1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nhiều địa phương phản ánh phần mềm hộ tịch, lý lịch tư pháp "rùa bò"

Thế Kha

(Dân trí) - Nhiều địa phương phản ánh tới Bộ Tư pháp việc phần mềm hộ tịch dùng chung và lý lịch tư pháp thường xuyên bị treo, tốc độ xử lý, truy cập chậm và thường xuyên nghẽn thông tin.

Phản ánh tới Bộ Tư pháp mới đây, tỉnh Đồng Nai cho biết trong quá trình hoàn thành dự án số hóa sổ hộ tịch, phần mềm hộ tịch 158 của Bộ Tư pháp chưa được cập nhật kịp thời, thường xuyên bị lỗi. "Phần mềm hộ tịch dùng chung do nhiều người cập nhật cùng thời điểm nên thường xuyên bị treo"- địa phương này nêu thực trạng.

UBND tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Hà Tĩnh cũng đề nghị Bộ Tư pháp nâng cao chất lượng đường truyền phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch để tạo thuận lợi cho công chức tư pháp trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân được chính xác, kịp thời, tránh việc thường xuyên bị lỗi mất kết nối.

Nhiều địa phương phản ánh phần mềm hộ tịch, lý lịch tư pháp rùa bò - 1

Nhiều địa phương phản ánh phần mềm quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp thường xuyên bị lỗi.

Trả lời địa phương, Bộ Tư pháp cho rằng trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế đã nỗ lực duy trì, vận hành các phần mềm nghiệp vụ của ngành tư pháp triển khai tại các địa phương như hộ tịch, lý lịch tư pháp, đấu giá tài sản…

Riêng đối với phần mềm hộ tịch hoạt động không ổn định trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân như: hạ tầng bị quá tải, không thể kết nối với hệ thống thẩm định cấp số định danh cá nhân, số lượng truy cập, cập nhật dữ liệu rất lớn khi số hóa dữ liệu trên phần mềm hộ tịch 158, nhu cầu trích xuất để đối soát dữ liệu tăng cao theo Đề án 06...

Hiện nay, Cục Công nghệ thông tin - Bộ Tư pháp đang tiến hành các thủ tục để triển khai Dự án "Đầu tư Hạ tầng Trung tâm dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp giai đoạn 2022-2025". Dự kiến, hạ tầng Trung tâm dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp sẽ được nâng cấp, phát triển từ năm 2023.

"Sau khi hạ tầng được nâng cấp, các phần mềm sẽ hoạt động ổn định, thuận lợi hơn trong việc khai thác, sử dụng, vấn đề về số hóa hộ tịch cũng sẽ được giải quyết"- Bộ Tư pháp cho hay.

Trong khi đó, tỉnh Thừa Thiên-Huế đề nghị điều chỉnh các bất cập về kỹ thuật trong hệ thống thông tin phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch nhằm đảm bảo sử dụng thuận tiện và thông suốt. Đồng thời sớm hoàn thành việc rà soát, chuẩn hóa và đồng bộ thông tin đơn vị hành chính với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nhằm chuyển đổi lại dữ liệu từ các đơn vị hành chính cũ sang đơn vị hành chính mới đối với các đơn vị hành chính cấp xã đã được điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập mới tại địa phương này.

Bộ Tư pháp khẳng định đã hoàn thành việc rà soát, chuẩn hóa, điều chỉnh thông tin đơn vị hành chính đối với các địa danh có sự thay đổi từ năm 2016 đến nay và đồng bộ với hệ thống của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Đối với các địa danh trước năm 2016, Bộ Tư pháp đang phối hợp với Tổng cục Thống kê để rà soát lại toàn bộ địa danh (tên địa danh, mã địa danh, ngày ban hành, thời gian có hiệu lực, văn bản liên quan) trước khi cập nhật trên phần mềm hộ tịch 158.

Trong trường hợp hệ thống thẩm định cấp số của Bộ Công an vẫn báo lỗi như trên, Bộ Tư pháp đã bổ sung thêm chức năng gửi lại cấp số định danh. Bộ Tư pháp sẽ tiếp thu nghiên cứu, chỉnh sửa các lỗi phát sinh và sẽ tổng hợp, triển khai trong Dự án đầu tư công trung hạn "Xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch" sắp tới.

Nhiều địa phương phản ánh phần mềm hộ tịch, lý lịch tư pháp rùa bò - 2

Bộ Tư pháp cho biết sẽ chỉ đạo Cục Công nghệ thông tin tiếp tục hỗ trợ xử lý các sự cố trong quá trình sử dụng và đề xuất đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật cho phần mềm lý lịch tư pháp.

Gửi phản ánh tới Bộ Tư pháp, UBND TPHCM khẳng định địa phương này có số lượng hồ sơ lớn nên tốc độ xử lý, truy cập chậm, thường xuyên nghẽn thông tin. "Bộ Tư pháp cần nâng cấp phần mềm lý lịch tư pháp phiên bản dùng chung, đặt thêm máy chủ cho phần mềm lý lịch tư pháp TPHCM và có nhân sự xử lý các vấn đề phát sinh (nếu có)"- TPHCM yêu cầu.

Về việc này, Bộ Tư pháp phân trần: Trong suốt quá trình vận hành phần mềm quản lý lý lịch tư pháp dùng chung (từ năm 2012), mặc dù số lượng nhân sự còn hạn chế nhưng đã chỉ đạo Cục Công nghệ thông tin bố trí nhân sự giám sát, vận hành, hỗ trợ các đơn vị khắc phục sự cố.

"Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp (Cục Công nghệ thông tin) sẽ tiếp tục hỗ trợ xử lý các sự cố trong quá trình sử dụng và đề xuất đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật cho phần mềm"- cơ quan này hứa.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm