1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhà tái định cư: Sai sót từ thiết kế tới thi công

Thấm sàn vệ sinh, nứt tường, lún nứt hiên hè, hỏng cửa sổ kính khung nhôm, thiết kế lan can gây nguy hiểm... Đó là kết quả mới nhất vừa được Sở Xây dựng Hà Nội công bố sau khi kiểm tra 17 công trình nhà tái định cư phục vụ di dân giải phóng mặt bằng.

Đoàn kiểm tra khẳng định, cơ cấu và bố trí mặt bằng căn hộ ở một số công trình chưa hợp lý, khiến người dân phải cải tạo lại đã làm ảnh hưởng chung đến kết cấu công trình. Lỗi phổ biến là phòng ngủ có dầm đè qua gây chướng, thông hơi khu bếp và khu vệ sinh không đảm bảo dẫn đến gây mùi. Lan can tại một số toà nhà bao quanh chỉ cao 60 cm rất nguy hiểm, cánh cửa sổ kính lật không bắt bản lề...

 

Ngoài ra, hiện tượng lún sụt nền đất dưới hè sát tường móng công trình khá phổ biến. Đây là lỗi của nhà thầu để công nhân lấp đất nên chân móng được thi công không theo trình tự quy định. Trong quá trình sử dụng, lớp đất lấp quanh chân móng này tiếp tục lún sụt gây hiện tượng lún nứt hiên hè.

 

Cùng với đó, nhiều nhà bị nứt tường theo bề mặt lớp vữa, nứt phần tiếp giáp giữa khối xây gạch với thành cột. Hiện tượng này do co ngót bề mặt của lớp vữa trát tường, hoặc do ngôi nhà chuyển vị (trong phạm vi cho phép).

 

Hiện tượng thấm sàn khu vệ sinh, tắc đường ống thoát nước cũng xảy ra khá phổ biến do nứt mối hàn đường ống gây chảy nước. Đặc biệt, tình trạng cửa kính khung nhôm kính bị vênh khi đóng hoặc mở, cánh cửa có nguy cơ trật khỏi ray làm rơi cánh cửa, lớp vữa trát, dễ bị bong vỡ khi sử dụng.

 

Từ thiết kế căn hộ bất hợp lý, hư hỏng nhiều hạng mục khiến các hộ dân phải sửa chữa để đảm bảo điều kiện sinh hoạt. Theo khảo sát của VnExpress, tại khu tái định cư Trung Hoà - Nhân Chính, một số toà nhà không có ban công nên các hộ dân phải cơi nới để có chỗ phơi quần áo. Khu 7,2 ha Vĩnh Phúc, đường nước bố trí tại nhiều căn hộ không tiện dụng, áp lực nước yếu khiến người dân phải đập đi làm bể mới... Theo ông Đào Xuân Liêm, tổ trưởng dân phố số 8 khu Trung Hoà - Nhân Chính, các gia đình không có ban công đành cơi nới, làm lồng sắt vừa mất an toàn, vừa thiếu mỹ quan. Sau nhiều lần sửa chữa, những hư hỏng còn tồn tại mà người dân bức xúc là đường lún sụt, bể phốt xây quá gần bể nước ăn gây ô nhiễm, cột đèn thì có song từ lúc nhận nhà đến nay chưa sáng đèn...

17 nhà tái định cư được Sở Xây dựng HN kiểm tra: nhà NO4A, NO4B khu đô thị Sài Đồng; nhà A1, A2 phường Phú Thượng; nhà NO3 khu 5 ha Dịch Vọng; nhà B3A, B3B, B3C, B3D thuộc khu Nam Trung Yên; nhà C10, B12 phường Xuân La; nhà A và B phường Cống Vị; nhà N5A, N5D, N5B, N5C khu Trung Hoà - Nhân Chính.

 

Ngoài ra, nhiều ý kiến còn cho rằng, chất lượng thấp tại khu tái định cư là do đã bị thất thoát, rút ruột. Một cán bộ Bộ Xây dựng còn biện minh rằng do suất đầu tư của loại nhà này thấp nên chất lượng không đảm bảo. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng Hà Nội thì thực tế, suất đầu tư của nhà tái định cư và nhà kinh doanh không khác nhau, thậm chí nhà tái định cư còn cao hơn (từ 2,7 triệu đồng/m2 đến 3,6 triệu đồng/m2). 

 

Ông Đào Anh Tuấn, Trưởng phòng kỹ thuật giám định chất lượng, Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết, từ chủ đầu tư tới các đơn vị thi công, thiết kế, giám sát phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Ngoài ra, việc giám sát cộng đồng chưa có, ở các dự án kinh doanh thì người mua có điều kiện theo dõi, giám sát từ đầu còn các dự án di dân, người sử dụng chỉ được đến nhận nhà khi công trình đã hoàn thành.

 

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, tình trạng nứt tường, lún hè không ảnh hưởng tới kết cấu toà nhà. "Vấn đề là Ban quản lý dự án không giải thích với dân và sửa chữa kịp thời nên gây lo ngại và bức xúc trong nhân dân" - ông Tuấn đánh giá.

 

Đề cập đến việc xử lý trách nhiệm của các đơn vị có liên quan, ông Tuấn cho hay, hiện Sở cũng chưa xử phạt được đơn vị xây dựng nào. Lý do... chưa có hướng dẫn. Tới đây, Sở Xây dựng sẽ kiến nghị UBND thành phố kiên quyết loại bỏ những chủ đầu tư, nhà thầu không đủ năng lực ra khỏi lĩnh vực xây dựng. Ngoài ra, áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và sử dụng nhà. 

 

Đối với các hộ dân tái định cư, Sở Xây dựng đề xuất phát phiếu bảo hành từng hạng mục, cho người sử dụng khi giao nhà. Khi chủ sử dụng cần sửa chữa, cơ quan quản lý nhà tập hợp các yêu cầu rồi đứng ra nhận sửa chữa, không để các hộ dân tự làm.

 

Trong tháng 4, đoàn kiểm tra Bộ Xây dựng cũng rà soát một số toà nhà tái định cư của Hà Nội và đưa ra kiến nghị:

- Cần phát triển đồng bộ theo dự án: hệ thống giao thông, cấp thoát nước, cấp điện, vườn hoa, cây xanh cùng với ngôi nhà cao tầng.

- Chất lượng thiết kế phải được nâng cao về cơ cấu căn hộ, vị trí bếp, phòng vệ sinh cần bố trí hợp lý hơn, quy định các loại cửa sổ, lan can, ban công phù hợp với sự an toàn của nhà cao tầng.

- Chất lượng công tác hoàn thiện cần được chú trọng vì vật liệu xây dựng không phải loại kém nhưng do tay nghề thấp nên làm giảm mỹ quan của cả công trình.

- Thành phố cần nghiên cứu thêm về mô hình xây dựng nhà tái định cư mà điều cốt lõi là thay đổi Ban quản lý dự án đủ điều kiện năng lực và tuân thủ quy định quản lý chất lượng. Bởi thực tế, suất đầu tư của nhà tái định cư và nhà để bán không khác nhau. 

 

 Theo VnExpress