Nhân viên BHXH cầm đầu đường dây làm giả “sổ hưu”
Sau khi nhận tiền, Tuấn, nguyên cán bộ Bảo hiểm xã hội huyện Phù Ninh, đã làm hồ sơ khai khống hoặc nâng khống thời gian công tác, thời gian đóng BHXH cho họ để họ được cấp sổ BHXH và giấy chứng nhận hưu trí, được hưởng lương lưu hằng tháng.
Đường dây này có liên quan đến nhiều tỉnh, thành gồm Yên Bái, Hà Giang, Quảng Ninh... Quá trình đấu tranh, đến ngày 27/5, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và chức vụ (PC 46) Công an tỉnh Phú Thọ đã phát hiện 43 hồ sơ không đủ điều kiện cấp sổ bảo hiểm, giấy chứng nhận hưu trí nhưng đã và đang được hưởng chế độ. Hiện, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Hán Thị Hòa, là giáo viên mầm non xã Phú Lộc.
Hòa là vợ của Phạm Văn Tuấn, nguyên cán bộ Bảo hiểm xã hội huyện Phù Ninh (Tuấn đã chết do tai nạn giao thông) đối tượng chính trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vậy, bằng cách nào, vợ chồng Tuấn, Hòa có thể qua mắt được sự kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền, thực hiện trót lọt hành vi phạm tội?
Qua công tác quản lý địa bàn, Phòng PC 46 Công an tỉnh Phú Thọ có thông tin tại thị trấn Phong Châu, xã Phú Lộc thuộc huyện Phù Ninh (Phú Thọ), một số người không tham gia đóng bảo hiểm xã hội (những người này chủ yếu là nông dân, người kinh doanh tự do) nhưng hiện nay đã có giấy chứng nhận hưu trí và được nhận lương hưu hằng tháng tại các tổ hưu.
Sau khi thẩm định, có đủ căn cứ khẳng định nguồn tin trên là đúng, Thượng tá Nguyễn Khắc Hoạt, Trưởng phòng PC 46 Công an tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo trinh sát Đội 2 tiến hành thâm nhập, xác minh, 2 điểm chính là tổ hưu của khu dân cư số 2 và số 3 thuộc xã Phú Lộc. Qua xác minh ban đầu, các trinh sát đã phát hiện 8 trường hợp có tên ở xã Phú Lộc, có sổ lĩnh lương nhưng người thì không ở xã Phú Lộc (đối tượng đã lập danh sách khống).
Điển hình là trường hợp của Nguyễn Thị Quyết, 52 tuổi, trú tại xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao (Phú Thọ). Bà Quyết và chồng đều làm nông nghiệp. Trước đó, chồng bà Quyết là Phạm Xuân Vinh đã đưa tiền nhờ Phạm Văn Tuấn làm sổ bảo hiểm xã hội (BHXH)…
Sau khi chồng được hưởng lương bà Quyết cũng đặt vấn đề với Tuấn và đã đưa cho đối tượng này 140 triệu đồng làm chi phí. Tuấn đã gửi đóng bảo hiểm cho bà Quyết vào Xí nghiệp Giống lâm nghiệp Vĩnh Phú và Công ty Nguyên vật liệu Phú Thọ để được các doanh nghiệp này xác nhận thời gian công tác là 25 năm, một tháng. Đến ngày 22/11/2011, bà Quyết đi giám định khả năng lao động, tỷ lệ là 61%, đủ điều kiện để được hưởng chế độ hưu trí… Quá trình rà soát, đến ngày 27/5, Phòng PC 46 Công an tỉnh Phú Thọ đã xác định được 43 trường hợp tương tự như trên.
Hơn một tháng, dưới sự chỉ đạo của Thượng tá Tân, Phó trưởng Phòng PC 46, các lực lượng nghiệp vụ đã xác định được đối tượng chính trong đường dây là Phạm Văn Tuấn, nguyên là cán bộ BHXH huyện Phù Ninh. Đồng thời chứng minh được vai trò đồng phạm và tích cực của vợ Tuấn là Hán Thị Hòa.
"Đến đây, chúng tôi lại phải đối mặt với khó khăn khác, bởi Tuấn - đối tượng chính trong vụ án - đã chết. Thượng tá Hoạt trăn trở. Từ đó, Phòng PC 46 Công an tỉnh Phú Thọ đã bước đầu làm rõ vụ án: Với mục đích chiếm đoạt tài sản, từ tháng 3/2006 đến tháng 2/2012, Tuấn đã liên hệ với những người không đủ điều kiện được hưởng lương hưu, nói với họ rằng có chế độ đóng bảo hiểm tự nguyện.
Nếu muốn được hưởng chế độ, mỗi người phải nộp cho Tuấn từ 90 đến 100 triệu đồng và cung cấp các thông tin cá nhân cho Tuấn… Rất nhiều bị hại đã nộp số tiền trên, có những trường hợp là cả hai vợ chồng trong cùng một gia đình. Sau khi nhận tiền, Tuấn đã làm hồ sơ khai khống hoặc nâng khống thời gian công tác, thời gian đóng BHXH cho họ để họ được cấp sổ BHXH và giấy chứng nhận hưu trí, được hưởng lương lưu hằng tháng.
Phòng PC 46 Công an tỉnh Phú Thị đã phát hiện 43 hồ sơ không có đủ điều kiện được cấp sổ hưu, trong số đó có 10 trường hợp là người có quan hệ anh em ruột thịt với vợ chồng Tuấn, Hòa; 14 người lĩnh lương hưu tại xã Phú Lộc nhưng họ không phải là người địa phương…
Những người này đã được BHXH tỉnh Phú Thọ cấp sổ hưu và đã được nhận gần 1 tỷ đồng tiền lương. Đối tượng Hòa đã giúp sức tích cực cùng chồng, trong việc thực hiện hành vi phạm tội. Hòa đã viết mẫu giấy ủy quyền nhận tiền và dưới sự chỉ đạo của Tuấn, Hòa đã hướng dẫn cho 8 người khác ủy quyền cho vợ chồng Hòa và Tuấn nhận lương hưu hằng tháng. Không những vậy, Hòa còn cùng chồng nhận tiền và hồ sơ của những người có nhu cầu để làm hồ sơ giả.
Các trường hợp là người thân của Tuấn, phải đóng từ 5 - 25 triệu đồng nhưng họ không được nhận tiền lương hưu. Vợ chồng Tuấn (thông qua các tổ trưởng tổ hưu) đặt vấn đề rằng những người này đang nợ tiền vợ chồng Tuấn, nếu có lương hưu thì giữ lại.
Hòa đã 19 lần nhận tiền thông qua tổ hưu của xã Phú Lộc, với tổng số là 198 triệu đồng. Để làm được các giấy tờ giả trên, thủ đoạn của Tuấn rất tinh vi: Thông qua một công ty TNHH, Tuấn gửi tên của những người này vào đó, kê khai đóng bảo hiểm xã hội. Song Tuấn không đóng tiền, anh ta thông đồng với giám đốc các doanh nghiệp kê khai thời gian công tác tại công ty này (thực tế không công tác). Sau đó, các công ty sẽ ra một quyết định nghỉ chế độ, cho giám định sức khỏe người lao động để hưởng hưu non. Đối với nam quy định là 50 tuổi có thời gian công tác 20 năm đóng bảo hiểm xã hội nhưng phải giảm 60% sức khỏe, với nữ là 45 tuổi…
Sau khi hoàn tất thủ tục, Tuấn lấy phôi thật và tờ phôi bìa sổ bảo hiểm xã hội, và tờ rời nhập dữ liệu (khống) và quét chữ ký (scan) của lãnh đạo bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Thọ rồi đóng dấu thật của Bảo hiểm xã hội vào các tờ rời, tờ rời chốt năm công tác… rồi hoàn tất các thủ tục làm sổ bảo hiểm giả.
Hiện, vụ án đang được Phòng PC 46 Công an tỉnh Phú Thọ đang tiếp tục đấu tranh, mở rộng. Liên quan đến vụ án trên, cơ quan CSĐT cũng làm rõ trách nhiệm của một người trong việc thẩm định hồ sơ.
Theo Xuân Mai
Công an nhân dân