Nhiều cán bộ tự nguyện "từ trưởng xuống phó", chấp nhận hy sinh

Hoài Thu

(Dân trí) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác Đại biểu cho biết các cán bộ, đảng viên "từ trưởng xuống phó" đều chấp nhận hy sinh vì sự phát triển của xã hội nên tự nguyện thực hiện sắp xếp.

Thông tin này được Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên đưa ra khi trả lời phóng viên tại cuộc họp báo sáng 19/2, thông tin về kết quả kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Các định hướng sắp xếp cán bộ

Giải đáp câu hỏi về chính sách vận động đối với các nhân sự "từ trưởng xuống phó" khi sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên nhấn mạnh tinh thần "cuộc cách mạng" trong tinh gọn bộ máy đã được Đảng, Nhà nước xác định, và trong cuộc cách mạng ấy, theo bà, phải có sự hy sinh.

Với các cán bộ, đảng viên "từ trưởng xuống phó", bà Yên khẳng định họ đều chấp nhận hy sinh vì sự phát triển của xã hội nên tự nguyện thực hiện sắp xếp cũng như xác định rõ tư tưởng. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng không cần vận động.

Nhiều cán bộ tự nguyện từ trưởng xuống phó, chấp nhận hy sinh - 1

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác Đại biểu Tạ Thị Yên (Ảnh: Phạm Thắng).

Thông tin thêm về việc sắp xếp cán bộ, công chức sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, bà Yên nhắc lại Chính phủ đã có Nghị định 178 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Theo đó, cán bộ, công chức trong trường hợp tiếp tục công tác có thể tiếp tục vị trí cũ nếu vị trí này cần thiết. Hai là chuyển sang vị trí công tác khác phù hợp với năng lực, vị trí việc làm. Ba là chuyển công tác sang cơ quan khác trong cùng hệ thống hoặc các cơ quan khác có nhu cầu, và bốn là thực hiện nghỉ hưu trước tuổi, tinh giản biên chế hoặc nghỉ việc nếu không sắp xếp được vị trí phù hợp.

Bà Yên cho biết chế độ chính sách với những cán bộ này được thực hiện theo Nghị định 178, trong đó có những trường hợp được hưởng lương hưu sớm mà không bị trừ tỷ lệ đóng BHXH.

"Trường hợp khác có thể chuyển công tác phù hợp, được đào tạo lại phù hợp với vị trí mới. Nếu không sắp xếp công việc mới, cán bộ, công chức có thể thôi việc và được hỗ trợ gồm trợ cấp thôi việc, hỗ trợ tìm việc", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu nói.

Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng chia sẻ thêm, các nghị quyết về sắp xếp bộ máy đã được cơ quan Chính phủ, Quốc hội "nung nấu" từ lâu, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước

Với các cơ quan của Quốc hội, ông khẳng định việc tinh gọn bộ máy là việc cần làm và phải đi đầu trong nhiệm vụ này.

Ông nhấn mạnh tinh thần cố gắng sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức để tối ưu hóa theo chức năng, vị trí, công việc, đồng thời đảm bảo các quyền lợi cho cán bộ.

Giữ nguyên chế độ đến hết nhiệm kỳ dù bỏ ủy viên thường trực

Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua đã không còn quy định về chức danh ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách các ủy ban của Quốc hội.

Thay vào đó, Luật quy định về ủy viên là đại biểu hoạt động chuyên trách và ủy viên là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm tại các ủy ban.

Vì vậy, chế độ chính sách dành cho chức danh ủy viên thường trực và ủy viên chuyên trách sẽ được thực hiện thế nào là nội dung được quan tâm.

Nhiều cán bộ tự nguyện từ trưởng xuống phó, chấp nhận hy sinh - 2

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng (Ảnh: Phạm Thắng).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên cho biết tại Luật Tổ chức Quốc hội trước đây nêu rõ, Hội đồng dân tộc gồm chủ tịch, các phó chủ tịch, ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách và các ủy viên khác.

Ủy ban của Quốc hội gồm chủ nhiệm, các phó chủ nhiệm, ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách và các ủy viên khác.

Còn tại Luật vừa sửa đổi quy định Hội đồng dân tộc gồm chủ tịch, các phó chủ tịch, các ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Hội đồng dân tộc và ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm của Hội đồng dân tộc.

Ủy ban của Quốc hội gồm chủ nhiệm, các phó chủ nhiệm, các ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại ủy ban và ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm của ủy ban.

Theo Phó Chủ nhiệm Tạ Thị Yên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 18/2 đã họp phê chuẩn danh sách các phó chủ nhiệm, ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm của 6 ủy ban mới thành lập.

"Số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của các ủy ban vẫn giữ nguyên, không ảnh hưởng đến hoạt động của các ủy ban", bà Yên nói.

Đối với chế độ, chính sách, bà khẳng định theo Nghị định 178 của Chính phủ, chế độ, chính sách dành cho các ủy viên là đại biểu hoạt động chuyên trách sẽ được giữ nguyên từ nay đến hết nhiệm kỳ.

"Từ nay đến hết nhiệm kỳ, ủy viên là đại biểu hoạt động chuyên trách sẽ được giữ nguyên các chế độ, hệ số phụ cấp, chức vụ", bà Yên thông tin và cho biết sang nhiệm kỳ sau, việc này sẽ được thực hiện thống nhất theo quy định của Đảng và Nhà nước.