1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM:

Nhân viên đòi nợ ông chủ 50 lượng vàng

TAND TPHCM vừa xử phúc thẩm một vụ tranh chấp khá lạ giữa nhân viên kế toán với ông chủ công ty: Nhân viên nói cho ông chủ mượn 50 lượng vàng, trong khi ông chủ bảo nhân viên làm giả giấy nợ chứ nhân viên nghèo khó, tiền đâu mà cho mượn...

Nhân viên đòi nợ ông chủ 50 lượng vàng - 1


 
Mỗi người nói một kiểu

 

Theo hồ sơ, tháng 12/2007, bà H. kiện ông T. ra TAND quận 11. Theo đơn kiện, tháng 2/2006, thấy ông T. kinh doanh khó khăn, bà cho ông mượn 50 lượng vàng để giúp đỡ. Mãi vẫn không thấy ông trả nên bà phải yêu cầu tòa buộc vợ chồng ông T. liên đới trả cho bà số vàng trên cùng lãi.

 

Ngược lại, ông T. nói hoàn toàn không có sự vay mượn nào cả. Trước đây, bà H. làm kế toán cho ông. Năm 2005, ông bị công an điều tra phong tỏa tài sản công ty và khống chế sự đi lại. Tin tưởng, ông đã ký khống nhiều giấy tờ cho bà H. thay mặt ông đi giao dịch bên ngoài. Lợi dụng những giấy ký khống này, bà H. đã làm giấy vay vàng giả.

 

Ông T. xác nhận chữ ký trong giấy nợ là của ông nhưng nội dung trong đó là giả mạo và yêu cầu giám định. Ông bảo tại thời điểm giấy nợ ghi (tháng 2/2006), ông không có mặt tại TPHCM mà đang ở Hưng Yên. Đến năm 2007, bà H. còn kiện ông để đòi tiền lương nợ từ trước năm 2006 thì không lý nào bà lại cho ông mượn số vàng trên...

 

Giấy nợ chắp nối bằng photocopy

 

Giải quyết, TAND quận 11 đã yêu cầu Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an giám định xem toàn bộ chữ in và chữ ký của ông T. trong giấy nợ có được thực hiện vào cùng một thời điểm hay không nhưng cơ quan này trả lời là không giám định được.

 

Tháng 8/2008, TAND quận 11 xử sơ thẩm, nhận định ông T. thừa nhận chữ ký trên giấy nợ là của ông nên buộc vợ chồng ông T. phải liên đới trả cho bà H. 57 lượng vàng cả gốc lẫn lãi. Vợ chồng ông T. kháng cáo, tiếp tục nói giấy nợ là giả mạo, đồng thời cho rằng vợ ông T. không hề biết chuyện vay mượn này nên không phải liên đới trả nợ.

 

Từ tháng 12/2008, TAND TPHCM đã nhiều lần mở phiên tòa nhưng phải hoãn xử. Sau phiên phúc thẩm lần hai (tháng 2/2009), tòa quyết định trưng cầu giám định lại tại Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an. Theo cơ quan này, không xác định được chữ in, hình dấu và chữ ký của ông T. trên giấy nợ có được cùng thực hiện vào một thời điểm hay không nhưng toàn bộ chữ in trên giấy được tạo ra bằng phương pháp sao in photocopy (tức là giữa phần chữ in và phần chữ ký có sự không liền mạch).

 

Có chữ ký là phải trả

 

Tại phiên phúc thẩm mới đây, ông T. nói bà H. không đủ khả năng kinh tế để có số vàng trên cho mượn (hai vợ chồng bà chỉ có một chiếc xe máy đi làm chung). Đồng thời, bà H. không thể quá tốt bụng, vay mượn vàng khắp nơi cho ông mượn không lấy lãi để giúp đỡ. Theo ông, hai bên phải có quan hệ thế nào thì mới chân tình đến thế, trong khi ở đây chỉ đơn thuần là quan hệ giữa nhân viên với chủ.

 

Tòa lần lượt đặt ra các nghi vấn với bà H. là tại sao ngay cả dòng “nhận đủ số vàng” trong giấy nợ cũng đánh máy mà không để ông T. tự ghi, tại sao trong giấy nợ lại phải có con dấu công ty... Bà H. trả lời rằng giấy nợ do ông T. làm ra, bà không biết gì.

 

Tranh luận, bà H. chỉ nói giấy nợ là thật và bảo “không cần thiết phải dài dòng”. Ngược lại, ông T. tỏ ra bức xúc hơn. Theo ông, lời bà H. khai bất nhất về thời điểm, cách thức giao nhận vàng. Lúc bà nói giao toàn bộ số vàng một lần, lúc nói giao nhiều lần. Bà nói tháng 2/2006 cho ông vay 50 lượng không lấy lãi trong vòng một tháng, vậy mà năm tháng sau, chưa được trả nợ đồng nào, bà lại tiếp tục cho ông vay tiền và nhẫn hột xoàn (bà H. đã kiện ông T. trong một vụ khác). Ông T. còn nói mình không có mặt ở TPHCM vào thời điểm hai bên giao nhận vàng như bà H. nêu.

 

Sau một tuần nghị án, tòa kết luận: Ông T. không chứng minh được giấy vay vàng đó là giả mạo, ai làm giả. Tuy ông có xuất trình một phiếu xuất kho chứng minh mình không có mặt tại TPHCM tại thời điểm vay vàng nhưng chừng đó là chưa đủ căn cứ. Ông cũng không chứng minh được việc mình ký khống cho bà H., ngược lại bà H. có quyền không cần chứng minh vàng ở đâu có mà cho vay. Cuối cùng, tòa buộc ông T. phải trả nợ (vợ ông không phải liên đới).

 

Tòa vừa tuyên xong, ông T. đã lao đến định đánh bà H. nhưng bảo vệ kịp thời can ngăn, đưa bà H. sang một khu cách biệt ngồi. Bà H. lặng lẽ ngồi chờ mọi người đi hết mới ra về.

 

Năm tháng trước khi khởi kiện vụ trên, bà H. nộp lên cho TAND quận 11 một giấy nợ ghi ngày 30/7/2006 để kiện ông T. đòi 180 triệu đồng bao gồm 130 triệu đồng tiền mặt, một nhẫn hột xoàn trị giá 20 triệu đồng và 30 triệu đồng 10 tháng nợ lương... TAND quận 11 đã buộc vợ chồng ông T. trả cho bà H. các khoản trên. Sau đó, TAND TP sửa lại một phần, chỉ buộc ông T. phải trả hơn 136 triệu đồng vì bà H. không giải thích được các đặc điểm của nhẫn hột xoàn cho mượn như kích cỡ, màu sắc, đồng thời phía ông T. cũng xuất trình được hai giấy trả lương.

 

Cũng như vụ án trên, ở vụ này ông T. đã làm đơn xin xem xét kháng nghị giám đốc thẩm vì cho rằng giấy nợ do bà H. lợi dụng chữ ký khống của ông làm ra.

 

Theo Hoàng Yến

 Pháp luật TPHCM