1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Chỉ 50% cô dâu Việt hạnh phúc ở Hàn Quốc”

“Theo sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, khoảng 60% các cô gái Việt lấy chồng Hàn có hạnh phúc; phía Hàn Quốc đánh giá con số này là 50%. Còn lại là những người có cuộc sống không ổn định, gặp khó khăn về kinh tế, bị chồng hắt hủi và gặp nhiều bất hạnh...”.

Bà Cao Hồng Vân, Trưởng Ban gia đình - xã hội (Hội Liên hiệp phụ nữ VN) đưa ra con số thống kê giật mình, về thực trạng nhiều cô dâu VN tại Hàn Quốc bị đối xử tệ bạc, tàn nhẫn, thậm chí dẫn đến bỏ mạng nơi xứ người; gây bức xúc không chỉ tại VN mà cả trong công chúng Hàn Quốc.

 

Thưa bà, vì sao lại liên tiếp xảy ra nhiều vụ bạo hành gia đình ở Hàn Quốc mà nạn nhân là các phụ nữ VN?

 

Theo tôi, một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn của một số cô gái VN lấy chồng nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc, là hai bên không biết nhau. Chú rể gặp cô dâu ở trung tâm môi giới, chấp nhận cuộc hôn nhân không tình yêu, không giao tiếp, không hiểu biết về văn hóa và lối sống của nhau... Chúng tôi đã gặp những cô dâu bị chồng đánh nhưng không biết vì sao bị đánh! Bản chất của những cuộc hôn nhân chóng vánh kiểu này là yếu tố may rủi rất rõ.

 

Hội phụ nữ đã làm những gì để hỗ trợ các cô gái VN giảm bớt rủi ro khi họ muốn lấy chồng nước ngoài?

 

Theo thống kê năm 2005, từ 2003-2005 có khoảng 32.000 phụ nữ VN lấy chồng nước ngoài, phần lớn là Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc. Hiện tại, theo một thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 15.000 - 17.000 cô dâu VN đang sinh sống tại Hàn Quốc.

Chúng tôi đã yêu cầu hội phụ nữ các địa phương thành lập các trung tâm trợ giúp pháp lý cho các cô gái muốn lấy chồng nước ngoài, và mở đầu là trung tâm ở TPHCM thành lập năm 2003. Nhưng những trung tâm này cũng gặp một số khó khăn như thiếu nhân lực, thiếu kinh phí.

 

Tư vấn kết hôn với người nước ngoài thì ít nhất cán bộ mình cũng phải hiểu biết luật pháp nước đó, biết văn hóa của họ để cung cấp cho cô dâu, nhưng nhiều cán bộ lại không biết. Chủ yếu là khi đối tượng đến, trung tâm đưa ra lời khuyên để các cô cân nhắc.

 

Chúng tôi cũng đã làm việc với Bộ Bình đẳng giới và gia đình Hàn Quốc để bàn biện pháp giải quyết, rồi phối hợp với sứ quán VN tại Hàn Quốc. Ví dụ như trường hợp cô Huỳnh Mai, chúng tôi đã có thư đề nghị sứ quán VN chính thức yêu cầu phía Hàn Quốc điều tra, xét xử người chồng đã đánh vợ tới chết...

 

Thưa bà, khoảng ba năm nay, xu hướng lấy chồng nước ngoài của nhiều cô gái VN đã dịch chuyển từ Đài Loan sang Hàn Quốc. Tỉ lệ gặp rủi ro cũng đã tăng lên. Có phải vì các hoạt động trợ giúp quá ít ỏi khiến các cô không có thông tin trước khi quyết định lấy chồng nước ngoài?

 

Có thực tế là chúng tôi đã mở trung tâm, nhưng các cô gái có nhu cầu tư vấn lại đến rất ít. Lý do là các công ty môi giới hoạt động rất mạnh. Riêng Hàn Quốc đã có khoảng 1.500 công ty kiểu này, họ sang tận VN, tiếp cận mời mọc các cô gái. Họ hoạt động tích cực vì lợi nhuận rất lớn: nhà trai thường chi khoảng 10.000 - 15.000 USD/ đám cưới, các công ty môi giới thường kiếm lời đến phân nửa.

 

Ở Hải Phòng, gần đây có xu hướng lấy chồng Hàn Quốc rất mạnh. Mỗi tháng gần 200 cô đến xin tư vấn; có cô chỉ được nhà trai dạm ngõ chưa đến 1 triệu đồng cùng nhẫn cưới là loại vàng kém tuổi... Thế nhưng có vấn đề là các cô gái rất quyết tâm lấy chồng nước ngoài. Theo tôi, chủ yếu là vì lý do kinh tế, muốn thay đổi cuộc sống.

 

Hôm 10/8 vừa rồi, Hội Liên hiệp phụ nữ VN đã ký với Hàn Quốc một dự án trị giá 3,5 triệu USD để hỗ trợ các cô gái VN muốn lấy chồng Hàn Quốc. Nhiệm vụ chính của dự án là gì và theo bà, có phải là đã muộn khi bây giờ mới bắt tay vào hỗ trợ các cô gái?

 

Dự án này sẽ kéo dài năm năm và đang bắt đầu. Nhiệm vụ chính là cung cấp kiến thức và thông tin cho các cô muốn hoặc sắp lấy chồng Hàn Quốc. Chúng tôi sẽ phối hợp với Trung tâm Văn hóa phụ nữ VN tại Hàn Quốc để hỗ trợ kết hôn: bên Hàn Quốc thu thập thông tin và xác minh về chú rể, phía VN thu thập thông tin về cô dâu để chia sẻ cho nhau, tránh trường hợp hiểu lầm như chú rể 40 tuổi lại “được thông tin” là 30, chú rể nông dân lại được khéo nói thành chủ tiệm buôn...

 

Cũng sẽ có những khóa học ngắn, trước mắt là cho cô dâu VN lấy chồng Hàn Quốc, sắp tới là cho những phụ nữ sắp đến các nước khác. Họ sẽ được chỉ dẫn những giao tiếp thông thường, ứng xử khi mới về nhà chồng, cách sử dụng đồ dùng gia đình, cách nấu một số món ăn không thể thiếu ở Hàn Quốc, phong tục tập quán nước bạn, Luật hôn nhân gia đình và các địa chỉ “đường dây nóng” mà các cô nên tới nếu gặp sự cố. Mục đích là cung cấp cho các cô hành trang trước khi đi lấy chồng chứ không để các cô bơ vơ như vừa qua.

 

Chúng tôi sẽ hướng đến các địa phương có nhiều cô gái lấy chồng nước ngoài như khu vực ĐBSCL... Các hoạt động hỗ trợ này dù không được sớm nhưng cũng chưa quá muộn.

 

Chúng ta đã có điều tra nào về thực trạng chú rể để cung cấp cho các cô muốn lấy chồng nước ngoài, nhằm tránh ảo tưởng...?

 

Chú rể phần lớn là nam nông dân Hàn Quốc. Tôi được biết Hàn Quốc cũng có vấn đề lựa chọn giới tính nên nam giới đông hơn; thêm vào đó, phụ nữ nông thôn có xu hướng ra thành phố nhiều, nên những nam giới ở lại khó lấy vợ. Số nam giới tuổi trên 30-50 còn nhiều và lấy vợ nước ngoài là một nhu cầu thật sự. Nhưng thông tin khi tới các cô gái VN thì nhiều khi bị sai lệch...

 

Về cái chết của cô dâu Kim Đồng:

Không đủ chứng cứ để truy cứu hình sự

 

Theo tham tán công sứ Phạm Hữu Chí tại Hàn Quốc, thi thể của cô dâu Lê Thị Kim Đồng đã được hỏa táng. Nhưng thời điểm mang tro cốt của cô về quê hương chủ yếu tùy thuộc sự thống nhất của hai gia đình xung quanh mức bồi thường và “vấn đề này hết sức tế nhị”.

 

Ông Chí cho biết nếu trường hợp tử vong của cô dâu Kim Đồng được chứng minh là bị sát hại như trường hợp của Huỳnh Mai, Đại sứ quán VN mới có thể đấu tranh đề nghị Chính phủ Hàn Quốc bồi thường. Tuy nhiên, cái chết của Kim Đồng lại không đủ chứng cứ pháp lý để truy cứu hình sự và hiện chỉ được kết luận sơ bộ là do tai nạn hay tự vẫn...

 

Đại sứ quán VN tại Hàn Quốc đã đề nghị cảnh sát Hàn Quốc tiếp tục điều tra để xác định lại nguyên nhân này. Như đối với trường hợp Huỳnh Mai, một lần nữa ông Chí lấy làm tiếc cô dâu Kim Đồng đã không liên hệ kêu gọi cơ chế hỗ trợ của đại sứ quán khi xảy ra tình trạng bạo hành.

 

Theo Lan Anh - Thủy Tùng

Tuổi Trẻ