Nhiều giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số báo chí
(Dân trí) - Theo Chánh văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý, chuyển đổi số đem đến cho báo chí nhiều thách thức, khó khăn, buộc phải có giải pháp xử lý, thích ứng.
Tại hội thảo "Thúc đẩy chuyển đổi số báo chí góp phần phục vụ hiệu quả hoạt động của bộ, ngành tư pháp" do Bộ Tư pháp tổ chức chiều 29/11, ông Đỗ Xuân Quý, Chánh văn phòng Bộ Tư pháp khẳng định, chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mà là nhiệm vụ đặt ra đối với từng cơ quan báo chí, để vừa đáp ứng yêu cầu của độc giả, yêu cầu phát triển công nghệ truyền thông trong thời đại mới, cũng như tối ưu hóa các nguồn lực.
Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai cho thấy, nhận thức và kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số báo chí còn nhiều hạn chế. Chuyển đổi số đồng thời cũng đem đến cho báo chí nhiều thách thức, khó khăn, buộc phải có giải pháp xử lý, thích ứng từ góc độ quản lý của cơ quan chủ quản và từng cơ quan báo chí.
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng cần xác định rõ bản chất của chuyển đổi số báo chí không chỉ đơn thuần là số hóa.
"Quan trọng hơn, mỗi cơ quan báo chí cần phải xây dựng được mô hình tòa soạn số, sản phẩm số và đặc biệt là phải xác định rõ các nguồn lực riêng có của mình", bà Hằng nêu quan điểm.
Từ góc độ cơ quan quản lý, bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, phản ánh, thời gian qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều giải pháp định hướng, thúc đẩy chuyển đổi số báo chí.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức, cập nhật kỹ năng cho lãnh đạo, nhà báo, phóng viên, biên tập viên về các nội dung liên quan đến chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số báo chí nói riêng.
Trong hai năm 2002-2003, Cục Báo chí đã phối hợp với Google tổ chức nhiều khóa đào tạo về chuyển đổi số báo chí. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng xây dựng và công bố Bản đồ công nghệ cho lĩnh vực báo chí.
"Đây là cơ sở quan trọng giúp cơ quan báo chí xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển công nghệ phục vụ chuyển đổi số thông qua 3 vấn đề: Các xu hướng lớn ảnh hưởng tới ứng dụng công nghệ số hiện nay; các công nghệ có tiềm năng cân bằng giữa giá trị và rủi ro; công nghệ nào nên thận trọng khi triển khai", bà Thảo cho hay.
Ngoài ra, vào tháng 6/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí, vận hành Cổng thông tin của trung tâm nhằm cung cấp thông tin, hỗ trợ các cơ quan báo chí thực hiện chuyển đổi số.
Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí cũng đã được ban hành nhằm giúp các cơ quan báo chí xác định được đơn vị mình đang ở trong giai đoạn nào, từ đó xây dựng lộ trình, kế hoạch, giải pháp phù hợp.
Nói về giải pháp thời gian tới, lãnh đạo Cục Báo chí cho biết sẽ tăng cường vai trò của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chủ quản báo chí; tăng cường đào tạo nhân lực báo chí, xuất bản phục vụ chuyển đổi số; xây dựng cơ chế hợp tác "4 nhà" (Nhà nước, cơ quan báo chí, nhà quảng cáo, nhà công nghệ); xác định mô hình kinh doanh phù hợp với môi trường chuyển đổi số, không gian số…
"Nắn dòng" quảng cáo chuyển hướng sang các nền tảng trong nước
Đại diện Cục Báo chí cho biết, Việt Nam hiện có hơn 800 cơ quan thông tấn, báo chí, với gần 1 triệu bài báo được sản xuất hàng ngày.
Số lượng lớn các cơ quan thông tấn, báo chí và các bài báo tạo ra một kho thông tin khổng lồ. Bằng cách áp dụng các công cụ và kỹ thuật phân tích dữ liệu, có thể xác định các xu hướng, mối tương quan và hiểu biết quan trọng từ nguồn này.
Doanh thu truyền thông đạt gần 4 tỷ USD cho thấy sự tăng trưởng và tiềm năng của ngành truyền thông trong việc tạo ra giá trị kinh tế, nhưng 50% doanh thu quảng cáo đang chảy vào các nền tảng xuyên biên giới và dữ liệu đang được các nền tảng này thu thập, sở hữu.
Vì thế, các cơ quan báo chí và truyền thông trong nước mất nguồn thu từ quảng cáo, phụ thuộc vào các công cụ phân tích, đánh giá dữ liệu của các nền tảng trên.
Lãnh đạo Cục Báo chí cho rằng, chuyển đổi số báo chí, nắn dòng tri thức, quảng cáo chuyển hướng sang các nền tảng trong nước để thông tin, tri thức từ dữ liệu có thể được kiểm soát và sử dụng nhằm phát triển báo chí lớn mạnh, phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước.