“Nhiều luật vẫn chứa lợi ích ngành, lợi ích nhóm”
(Dân trí) - “Nhiều luật vẫn chứa đựng lợi ích ngành, lợi ích nhóm, thậm chí có nguy cơ làm tăng bộ máy, tăng biên chế, tăng kinh phí. Điều đáng buồn là tình trạng các luật hình thành nhiều loại quỹ cá biệt, sẽ gây khó khăn cho Luật ngân sách”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nói.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (tỉnh Bình Định) cho rằng, tính nghiêm minh của pháp luật không được đảm bảo ngay trong các cơ quan quản lý nhà nước. Điển hình đó là những thiệt hại về kinh tế do cá nhân, tập thể, nhà nước và những cản trở vướng mắc về mặt pháp lý trong kinh doanh, sản xuất, thực thi nhiệm vụ cũng không được chỉ ra trong báo cáo của Chính phủ.
“Việc chậm trễ ban hành văn bản hướng dẫn cộng với việc trong thời gian gần đây nhiều văn bản luật khi trình Quốc hội có biểu hiện của lợi ích ngành, ít phân cấp cho địa phương như pháp luật liên quan đến quản lý kinh tế, quản lý tài nguyên. Một số luật cần để quy định nhiều cho Chính phủ và các bộ, ngành đã dẫn đến việc lách luật, lạm quyền, thể hiện rõ nhất là có những quy định hướng dẫn không phù hợp với quy định của luật”, đại biểu Nguyễn Thanh Thụy nêu ra hàng loạt những băn khoăn.
Đồng quan điều với đại biểu Thụy, đại biểu Nguyễn Đình Quyền (thành phố Hà Nội) chỉ ra địa chỉ cụ thể lợi ích nhóm xuất hiện ở Quốc hội. “Lợi ích nhóm, cục bộ là Quốc hội. Bởi vì Quốc hội là cơ quan thẩm tra, phản biện; Quốc hội là cơ quan chỉnh lý và hoàn thiện để trình thông qua cho nên việc này không thể trách các cơ quan của Chính phủ được!”, đại biểu Nguyễn Đình Quyền thẳng thắn nói.
Đại biểu Quyền cho rằng, vấn đề này thuộc trách nhiệm Ủy ban của Quốc hội, do đó cần tăng cường bộ phận, năng lực lập pháp của các Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, đại biểu Quyền còn đề nghị các bộ, ngành cần tập trung, ở các nước các bộ, ngành tập trung lớn nhất đó là nhiệm vụ hoạch định chính sách.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (tỉnh Thanh Hoá) nhận định nhiều luật vẫn chứa đựng lợi ích ngành, lợi ích nhóm, thậm chí có nguy cơ làm tăng bộ máy, tăng biên chế, tăng kinh phí. “Điều đáng buồn hiện nay, đang xuất hiện tình trạng các luật hình thành nhiều loại quỹ cá biệt và riêng biệt, sẽ gây khó khăn cho Luật ngân sách”, đại biểu Lợi quan ngại những "uẩn khúc" phía sau việc hình thành các luật.
Kết lại vấn đề, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhìn nhận tình trạng nợ đọng các văn bản còn lớn. “Cho đến bây giờ có thể nói loại “hàng tồn kho” này vẫn đang còn nhưng chúng ta chưa giải quyết được triệt để. Trong quá trình thẩm định, thẩm tra vẫn đang còn biểu hiện lợi ích nhóm, cục bộ và văn bản thiếu tính khả thi. Đây là vấn đề đại biểu Quốc hội phát biểu lưu ý các cơ quan thẩm định, thẩm tra, đây là trách nhiệm của chúng ta để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ” - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.
Quang Phong