“Nhiều người đã khóc khi đọc lá thư cuối của cô dâu Việt”
“Chúng ta cần xem xét sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình, đặc biệt là quy định liên quan tới hôn nhân có yếu tố nước ngoài”, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, khẳng định sau vụ Huỳnh Mai bị người chồng Hàn Quốc sát hại.
>> Lá thư cuối cùng của một cô dâu Việt ở Hàn Quốc
>> Nỗi đau của gia đình cô dâu Việt bị sát hại tại Hàn Quốc
Thưa bà, bà suy nghĩ thế nào khi đọc thông tin về cái chết của cô dâu Huỳnh Mai tại Hàn Quốc?
Chuyện về cô dâu Huỳnh Mai quá đau xót, nhiều người đã khóc khi đọc bức thư cuối cùng của Huỳnh Mai. Là người công tác trong lĩnh vực các vấn đề xã hội của Quốc hội, khi tìm hiểu thông tin trên, tôi rất phẫn nộ và xót xa. Bản thân người Hàn Quốc đã lên án hành động vô nhân tính của người chồng Huỳnh Mai, và người Việt Nam chúng ta cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa.
Trong chuyện cô dâu Huỳnh Mai, đâu là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước?
Mấy năm trở lại đây, khi nảy sinh vấn đề cô dâu Việt Nam, các cơ quan nhà nước phần nào đã chủ động vào cuộc, tích cực có giải pháp, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm.
Tôi được biết Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã thiết lập một số cơ chế để hỗ trợ cô dâu Việt Nam tại Hàn Quốc, như công bố số điện thoại và thông tin cần thiết trên website tiếng Việt của Đại sứ quán, khi có vấn đề xảy ra thì có công văn gửi Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, rồi đề nghị chính quyền sở tại can thiệp...
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng tất cả hành động nêu trên là chưa đủ, điều cần làm hiện nay là phải có sự liên lạc, cũng như thông tin tốt hơn đến với các cô dâu Việt Nam ở xứ người. Tiếp đó phải xúc tiến mạnh mẽ những vấn đề liên quan đến Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các nước có liên quan vấn đề này, ví như Việt Nam với Hàn Quốc...
Ngoài ra, chúng ta cần xem xét bổ sung và sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình, đặc biệt với các quy định liên quan tới hôn nhân có yếu tố nước ngoài.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình nên theo hướng nào?
Tôi nghĩ là cần có quy định cụ thể hơn và phải có chế tài để chúng ta xem xét các vấn đề hết sức cụ thể. Ví dụ như điều kiện kết hôn hai người phải có mặt ở Việt Nam, tránh những việc vừa rồi xảy ra là đăng ký bên kia rồi họ quay trở về để bên Việt Nam thừa nhận; phải có quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm của những tổ chức hoạt động trong lĩnh vực liên quan tới kết hôn có yếu tố nước ngoài... Và có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn có hiệu quả những tiêu cực nảy sinh. Nếu chúng ta không có những giải pháp kịp thời, rất có thể còn xảy ra những sự việc đau lòng khác.
Rõ ràng từ chuyện cô dâu Huỳnh Mai, chúng ta phải nghĩ tới cuộc sống của hàng nghìn cô dâu Việt khác. Tôi biết Thủ tướng đã có chỉ thị 03 về vấn đề này, trong đó giao trách nhiệm rất rõ cho các cơ quan có liên quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp...
Ở trên tôi đã nói đến một số cơ chế để hỗ trợ cô dâu Việt Nam của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc. Đứng về góc độ Quốc hội, chúng tôi sẵn sàng tham gia ý kiến để sửa đổi, bổ sung luật pháp, để tìm ra cơ chế hữu hiệu bảo vệ tốt hơn đối với phụ nữ Việt Nam đi lấy chồng nước ngoài, sao cho con em mình cảm thấy yên tâm khi bước chân ra xứ người, cảm thấy đất nước luôn bên cạnh mình.
Bà nghĩ sao về vai trò của chính quyền địa phương trong vấn đề kết hôn với người nước ngoài của các cô gái Việt?
Vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, nơi trực tiếp quản lý hành chính hằng ngày với bà con, cần được làm rõ để có kết nối về mặt trách nhiệm tốt hơn. Đặc biệt là chính quyền cấp xã, tôi biết cấp xã còn nhiều khó khăn, nhưng thông tin từ trên xuống muốn đến được với người dân thì công việc của cấp xã rất quan trọng.
Với những xã có nhiều con em đi lấy chồng nước ngoài, chính quyền cấp xã càng phải quan tâm hơn tới số phận của người dân. Tôi cũng cho rằng những tổ chức chính trị xã hội, như Hội liên hiệp phụ nữ ở địa phương, cần tuyên truyền tốt hơn trong giới của mình.
Theo Tiền Phong