1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị “quyết” ngay việc làm sân bay Long Thành

(Dân trí) - Báo cáo tập hợp ý kiến thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại phiên họp tổ đại biểu Quốc hội 10 ngày trước của đoàn thư ký kỳ họp cho thấy, Long Thành nhận được nhiều "phiếu thuận" hơn "phiếu trống".

Trước phiên thảo luận toàn thể tại hội trường vào chiều nay, 14/11 về dự án sân bay Long Thành, báo cáo tập hợp ý kiến tại phiên thảo luận tổ vào chiều 4/11 đã được gửi đến các đại biểu Quốc hội.
 
Về sự cần thiết đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, báo cáo nêu nhận định khát quát, rất nhiều ý kiến tán thành chủ trương làm sân bay này vì sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, việc mở rộng rất khó khăn và chi phí đền bù GPMB rất lớn. Nhìn ở tầm chiến lược và dài hạn, việc đầu tư sân bay Long Thành là cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và theo kịp sự phát triển của các nước trong khu vực. Vị trí của Long Thành thuận lợi về nhiều mặt để xây dựng.

Đoàn thư ký liệt kê 59 ý kiến khác nhau của các đại biểu, ghi nhận ở hầu hết 19 tổ thảo luận, trong đó có những tổ, đa phần các đại biểu cùng chung những nhận định này.

Đặc biệt, có 35 đại biểu Quốc hội ở 10 tổ thảo luận đề nghị Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án ngay tại kỳ họp thứ 8 này để Chính phủ tiến hành lập Báo cáo khả thi dự án trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9. Lý lẽ đưa ra, Long Thành là dự án quan trọng, cần thiết, nếu Quốc hội cho chủ trương thì nhanh nhất cũng phải năm 2023 mới đưa vào sử dụng. Do đó vấn đề thời gian là rất cấp thiết.

Tại tổ 19 (bao gồm các đoàn Ninh Bình, Bắc Kạn, Phú Yên, Cà Mau với 25 đại biểu), có 9 ý kiến cùng đưa ra đề xuất này. 4 ý kiến khác đặt vấn đề, việc đi vay để đầu tư mà đảm bảo hiệu quả kinh tế và phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước thì vẫn cần thiết.

Dù theo lịch trình làm việc đã xây dựng, tại kỳ họp này, Quốc hội chỉ cho ý kiến, chưa đưa ra biểu quyết để thông qua chủ trương đầu tư dự án nhưng sốt sắng của nhiều đại biểu cũng cho phần nào thể hiện yêu cầu đốc thúc của sân bay Long Thành. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng là một đại biểu đưa ra đề nghị đột phá này trong phiên thảo luận tổ.
Nhiều ý kiến gay gắt về Long Thành được ghi nhận từ tổ số 2 của đoàn ĐBQH TPHCM.
Nhiều ý kiến "gay gắt" về Long Thành được ghi nhận từ tổ số 2 của đoàn ĐBQH TPHCM.

Tuy nhiên, ở mặt khác, những lo lắng, nghi ngại đoàn thư ký ghi nhận được cũng rất phong phú.

Đoàn thư ký thống kê được 6 ý kiến ở 3 tổ thảo luận đề nghị lùi thời điểm thực hiện dự án, trong đó có đại biểu đề nghị lùi thời gian cho chủ trương đầu tư dự án đến sau năm, có ý kiến đề nghị lùi thời gian đến sau năm 2020 mới thực hiện để giảm nợ công và gánh nặng của người dân (5 ý kiến) và có ý kiến đề nghị nếu nâng được công suất của Tân Sơn Nhất thì sau năm 2025 mới tính đến xây dựng sân bay Long Thành (2 ý kiến). Cả 7 đại biểu nêu quan điểm “can gián” này đều thuộc tổ thảo luận số 2 của đoàn đại biểu TPHCM.

Một số ý kiến đề nghị phân tích làm rõ việc đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành với mục đích trung chuyển, khả năng cạnh tranh với các cảng hàng không trong khu vực; cơ sở khoa học để dự báo lượng khách đạt được và tính chính xác đối với các số liệu trong Báo cáo đầu tư; cần nêu rõ cả mặt thuận lợi và khó khăn khi thực hiện dự án.

Cũng có 4 đại biểu đề nghị làm rõ tính cấp thiết của việc đầu tư xây dựng dự án, 5 ý kiến khác cho rằng dự án chưa cấp thiết và báo cáo của Chính phủ là chưa thuyết phục, ví dụ các sân bay Mumbai, London, Singapore, Hong Kong... dù diện tích nhỏ nhưng lượng khách vẫn rất lớn.

Một đại biểu Quốc hội lại đề nghị, trong thời điểm này, nên ưu tiên tập trung nguồn lực để bảo vệ Biển Đông, phát triển nông, lâm nghiệp.

Đoàn thư ký cho biết, chỉ ghi nhận 4 ý kiến ở 2 tổ đại biểu không tán thành với chủ trương đầu tư dự án.

Về vấn đề vốn đầu tư cho siêu dự án, hướng ý kiến lạc quan cho rằng, tuy hiện tại là thời điểm nền kinh tế có nhiều khó khăn, nhất là về ngân sách nhưng khoảng thời gian từ lúc Quốc hội cho chủ trương đầu tư đến khi Chính phủ thực tế triển khai dự án này còn xa. Ngoài ra, hiện tại thị trường bất động sản đang trầm lắng nên giá đất áp dụng bồi thường khi thu hồi đất sẽ thấp hơn, đồng thời hiện tại cũng có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến dự án cảng HKQT Long Thành. Do vậy, đề nghị Chính phủ sớm có những bước chuẩn bị tiếp theo về huy động nguồn vốn và triển khai thu hồi đất.

Hướng ý kiến quan ngại lại lập luận, kinh phí xây dựng sân bay Long Thành lớn, xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó chủ yếu là vốn ODA, do đó cần cân nhắc thêm về việc sử dụng nguồn vốn này. Có ý kiến cho rằng tỷ suất nội hoàn kinh tế của dự án rất khả thi, với tỷ suất cao như vậy nên tăng phần đầu tư từ vốn ODA.

Cũng có ý kiến đề nghị làm rõ cơ cấu vốn từng năm, phân kỳ đầu tư cụ thể từng năm; đề nghị làm rõ vốn mà ngành hàng không nội lực tích luỹ để đầu tư.

Có ý kiến cho rằng vốn (8,7 tỷ USD, trong đó vốn ngân sách là 24.000 tỷ đồng) mới là giai đoạn 1 của dự án nên lo ngại về vốn cho 2 giai đoạn còn lại; lộ trình bố trí vốn, phân kỳ đầu tư chưa rõ. Với giải trình của Bộ GTVT về việc xin sử dụng nguồn vốn 5.000 tỷ đồng cổ phần hóa TCty Cảng hàng không Việt Nam để GPMB, giảm nhẹ gánh ngân sách phải chi chi việc này chỉ còn 6.000 tỷ đồng, có ý kiến cho rằng, khoản tiền cổ phần hóa DNNN đó không xác định là nguồn ngân sách cũng chưa phù hợp.

Ngoài ra, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ có giải trình thêm về tính khả thi trong các phương án huy động vốn. Có ý kiến cho rằng suất đầu tư (số tiền đầu tư trên 1 hành khác của các nước trong khu vực trung bình chỉ 81 USD/ hành khách) nhưng chi phí cho sân bay Long Thành lại quá cao 187 USD/ hành khách, đề nghị làm rõ.
 
Việc xây dựng sân bay Long Thành được cho là bức thiết, nhưng cần 84.000 tỷ đồng tiền ngân sách, trong khi nợ công đã gần ngưỡng nguy hiểm. Theo bạn có nên đặt vấn đề xây sân bay Long Thành lúc này?
Không
  

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm