1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Nhiều kịch bản về hướng di chuyển của cơn bão số 13

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Hiện nay các đài dự báo quốc tế và Việt Nam nhận định về cường độ, hướng di chuyển của bão số 13 không giống nhau. Do bão vẫn xa đất liền nên có nhiều kịch bản về khu vực bão ảnh hưởng trực tiếp.

Liên quan đến cơn bão số 13, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Hiện nay đang có nhiều kịch bản dự báo phân tán khá mạnh đối với quỹ đạo và cường độ bão số 13.

"Hiện nay các đài dự báo quốc tế và Việt Nam đưa ra dự báo về cường độ, hướng di chuyển của bão số 13 "không thống nhất cao". Do bão vẫn xa đất liền nên có nhiều kịch bản về khu vực bão ảnh hưởng trực tiếp", ông Khiêm cho biết.

Nhiều kịch bản về hướng di chuyển của cơn bão số 13 - 1

Ông Mai Văn Khiêm.

Theo ông Khiêm, kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất là bão số 13 sẽ đi lên phía Bắc Tây Bắc, khi vào gần vùng ven biển nước ta sẽ suy yếu và hướng về khu vực Bắc Trung Bộ.

"Thời gian bão ảnh hưởng đến đất liền từ ngày 14/11; gió mạnh nhất trên biển cấp 12-13, khi vào gần bờ giảm nhanh nhưng vẫn có thể gây ra gió mạnh cấp 9-10 cho các huyện đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ. Từ ngày 14 đến 16/11, Bắc và Trung Trung Bộ mưa lớn, với lượng mưa từ 100-150 mm, có nơi trên 200 mm", ông Khiêm cho biết.

Còn theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 16h chiều nay (12/11), vị trí tâm bão ở khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 117,9 độ Kinh Đông, cách Quần đảo Hoàng Sa khoảng 640km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.

Nhiều kịch bản về hướng di chuyển của cơn bão số 13 - 2

Vị trí và hướng di chuyển của bão số 13. (Ảnh: NCHMF).

Dự báo trong 24h tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 16h ngày 13/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 113,8 độ Kinh Đông, cách Quần đảo Hoàng Sa khoảng 230km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Do ảnh hưởng của bão, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão cấp 11-12, giật cấp 15; sóng biển cao từ 4-6m, vùng gần tâm bão 8-10m; biển động dữ dội.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 13,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 111,5 đến 120,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 16h ngày 14/11, vị trí tâm bão ở khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 16h ngày 15/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.  

Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 1597/CĐ-TTg ngày 12/11/2020 về việc tập trung ứng phó với bão số 13 năm 2020.

Công điện nêu rõ: Bão số 13 đang di chuyển nhanh về phía vùng biển và đất liền nước ta. Đây là cơn bão mạnh, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 12, giật cấp 15. Dự báo từ đêm 14 và ngày 15 tháng 11 năm 2020, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển ven bờ và đất liền khu vực Bắc và Trung Trung Bộ.

Diễn biến của bão còn rất phức tạp, hướng di chuyển không ổn định, cần theo dõi chặt chẽ, đề phòng bão đổi hướng, đổ bộ vào đất liền sớm hơn hoặc muộn hơn dự báo.

Để chủ động ứng phó với bão, hạn chế thiệt hại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để chỉ đạo, triển khai kịp thời công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”, tập trung một số nhiệm vụ cụ thể để phòng chống bão, đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân, giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm