1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nhà rường thoải mái “Nam tiến” do luật “sơ hở”?

(Dân trí) - Mới đây, PC36 - CA tỉnh Quảng Bình và lực lượng kiểm lâm đã phát hiện khoảng 14m3 gỗ đã sơ chế dưới dạng nhà rường trên một toa tàu trên đường vào Nam. Điều đáng nói là người có tên trong giấy bán nhà lại chẳng biết gì về tờ giấy này.

Có một đường dây “đánh lận con đen”?

Ngày 23/4/2009, Phòng cảnh sát môi trường (PC36) Công an tỉnh Quảng Bình phối hợp với đội Kiểm lâm cơ động (KLCĐ) của Chi cục KL Quảng Bình đã phát hiện trên toa tàu số hiệu 131389 một số gỗ đã sơ chế với khối lượng khoảng 14m3 tại ga Kim Lũ.
 
Nhà rường thoải mái “Nam tiến” do luật “sơ hở”? - 1

Số gỗ bị tạm giữ tại Hạt kiểm lâm Tuyên Hóa.

Xí nghiệp vận tải Quảng Bình nhận vận chuyển số gỗ này theo hợp đồng vận chuyển hàng hóa với ông Trần Dũng Hà, xưng là đại diện công ty CP XNK Sông Gianh (có trụ sở tại 49 đường Phan Đăng Lưu - Phú Nhuận - TPHCM). Để chứng minh nguồn gốc của số gỗ, ông này đã xuất trình giấy bán nhà, ghi tên ông Nguyễn Văn Định (ở thôn 2 xã Kim Hóa - Tuyên Hóa). Trong giấy bán nhà có chữ ký xác nhận của ông Huỳnh Ngọc Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Hóa.

Tuy nhiên, khi được hỏi về tờ giấy này, ông Nguyễn Văn Định tỏ ra hoàn toàn bất ngờ và khẳng định: “Tôi không hề ký giấy bán nhà cho ai, và chữ viết trên giấy này cũng không phải là chữ viết của tôi”.

Về xã Kim Hóa, PV được bà Trương Thị Ba (Phó Chủ tịch UBND xã Kim Hóa) cho hay: Trong thời gian này, ông Chủ tịch UBND xã đi vắng, còn ông Huỳnh Ngọc Nam đã bàn giao công việc cho bà để theo học lớp cao cấp chính trị ở Đồng Hới từ tháng 10/2008. Bà Ba khẳng định: “Chưa biết đúng sai vụ việc này thế nào, nhưng rõ ràng việc ông Nam đã bàn giao công việc mà vẫn ký xác nhận giấy tờ ở địa phương là lạm quyền, sai nguyên tắc”.

Được biết, để có được chữ ký của ông Nam trong tờ giấy này, ông Phạm Văn Giang (một người dân ở thôn 2, xã Kim Hóa) đã phải mang tờ giấy vào tận cổng trường Chính trị Quảng Bình ở Đồng Hới để ông Nam ký. Ông Giang cho biết: ông được nhờ làm việc đó và không hay biết về nguồn gốc tờ giấy.
 
Nhà rường thoải mái “Nam tiến” do luật “sơ hở”? - 2

Còn rất nhiều căn nhà rường bằng gỗ được chào bán với giá trên dưới 100 triệu đồng/căn.

Trước đó, trong vai người mua nhà, PV đã nhiều lần được nghe những người dân trong xã Kim Hóa chào mời mua nhà rường với giá trên dưới 100 triệu đồng. Theo họ, chỉ việc đặt cọc tiền và viết giấy tờ, nhà sẽ được chuyển đến tận nơi.

Luật tạo “kẽ hở” cho lâm tặc?

Qua kiểm tra, số gỗ mà Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Quảng Bình thu được hôm 23/4 bao gồm cột, băng, kèo đã được sơ chế, đánh dầu và một số khung cửa đã được lắp ráp chưa hoàn thiện, một số ván đã được sơ chế bào soi…

Theo tìm hiểu của PV, hiện phía chủ gỗ đã có công văn gửi đến một số cơ quan hữu quan tỉnh Quảng Bình đề nghị trả lại số gỗ nói trên với lý luận: lô gỗ này là đồ mộc hoàn chỉnh và theo quyết định số 59/2005/QĐ-BNN ngày 10/10/2005 của Bộ NN&PTNT thì các lực lượng tuần tra kiểm soát lâm sản không kiểm tra đối với đồ mộc hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, để bác bỏ lý luận này, một đại diện PC36 Quảng Bình khẳng định: Theo quyết định của Bộ, đồ mộc hoàn chỉnh được hiểu là các loại sản phẩm chế biến từ gỗ được lắp ráp hoàn chỉnh theo công dụng của loại sản phẩm hoặc các chi tiết tháo rời của sản phẩm hoàn chỉnh, khi lắp ráp có thể sử dụng được ngay theo công dụng của sản phẩm đó.

Nhưng trong trường hợp này, ai cũng biết đó là một căn nhà nhưng nếu bắt lắp ráp thì không thể lắp thành căn nhà hoàn chỉnh vì chưa đóng mộng, và một số chi tiết chưa hoàn chỉnh. Theo đó, PC36 Quảng Bình cho rằng không thể gọi đây là một sản phẩm hoàn chỉnh.

Hiện Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình đã cử cán bộ làm việc với Hạt Kiểm lâm Tuyên Hóa, nơi số gỗ này được tập kết để làm rõ nguồn gốc gỗ và tình trạng sản phẩm. Các cơ quan hữu quan Quảng Bình cũng tiến hành điều tra những dấu hiệu mập mờ quanh số gỗ này.

Việc số gỗ này đã là đồ mộc hoàn chỉnh hay chưa hiện chưa có kết luận, nhưng có một thực tế là dựa vào quyết định 59 của Bộ NN&PTNT, ở nhiều nơi lâm tặc đã đưa các trang thiết bị vào tận cửa rừng để chế biến gỗ lậu thành đồ mộc hoàn chỉnh trước khi vận chuyển một cách hợp pháp, “làm khó” lực lượng kiểm lâm trong việc kiểm tra.

Có lý luận cho rằng, có lẽ khi ra quyết định này Bộ NN&PTNT nghiễm nhiên tin rằng cuộc đấu tranh với lâm tặc được thực hiện triệt để, và gỗ lậu sẽ bị phát hiện trước khi làm thành đồ mộc hoàn chỉnh. Tuy nhiên, trong trường hợp công tác bảo vệ rừng chưa tốt (như nhiều trường hợp phá rừng ồ ạt mà báo chí đã nêu trong thời gian qua) thì quy định này vô tình giúp lâm tặc hợp pháp hóa gỗ lậu dễ dàng.
 
Phát hiện nhiều vụ vận chuyển gỗ trái phép
 
Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC15) Công an tỉnh Quảng Bình vừa phối hợp với Hạt Kiểm lâm Tuyên Hóa bắt giữ 2 bè gỗ vận chuyển từ thượng nguồn Sông Gianh với số gỗ ước tính khoảng 10m3.
 
Trước đó, Hạt Kiểm lâm Bố Trạch phát hiện xe ôtô của ông Bùi Thanh Vượng ở xã Cự Nẫm chở 6,6m3 gỗ lậu.
 
Hồng Kỹ