Nhiệm vụ nặng nề, phức tạp sửa luật Đất đai 2013
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013 là công việc hết sức lớn, nặng nề và phức tạp, tác động đến tất cả các lĩnh vực, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Đây là việc mà xã hội và người dân đang hết sức kỳ vọng.
Chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013 vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, luật này có tác động sâu rộng đến hầu hết tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội của người dân. Không chỉ là vấn đề kinh tế - xã hội, đất đai còn là là vấn đề của chính trị, ngoại giao và chủ quyền.
Trong thời gian qua, các vấn đề liên quan đến quản lý đất đai đặt ra thách thức là làm sao để huy động tốt nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đặt ra những vấn đề phức tạp như giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai, giá đất, bồi thường, thu hồi đất đai...
Theo ông Hà, vấn đề sử dụng và quản lý đất đai đang dần được áp dụng theo cơ chế thị trường định hướng chủ nghĩa xã hội nhưng rõ ràng chính sách quản lý đất đai chưa thực sự đáp ứng được cơ chế thị trường. Cùng với đó là những vấn đề đặt ra trong thực tiễn như tập trung đất đai phát triển công nghiệp hóa, nông nghiệp công nghệ cao…
“Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai là công việc hết sức lớn, nặng nề và phức tạp, có tác động đến tất cả các lĩnh vực, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Ban soạn thảo cần nêu cao tinh thần trách nhiệm vì đây là việc mà xã hội và người dân đang hết sức kỳ vọng”- ông Hà nhấn mạnh.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các thành viên Ban soạn thảo tập trung vào những vấn đề còn vướng mắc bắt buộc phải sửa đổi, bổ sung, đảm bảo thống nhất với các luật khác có liên quan và những vấn đề xuất phát từ quá trình phát triển để đảm bảo tài nguyên đất đai đáp ứng tốt nhất cho phát triển kinh tế xã hội.
Không thể thay đổi liên tục Luật Đất đai
Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Thanh Khuyến - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai dẫn chứng hàng loạt tồn tại, bất cập bộc lộ sau 4 năm thực hiện Luật Đất đai. Ví dụ, nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; khó khăn trong tiếp cận đất đai vẫn là một trong những rào cản để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra còn chậm...
Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai diễn ra khá phổ biến, nhiều địa phương xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất. Khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỷ trọng lớn (70%)…
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa (Tổ trưởng Tổ biên tập) cho biết, Bộ này đã tổng kết ý kiến các bộ ngành, địa phương và trực tiếp làm việc với các địa phương để lắng nghe các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện luật.
Bà Hoa đề nghị, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai phải đảm bảo sự ổn định của người sử dụng đất, tránh việc điều chỉnh nhiều gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Những vấn đề quan trọng đòi hỏi sự thay đổi thì sẽ được sửa đổi, bổ sung trong Luật Đất đai lần này để đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất.
Kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp tục nhấn mạnh: “Luật Đất đai chi phối và ảnh hưởng tới nhiều mặt kinh tế - xã hội nên không thể thay đổi liên tục, phải đảm bảo được tính ổn định, tính kế thừa và phát triển lâu dài. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai lần này cần xác định rõ phạm vi, trong đó phải làm rõ quyền và trách nhiệm của các bên liên quan đó là Nhà nước và các bên sử dụng đất”.
Ông Hà yêu cầu tổ chức những cuộc họp về các nhóm vấn đề sẽ sửa đổi, bổ sung tại Luật Đất đai lần này để tham vấn ý kiến chuyên sâu của các chuyên gia, nhà khoa học, những người am hiểu về luật pháp và kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế; đồng thời phải có sự tham gia của các địa phương từ các vùng, miền khác nhau để đảm bảo tính đa dạng.
Quan trọng hơn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp được biết và cho ý kiến giúp việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai khi được ban hành sẽ nhận được sự ủng hộ từ phía người dân và doanh nghiệp.
Thế Kha