Nhiều cán bộ có khối tài sản khổng lồ không chịu kê khai
(Dân trí) - “Nhiều vụ việc gây dư luận bất bình với khối tài sản khổng lồ của một số cán bộ, công chức có chức vụ ở địa phương, các bộ ngành mặc dù đã qua nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ theo quy định”, đại biểu Trần Văn Mão nói.
Chiều 6/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng. Phát biểu tại đây, các đại biểu tập trung cho ý kiến về việc thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng và tình trạng thiếu trung thực trong kê khai tài sản của một số cán bộ, công chức.
Thất vọng với thu hồi tài sản tham nhũng
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) dẫn báo cáo công tác phòng chống của Chính phủ năm 2017 thì các vụ tham nhũng gây thiệt hại trên 1.521 tỷ đồng và 77.057 m2 đất, trong đó đã thu hồi được hơn 329 tỷ đồng và 3.700 m2 đất. Tỷ lệ thu hồi về tiền được khoảng 22%, về đất khoảng 4,8%.
Qua theo dõi việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng lớn, đại biểu đoàn Lâm Đồng cảm thấy thất vọng với số tiền thu hồi về ngân khố quốc gia. Đại biểu Hiển đưa ra ví dụ vụ cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại tập đoàn Vinashin. Theo quyết định thi hành án thì Phạm Thanh Bình và Trần Văn Liêm phải liên đới, bồi thường thiệt hại cho Vinashin số tiền là 989,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 7/2017, vẫn chưa thi hành được khoản nào.
Đại biểu cũng dẫn lại vụ án Vinalines - Dương Chí Dũng phải bồi thường cho Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam số tiền 110 tỷ đồng và lãi trả chậm. Tuy nhiên, hiện nay mới thi hành được hơn 21 tỷ đồng.
Đại biểu Hiển cũng dẫn báo cáo tổng kết 10 năm thực hành Luật Phòng chống Tham nhũng có hơn 92% số tiền tham nhũng bị tẩu tán không thu hồi được. “Với những số liệu nêu trên rõ ràng việc thu hồi tài sản quá thấp, so với những thiệt hại rất lớn mà nạn tham nhũng gây ra cho ngân khố quốc gia”, đại biểu Hiển nói.
Do vậy, theo đại biểu đoàn Lâm Đồng các cơ quan tiến hành tố tụng thi hành án cần phải coi việc thực hiện tốt chính sách thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, là một trong những chính sách, ưu tiên hàng đầu trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Cùng vấn đề trên, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cũng cho rằng, đối với các vụ việc tham nhũng cho dù có làm tốt công tác điều tra, truy tố đến đâu, tòa án có tuyên những bản án nghiêm khắc đến đâu mà không thu hồi được tài sản tham nhũng thì việc xử lý tham nhũng coi như chưa triệt để, không đạt được mục tiêu của Đảng, Nhà nước đề ra.
Theo đại biểu Hoa nguyên nhân của thực trạng trên là do những người tham nhũng đều là người có chức vụ, có học thức, trình độ nhất định. Vì vậy, việc phạm tội đều được chuẩn bị kỹ càng, tinh vi và tài sản được che giấu kỹ lưỡng. Trong nhiều trường hợp khối tài sản tham nhũng được ngụy trang, chuyển hóa, chuyển đổi, tẩu tán, hợp pháp hóa, thậm chí sử dụng phần lớn tài sản chiếm được tiêu xài hoang phí nên khi phát hiện không còn có khả năng thu hồi được.
Ngoài ra, theo đại biểu Hoa, trong quá trình tiến hành tố tụng, một số cơ quan tố tụng chưa quyết liệt đấu tranh với tội phạm tham nhũng, chưa kịp thời áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như kê biên, tạm giữ, cấm chuyển dịch tài sản để ngăn chặn tẩu tán tài sản.
Bên cạnh đó, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế như kê khai tài sản mới chỉ chủ yếu dựa vào ý thức tự giác của người kê khai. Chưa có quy định những trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác minh tài sản một cách chủ động. Chưa có cơ chế giám sát thu nhập của người dân nói chung, người giữ chức vụ, quyền hạn trong bộ máy, cơ quan Nhà nước.
Từ tổng kết việc thu hồi tài sản tham nhũng, đại biểu đoàn Nam Định nhận thấy trong giai đoạn đầu của vụ án, hoặc giai đoạn thanh tra đa phần các đối tượng đều mong trả tài sản để không bị hình sự, chỉ bị xử hành chính, hưởng sự khoan hồng. Trong khi đó ở giai đoạn thi hành án thì các đối tượng chây ì, thậm chí tìm mọi cách tẩu tán tài sản.
Kê khai tài sản không đúng, không trung thực
Tại hội trường, đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, thời gian qua việc đưa ra xét xử nhiều vụ án lớn về tham nhũng đã tạo niềm tin ở nhân dân vào quyết tâm của Đảng và Chính phủ về chống “giặc nội xâm”. Tuy nhiên, theo đại biểu Thắng hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ tham nhũng nhỏ ở cấp xã, huyện.
Theo đại biểu, dư luận xã hội và nhân dân rất quan ngại về tình hình tham nhũng cấp tỉnh ít được phát hiện và xử lý. “Phải chăng chúng ta đang bỏ lọt tham nhũng ở khu vực này hay khi phát hiện thì xử lý theo kiểu khép kín nội bộ, phê bình nghiêm khắc kiểm điểm rút kinh nghiệm”, đại biểu Thắng băn khoăn.
Đại biểu đoàn Quảng Trị cho biết, cử tri đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo công khai và kiên quyết yêu cầu xử lý nghiêm minh đúng pháp luật không để hành chính hóa các quan hệ hình sự. Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu và không thể “giơ cao đánh khẽ”, “rung cây dọa khỉ” mãi được.
Đại biểu Trần Văn Mão (đoàn Nghệ An) nhận định công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng của các bộ ngành, địa phương còn yếu, chưa chuyển biến mạnh mẽ. Việc tự phát hiện tham nhũng là lĩnh vực rất yếu, qua nhiều năm chưa có giải pháp hữu hiểu để khắc phục.
“Phải chăng pháp luật không nghiêm, đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa chuyên sâu do đối tượng phạm tội có trình độ cao, thủ đoạn tinh vi xảo quyệt để che đậy hành vi phạm tội của mình”, đại biểu đoàn Nghệ An nói.
Đại biểu đoàn Quảng Trị còn nhận thấy thời gian gần đây trên cả nước nóng lên tình trạng thiếu minh bạch trong kê khai tài của cá nhân, cán bộ có chức vụ quyền hạn, nắm cương vị lãnh đạo tại các vị trí nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng.
“Nhiều vụ việc gây dư luận bất bình với khối tài sản khổng lồ của một số cán bộ, công chức có chức vụ ở địa phương, các bộ ngành mặc dù đã qua nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ theo quy định”, đại biểu Trần Văn Mão nêu.
Theo đại biểu, cử tri, dư luận cho rằng, đối tượng kê khai không đúng, không trung thực, kê quá ít so với số lượng ẩn giấu, tiềm tàng trong thực tế. Điều đó, cho thấy biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức.
“Việc kê khai thu nhập, đặc biệt là thu nhập ngoài lương còn yếu, quà tặng cảm ơn lót tay chiếm số lượng lớn trong tổng số thu nhập nhưng chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ. Thêm vào đó các đối tượng này thường tẩu tán tài sản bằng cách để người thân, họ hàng đứng tên tài sản, thậm chí mua vàng, đô la giấu đi”, đại biểu đoàn Nghệ An nói thêm.
Từ phân tích trên, đại biểu Trần Văn Mão đề nghị nâng cao tính minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập. Hoàn thiện pháp luật về kê khai kiểm soát tài sản thu nhập của cán bộ công chức.
Quang Phong