1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Ngãi:

Nham nhở mỏ đất bên cạnh di tích lịch sử quốc gia

(Dân trí) - Chính quyền cấp phép cho doanh nghiệp khai thác đất sát bên di tích lịch sử quốc gia Chiến thắng Đình Cương. Một khu vực có cảnh quan đẹp góp phần phát huy giá trị của di tích bị đào bới tan hoang.

Theo phản ánh của người dân thôn Kỳ Thọ Nam 1 (xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành), khoảng 3 tháng qua, một doanh nghiệp đưa xe vào khu vực chân đèo Eo Gió khai thác đất đồi rầm rộ. Điều đáng nói, khu vực này nằm ngay bên cạnh di tích lịch sử Chiến thắng Đình Cương.

Nham nhở mỏ đất bên cạnh di tích lịch sử quốc gia - 1

Tỉnh Quảng Ngãi cấp phép cho công ty Toàn Thịnh khai thác đất sát bên di tích lịch sử Quốc gia Chiến thắng Đình Cương.

Nham nhở mỏ đất bên cạnh di tích lịch sử quốc gia - 2

 Theo anh N.V.B. (thôn Kỳ Thọ Nam 1), trước kia nhiều người dân vào khu vực này khai thác đá đã bị chính quyền ngăn cấm với lí do bảo vệ di tích. Nhưng không hiểu sao, một doanh nghiệp có thể khai thác rầm rộ như thế?

"Lâu nay chúng tôi nghe đây là khu vực bảo vệ di tích, bây giờ không hiểu sao họ đào bới tan nát hết. Người dân vào khai thác đá không được tại sao doanh nghiệp có thể đào cả quả đồi như thế", anh B. nói.

Đứng tại vị trí đặt bia di tích nhìn xuống, điểm khai thác đất như một nhát cắt nham nhở vào cảnh quan khá đẹp của khu vực đèo Eo Gió. Đáng lưu tâm là, chính cảnh quan của khu vực này đã góp phần phát huy giá trị của di tích Chiến thắng Đình Cương. Còn bây giờ, nơi này đang bị đào bới tan hoang.

Nham nhở mỏ đất bên cạnh di tích lịch sử quốc gia - 3

Hoạt động khai thác đất đồi phá vỡ cảnh quan khu vực đèo Eo Gió, ảnh hưởng đến cảnh quan chung của di tích Chiến thắng Đình Cương.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, mỏ đất này đã được tỉnh Quảng Ngãi cấp cho công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Toàn Thịnh. Doanh nghiệp bắt đầu hoạt động khai thác từ đầu năm 2020 đến nay.

 Liệu việc khai thác đất tại đây có ảnh hưởng, xâm phạm đến di tích lịch sử Chiến thắng Đình Cương?

Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Trí - Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Sở đã nắm được thông tin PV phản ánh và đã tiến hành kiểm tra. Kết quả kiểm tra cho thấy, phạm vi cấp phép khai thác đất nằm ngoài khu vực di tích lịch sử Chiến thắng Đình Cương.

Tuy nhiên, người đứng đầu Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi cũng cho rằng, việc cấp phép khai thác đất tại vị trí này chưa thực sự phù hợp. Hoạt động khai thác đất có nguy cơ ảnh hưởng đến cảnh quan chung trong khu vực.

"Tôi đã trao đổi với lãnh đạo huyện Nghĩa Hành về vấn đề này. Chỗ này huyện nên xem xét, kiến nghị tìm vị trí khác phù hợp hơn", ông Trí thông tin.

Trước đó, năm 2016, UBND huyện Nghĩa Hành đã kiến nghị UBND tỉnh đóng cửa 2 mỏ đất trên địa bàn do bị người dân phản đối. Trong đó, một mỏ cũng nằm tại thôn Kỳ Thọ Nam 1 (xã Hành Đức). Mỏ đất này có vị trí khai thác nằm bên cạnh quần thể di tích Quốc gia Chiến thắng Đình Cương, có nguy cơ gây sạt lở núi ảnh hưởng đến di tích nên UBND huyện đề nghị tỉnh đóng cửa. 

Quốc Triều