhiều. Nhiều “ông” có quyền quá, từ tỉnh đến huyện, nên mọi vấn đề lung tung hết. Có lẽ do chúng ta mở quá lớn quyền nên để lại nhiều hệ lụy mà giờ phải tính bịt lại” - Bộ trưởng TN-MT phát biểu.

Chiều 6/11, tại phiên thảo luận ở tổ của đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang đã trao đổi thêm với báo chí về nhiều nội dung nhận được nhiều quan tâm, tranh luận.

Nguyên nhân dẫn đến tình hình phức tạp khó gỡ trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng dường như đã được làm sáng tỏ trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại tổ đại biểu Quốc hội của ông. Các ý kiến cho rằng, vì Luật Đất đai mở hơn quy định về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế, thực hiện các dự án lớn so với quy định chỉ trưng mua cho mục đích an ninh, quốc phòng, công cộng trong Hiến pháp làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người sử dụng đất. Ông thấy lập luận này có xác đáng, thuyết phục?

Nói trưng dụng, trưng mua là về tài sản trên đất, chứ hiện tại và sau khi sửa luật cũng không thể áp dụng hình thức này. Ngay cả Hiến pháp hiện hành quy định cũng như dự thảo Hiến pháp sửa đổi cũng không chỉnh sửa điều này.

Và ngay đất ở, đất nông nghiệp khác nhau nên xử lý tài sản trên đất cũng khác. Trưng mua phải theo giá thị trường, nhưng trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân theo giá thị trường.
“Nhiều “ông” có quyền quá nên quản lý đất đai bị chia cắt”
Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang: "Giờ phải tính bịt lại những hệ lụy do mở quyền quá lớn trong quản lý đất đai" (ảnh: Việt Hưng).

Nhiều đại biểu cũng phản ánh những “biến tướng” từ quy định mở của Luật Đất đai khiến doanh nghiệp chỉ cần cầm quyết định phê duyệt dự án và giấy phép đầu tư là có quyền đi thu hồi đất của dân, triển khai dự án. Ông giải thích thế nào về hiện tượng này?

Chuyện cũ là như vậy. Nhưng bây giờ không thể làm thế được. Dự luật sửa đổi hướng tới quy định Nhà nước trực tiếp thu hồi đất và nhà đầu tư đấy chỉ là đầu tư thứ cấp (cấp 2). Họ sẽ không có quyền như suốt thời gian dài qua. Đúng là vừa qua lợi nhuận các nhà đầu tư thu được là rất ghê gớm.

Bên cạnh đó, luật mới cũng điều chỉnh theo hướng thu hồi đất của dân phải không được tùy tiện, Nhà nước không thể dùng quyền của mình để muốn thu hồi là thu. Quyền lợi của người có đất hợp pháp phải được tôn trọng, được thể hiện trong luật. Chính sự tuỳ tiện vừa qua mới dẫn đến tình trạng đất để hoang. Lần này phải khắc phục bằng được.

Sửa luật lần này, việc định giá đất cũng đề ra yêu cầu phải thay đổi căn bản vì đây là nguồn gốc phát sinh những vụ khiếu kiện về đất đai quá lớn và kéo dài. Hướng quy định nào khả thi, hiệu quả cho việc này?

Vẫn phải ban hành khung giá nhưng khác trước đây là chỉ có 3 vùng (đồng bằng, trung du, miền núi) thì nay sẽ phủ dày hơn để cho độ chính xác cao hơn và sẽ ổn định trọng một thời gian. Khung giá này cũng được nhấn mạnh nguyên tắc, đất phải có giá, không thể tính toán rẻ mạt rồi thu hồi để người ta làm chuyện này, chuyện khác. Nếu dân được đền bù giá tốt thì người dân rất đồng tình. Dân giàu thì nước sẽ mạnh lên. Phải xuất phát từ lợi ích người dân thì thu hồi đất sẽ hiệu quả.

Phương pháp định giá đất sẽ phải thế nào để đảm bảo sát giá thị trường, thưa ông?

Hiện nay ta đang làm rất tùy tiện. Tới đây phải hình thành ra cơ quan, tổ chức định giá đất. Chúng tôi đang tính toán, sau này cơ quan chủ quản về giá đất sẽ thuộc Bộ Tài chính hay Bộ Tài nguyên - Môi trường. Cũng có thể hình thành tổ chức tư vấn về định giá đất để đảm bảo tư vấn phải khách quan, không tùy thuộc vào chủ quan của người có quyết định thu hồi đất. Luật cũ chưa tính hết vấn đề nên giờ chúng ta phải sửa.

Có ý kiến vẫn lo ngại có khả năng tổ chức định giá dưới thực tế?

Đó là vì chưa chuyên nghiệp thôi. Khi Luật Đất đai sửa đổi được ban hành sẽ có quy định rõ hơn. Điều nào chưa rõ cũng sẽ tiếp tục có Nghị định và Thông tư hướng dẫn quy định cụ thể nhất có thể.

Trường hợp có căn cứ cho rằng giá đất được xác định không sát giá thị trường, người dân có quyền “quay lưng”, phủ quyết?

Việc công khai minh bạch quá trình quy hoạch, thu hồi, lập dự án, định giá đất… là rất quan trọng. Và tôi rất thấm thía ý kiến của nhiều đại biểu nói bây giờ mình cứ thu hồi đất mà không biết người dân họ đi đâu, sống thế nào…

Quy trình thu hồi đất tới đây phải hết sức bảo vệ, tôn trọng lợi ích của người dân. Khi thu hồi đất, việc người dân sống như thế nào là điểm quan trọng nhất. Quy định không phải không có nhưng do công tác tổ chức thực hiện chưa đúng luật chứ không phải do luật “hổng”. Điều này càng đòi hỏi minh bạch, khách quan, sự tham gia của người dân.

Vậy cơ quan soạn thảo sẽ lập luận thế nào để có thể thuyết phục đại biểu là luật sửa đổi lần này sẽ bịt được những khoảng trống quy định hiện hành?

Chúng tôi đi khảo sát ở Thái Lan thấy 70% đất của họ là đất công và có 30% của tư nhân (phần lớn đất ở), còn đất nông nghiệp cũng là đất công. Nhà nước giao cho người dân, mỗi người không quá 2,4ha và không được phép chuyển nhượng. Có lẽ do chúng ta mở quá lớn quyền như vừa rồi đã để lại nhiều hệ lụy và bây giờ phải bịt lại.

Quản lý đất đai của chúng ta hiện nay đang chia cắt quá nhiều. Nhiều “ông” có quyền quá, từ tỉnh đến huyện, nên mọi vấn đề lung tung hết. Nhưng nếu đi theo hướng quản lý theo hệ thống dọc từ trung ương đến địa phương theo một vệt sẽ chặt chẽ hơn.

Nhất là những kẽ hở tạo điều kiện cho tham nhũng đất đai, Bộ trưởng tin sẽ “trám” được kín kẽ?

Những vấn đề đặt ra để sửa đổi hiện nay cũng cơ bản nhằm khắc phục những sơ hở trong quản lý. Ví dụ như chuyển mục đích sử dụng đất, khi thực hiện quỹ phát triển đất này, Nhà nước tiến hành thu hồi và đấu giá quyền sử dụng đất thì sẽ khác đi, bên cạnh minh bạch và chuẩn xác trong định giá.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

P.Thảo (ghi)