1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nhà ở giá rẻ cần một sân chơi bình đẳng với nhà thương mại

(Dân trí) - Tham gia hội thảo “Nhà ở xã hội ở VN - Bài học từ kinh nghiệm quốc tế” ngày 12/3, đại diện Ngân hàng thế giới cho rằng, hướng xử lý “thất bại” của thị trường BĐS thời gian qua là tạo sân chơi bình đẳng cho nhà thương mại và nhà xã hội.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng nêu thực tế hiện còn nhiều người dân rất khó khăn về nhà ở. Khái quát những chuyến đi khảo sát, nắm tình hình cở các địa phương, ông Dũng trăn trở: “Không chỉ ở nông thôn, miền núi, những vùng dễ tổn thương như những khu vực bão lũ miền Trung, rồi vùng ngập lũ ĐBSCL… không chỉ bộ phận những người dân nghèo mà rất nhiều những người dân ở đô thị vẫn phải ở trong những ngôi nhà chưa kiên cố, chưa an toàn, chất lượng thấp”.

Ngoài ra, đa số công nhân ở các khu công nghiệp phát triển, 3 triệu sinh viên cao đẳng, đại học… cũng đang phải ở trong những căn nhà trọ rất hẹp, nhiều người cùng ở trong một căn nhà nhưng chất lượng kém, sập xệ, rất ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe, công việc.
 
Nhà ở giá rẻ cần một sân chơi bình đẳng với nhà thương mại
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng tham gia hội thảo về nhà ở xã hội cùng đối tác Ngân hàng thế giới.

Ở các vùng đô thị thì không chỉ chỉ những người lao động mà cả công chức, viên chức, văn nghệ sỹ, trí thức … nhiều người đang phải ở trong những ngôi nhà chật chội. Có người thuê nhà, thuê những phòng, căn hộ không đảm bảo chất lượng. Và tất cả họ, đều có mong ước đơn giản là có một chỗ ở, cần có một căn hộ nhỏ nhưng đảm bảo chất lượng để họ được độc lập và có chủ quyền với căn hộ đó, từ đó, tạo điều kiện yên tâm làm việc và cống hiến, và cải thiện cuộc sống của bản thân mỗi cá nhân và gia đình.

Chiến lược nhà ở quốc gia được cụ thể, hiện thực hóa trước hết từ Nghị định 188 do Bộ Xây dựng trình Chính phủ ban hành, để tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc huy động các nguồn lực phát triển nhà ở xã hội.

Các giải pháp tháo gỡ khó khăn thị trường BĐS cũng gắn với chiến lược nhà ở quốc gia, để sản phẩm BĐS tạo ra phải đến với người dân. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng giải thích, điều đó có nghĩa, yêu cầu đặt ra là BĐS tạo ra phải phù hợp với nhiều đối tượng, cả người giàu và người nghèo, để mọi người tiếp cận được với nhà ở và cải thiện nhà ở.

Đề cập tới chính sách hỗ trợ tài chính, Bộ trưởng Xây dựng nhấn mạnh, gói tín dụng với lãi suất thấp dành cho những người thu nhập trung bình và thấp, khó khăn về nhà ở vay mua nhà, ngân hàng có trách nhiệm giải quyết. Để giải ngân nhanh 30.000 tỷ đồng này, Bộ Xây dựng có trách nhiệm phải thúc đẩy để tăng cung nhà ở xã hội.

“Nếu không nhiều nhà ở xã hội, dưới 70m2 và giá dưới 15tr/m2, thì tiền không thể giải ngân được nhiều vì chắc chắn không thể cho vay với những đối tượng không đúng mục đích, tránh lợi dụng để trục lợi và gây thất thoát nguồn lực của xã hội” – ông Dũng nói.

Gỡ vướng cho gói tín dụng này, Bộ trưởng Xây dựng cũng cho rằng, cần tiếp tục rà soát những thủ tục không cần thiết, làm cản trở và hạn chế khả năng tiếp cận của người dân với nguồn hỗ trợ. Theo đó, Bộ Xây dựng đã cùng Bộ Tư Pháp, Bộ TN-MT, Ngân hàng nhà nước ký một thông tư quy định về việc cho phép thế chấp chính căn nhà người dân đăng ký mua để vay được tiền. Đây là một hướng tốt để “thông” chính sách.

Bộ trưởng Xây dựng cũng nhắc lại, đây là một chương trình dài hạn, đất nước càng phát triển thì càng có nhiều tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp hơn nữa để người dân được vay và có điều kiện tốt hơn để tiếp cận nhà ở.

GĐ Quốc gia của Ngân hàng thế giới (WB), bà Victoria Kwakwa đánh giá cao những hoạt động của Bộ Xây dựng trong việc thúc đẩy đầu tư nhà ở giá rẻ cung cấp cho thị trường. Là một đất nước đang phát triển, chứng kiến tốc độ đô thị hóa rất nhanh, mỗi năm có hơn 1 triệu người dân tiến về khu vực đô thị nên nhu cầu về nhà ở dành cho người thu nhập thấp và trung bình rất lớn.

Xác nhận những thách thức của quá trình di cư tạo áp lực đối với vấn đề hoạch định chính sách như Bộ trưởng Xây dựng chỉ ra, bà Victoria Kwakwa cũng đánh giá cao những bước cải thiện Việt Nam đạt được để giải quyết nhu cầu nhà ở đô thị.

Nói riêng về nhà ở xã hội, theo GĐ Quốc gia của WB nhận định, lĩnh vực này đang gặp nhiều thách thức khi ở đô thị, phân khúc nhà ở thương mại giá cao đang thừa cung trong khi nhà giá rẻ lại thiếu cung. Sự thất bại của thị trường ở phân khúc trên thời gian qua cho thấy để hỗ trợ được 40% dân số đô thị có thu nhập dưới mức trung bình, chính sách đề ra cần giúp hợp thức hóa được số người định cư không đăng ký hộ khẩu một cách chính thức này.

“Việt Nam còn may mắn khi chưa có những khu ổ chuột như ở Philippine, Malaysia… Hà Nội, TPHCM chưa để xảy ra tình trạng đó. Vậy nên vấn đề cần giải quyết để có nhà ở tương đối rẻ cho người dân ở các khu vực thu nhập khác nhau chỉ là nhà nước đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư tham gia vào những phân khúc thị trường khác nhau, làm lành mạnh thị trường BĐS” – bà Kwakwa khẳng định WB sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam như một đối tác phát triển trong lĩnh vực này.

P.Thảo