1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đồng Tháp:

Nhiều bể chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật bất ngờ bị... “đạp” xuống kênh

(Dân trí) - Nhiều bể chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật ở Đồng Tháp bị kẻ xấu “đạp” xuống kênh, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường. Hiện chính quyền địa phương đã trục vớt các bể này nhưng chưa tìm được thủ phạm.

Để giúp nông dân có nơi chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng, chính quyền xã Mỹ Đông (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng) và ngành chức năng môi trường Đồng Tháp đã xây dựng 500 bể chứa rác thải bằng xi măng đặt dọc theo kênh 800 (ấp 2, xã Mỹ Đông). Nhưng bất ngờ thời gian gần đây, có 16 bể chứa rác ở khu vực trên đã bị kẻ xấu đẩy xuống kênh.

Các bể chứa bị đẩy xuống kênh, các vỏ bao bì và chai lọ thuốc bảo vệ thực vật hòa vào nước trôi khắp nơi, nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nhiều bể chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật bất ngờ bị... “đạp” xuống kênh - 1

Người dân và cán bộ xã Mỹ Đông trục vớt các bể chứa lên bờ

Liên quan việc này, Chủ tịch UBND xã Mỹ Đông, ông Nguyễn Thanh Hòa cho biết, khi sự việc xảy ra, cán bộ xã và người dân trên địa bàn xã Mỹ Đông đã đến mò và kéo các bể chứa này lên bờ, đặt lại vị trí cũ.

Ông Hòa cho biết thêm, việc xây dựng các bể xi măng chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật rất được người dân hưởng ứng. Nay khi một số bể bị đẩy xuống kênh, người dân rất bức xúc. Ủy ban xã đã chỉ đạo điều tra, sớm xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định.

Nhiều bể chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật bất ngờ bị... “đạp” xuống kênh - 2

Khi các bể bị đẩy xuống kênh, nhiều vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật trôi trên sông, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường

Thời gian qua, huyện Tháp Mười kết hợp với ngành chức năng đầu tư nhiều bể chứa rác làm bằng xi măng để chứa rác bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi bể chứa rác có trọng lượng 400kg; riêng trên địa bàn xã Mỹ Đông có 200 thùng, được đặt cạnh các tuyến kênh.

Để bảo vệ môi trường, thời gian qua, Sở TN-MT tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh và chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền cho người dân về ý thức bảo vệ môi trường, đặc biệt là tổ chức thu gom tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được 27 tấn.

Tuy nhiên, một số nơi vẫn còn tình trạng sử dụng bừa bãi thuốc bảo vệ thực vật, bao bì sau khi sử dụng chưa được thu gom xử lý, việc triển khai mô hình bố trí bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau dụng ngoài đồng ruộng chưa mang lại hiệu quả cao, do ý thức về bảo vệ môi trường của người dân chưa cao.

Nguyễn Hành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm