"Nhiều dự án nằm bất động nhưng có lệnh thu hồi là triển khai được ngay"
(Dân trí) - Nhắc lại giai đoạn điều hành ở địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết thực tế có những dự án "nằm im bất động", đất để không nhiều năm gây lãng phí.
Sáng 24/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 của Chính phủ.
Bố trí trụ sở dôi dư cho các công trình công cộng, cơ sở khám bệnh
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn Nhà nước năm 2024 là 64.014 tỷ đồng.
Trong quản lý đầu tư xây dựng, đầu tư công, đến hết ngày 31/12/2024, tổng số vốn giải ngân của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải là hơn 70.743 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 72,9% kế hoạch năm 2024 được giao (hơn 96.991 tỷ đồng).

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng báo cáo tại phiên họp (Ảnh: Hồng Phong).
Theo Bộ trưởng Tài chính, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đã góp phần khởi công mới, đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiều dự án, công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia để hoàn thành các dự án này đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, còn 30/46 bộ, cơ quan Trung ương, và 26/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.
Về sắp xếp, xử lý nhà đất của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp Nhà nước, Chính phủ nhận định tiến độ còn chậm, kéo dài, số lượng các cơ sở nhà, đất của một số bộ, ngành, địa phương chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất tương đối lớn.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhận định công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nhiều tồn tại cũng được cơ quan thẩm tra chỉ ra.

Phiên họp 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 24/4 (Ảnh: Hồng Phong).
Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị đẩy mạnh công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất; rà soát, chuyển giao các cơ sở nhà, đất kém hiệu quả do các cơ quan Trung ương quản lý về cho địa phương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; quản lý chặt chẽ, có phương án xử lý tình trạng để hoang hóa, lãng phí nhà ở công vụ, công trình phúc lợi công cộng.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ có kế hoạch tổng thể về quản lý, sử dụng hiệu quả trụ sở làm việc sau tinh gọn tổ chức bộ máy để bố trí cho các công trình phúc lợi công cộng, cơ sở khám, chữa bệnh, trạm y tế xã, phường tại một số địa phương hoặc có phương án khai thác, sử dụng hiệu quả, kịp thời.
Dự án không hiệu quả thì đấu thầu, lấy tiền làm việc khác
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng báo cáo cần chỉ rõ hơn những khuyết điểm, hạn chế vì nếu không chỉ rõ khuyết điểm, các giải pháp "chỉ là hô khẩu hiệu".

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Hồng Phong).
Về nội dung cụ thể, ông Phương cho rằng việc sắp xếp, xử lý nhà đất còn rất chậm; cơ sở dữ liệu đất đai chưa đạt tiến độ, lãng phí vi phạm trong quản lý tài nguyên đất, nhất là dự án chậm đưa vào sử dụng, đất nông lâm trường dù đã có thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, nhưng hiện nay còn rất lớn.
Góp thêm ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dẫn chứng các dự án chậm tiến độ gây lãng phí. Điển hình như Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 ở Hà Nam, vừa rồi Tổng Bí thư đã chỉ đạo thanh tra. Hay dự án tòa tháp Vicem được Tổng công ty Xi măng Việt Nam đầu tư ở đường Phạm Hùng.
Với tài sản công, ông Định đề nghị rà soát tất cả các dự án chậm triển khai để tháo gỡ vì đây vừa là thực hành tiết kiệm, vừa là chống lãng phí.
"Phải tháo gỡ những dự án đã có và đang triển khai dở dang ở địa phương, để đưa nguồn lực vào phục vụ phát triển, như Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 phải tháo gỡ để đưa vào hoạt động", ông Định nói.
Ông cũng đề nghị tháo gỡ về thể chế, chính sách để khơi thông nguồn lực, chống lãng phí.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị rà soát tất cả các dự án chậm tiến độ, dở dang gây lãng phí (Ảnh: Hồng Phong).
Nhắc lại giai đoạn điều hành ở địa phương, ông Định cho biết thực tế có những dự án "nằm im bất động", đất để không bao nhiêu năm, nhưng chỉ cần ra một lệnh "ông nào không làm thì thu hồi", ngay lập tức, một số dự án triển khai được ngay. Với những dự án không triển khai được, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh phải lấy đất đó để đấu giá, đấu thầu.
Cùng với đó, theo ông Định, cần rà soát các tài sản công sử dụng không hiệu quả. "Các địa phương có rất nhiều tài sản công sử dụng không hiệu quả, bố trí cho người này, người kia mượn, cơ quan này, cơ quan kia ngồi quá rộng. Khi ở địa phương, tôi chỉ đạo phải sử dụng cho hiệu quả, cái gì không hiệu quả thì cho đấu giá, đấu thầu, lấy tiền để làm việc khác, làm công trình công cộng", ông Định nhấn mạnh đây là việc rất cần.
Đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang thực hiện sắp xếp bộ máy của cả hệ thống chính trị, cần quan tâm vấn đề quản lý tài chính, tài sản để chống thất thoát lúc sáp nhập, chuyển đổi.
Trụ sở, tài sản công dôi dư sau sáp nhập phải đưa vào sử dụng cho hiệu quả, chống thất thoát, chống lãng phí, chống tiêu cực, theo đề nghị của Phó Chủ tịch Quốc hội.
Ông Định cho biết trong bối cảnh đặt mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và từ 2026 đến 2030 là tăng trưởng 2 con số, Tổng Bí thư và các lãnh đạo cấp cao nhận định những dự án đang tồn đọng nếu được đưa vào sử dụng cũng góp phần tăng trưởng rất mạnh. Vì vậy, chống lãng phí là nhiệm vụ rất quan trọng trong thời gian tới.