Thanh Hóa:
Nhà máy xử lý rác thải “bức tử” hàng nghìn người dân
(Dân trí) - Từ khi xuất hiện nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn xã Quảng Tân (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa), hàng nghìn người dân lân cận phải sống trong khốn khổ vì ô nhiễm.
Sống chung với mùi hôi thối, khét
Theo phản ánh của các hộ dân ở xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương thì nhà máy xử lý rác thải nằm trên địa bàn xã Quảng Tân nhưng ở vị trí giáp ranh nên mùi hôi thối và khét hầu như toàn bộ người ở xã Quảng Trạch hứng chịu hết.
“Họ đốt vô tội vạ, đốt không kể ngày hay đêm, mùi hôi thối, khét của vải vóc rất kinh khủng. Mùa đông còn đỡ, mùa hè mỗi lần gió thổi hướng nào là người dân lãnh đủ hướng nấy. Ngày trước, các cụ cứ chiều đến là làm cái quạt mo ra bờ ruộng ngồi hóng mát, mấy năm nay thì khiếp hẳn, không ai dám đi ra đường mỗi khi cột khói của nhà máy bốc lên. Bao nhiêu năm nay, người dân phải sống chung với ô nhiễm như thế này nhưng kêu xã rồi huyện vẫn không ai giải quyết” – một người dân thôn Trạch Câu, xã Quảng Trạch cho biết.
Một người dân khác ở thôn Trạch Đồng bức xúc: “Dân chúng tôi phải đóng một tháng mấy chục nghìn để họ mang rác ra bãi rác của tỉnh xử lý, còn rác ở nơi khác thì mang về gần dân chúng tôi, mọi hậu quả dân chúng tôi gánh chịu hết. Rất nhiều bà con trong làng bị bệnh về đường hô hấp, ung thư chết trẻ tràn lan. Không biết có phải vì nhà máy gây ra hay không nhưng từ ngày nhà máy này về thì mới xuất hiện tình trạng đó khiến bà con không khỏi nghi ngờ và hoang mang”.
Cũng theo rất nhiều người dân thì nhà máy chỉ được phép xử lý rác thải của thị trấn Quảng Xương và xã Quảng Tân nhưng họ vẫn mang vải vóc, rác thải từ khu công nghiệp Lễ Môn về để xử lý. “Rác thải của khu công nghiệp toàn vải nên đốt có mùi khét. Hôm nào cũng khoảng 3-4h sáng là xe ô tô chở vải về để đốt” – người dân xã Quảng Trạch cho biết.
Theo ghi nhận của PV, vị trí đặt nhà máy chỉ cách khu dân cư, các trường học cấp 1, cấp 2 xã Quảng Trạch khoảng vài trăm mét. Hiện cả núi rác vẫn đang còn chất đống chưa xử lý, xe cộ đưa vải vóc từ khu công nghiệp vẫn tiếp tục ra vào.
Được biết, nhà máy đốt rác thải rắn thuộc công ty TNHH thương mại và dịch vụ môi trường xanh Hoàng Hải Hà (phường Quảng Hưng, TP. Thanh Hóa).
Kiến nghị nhiều nhưng không có kết quả
Trao đổi về vấn đề trên, ông Ngô Tiến Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Trạch xác nhận việc hàng nghìn người dân xã ông đang bị nhà máy xử lý rác thải nằm trên địa bàn xã Quảng Tân “bức tử”.
“Nhà máy xử lý chất thải này xuất hiện khoảng 4-5 năm nay. Quảng Trạch có tới 6 thôn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi nhà máy, đặc biệt là các thôn Trạch Khê, Trạch Khang, Trạch Câu. Lần nào họp tiếp xúc cử tri, dân cũng lên tiếng, chúng tôi cũng đã có ý kiến xuống huyện mong nhà máy nâng cao quy trình xử lý, hạn chế bớt đi những ô nhiễm để người dân ổn định cuộc sống. Thế nhưng, nhiều năm nay vẫn không cải thiện được gì” – ông Hiền nói.
Cùng quan điểm với ông Hiền, ông Phùng Văn Châu, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Quảng Trạch cũng cho biết: “Mỗi khi đốt lên, đặc biệt là mùa hè mùi kinh khủng lắm, không thể chịu được. Có khoảng hơn 4000 nhân khẩu của xã Quảng Trạch đang sống trong ô nhiễm bởi nhà máy xử lý rác này. Ngoài xã Quảng Trạch còn có dân sống lân cận như dân của xã Quảng Tân, Quảng Phong, Quảng Hòa đều bị ảnh hưởng. Vừa rồi, huyện lại có ý định xin quy hoạch nghĩa trang gần đó rồi công ty lại đang xin mở rộng. Nếu thế thì dân chúng tôi không sống nổi..” – ông Châu cho hay.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Lê Bá Sáu, Chủ tịch UBND xã Quảng Tân cho biết: “Nhà máy xử lý rác thải nằm trên địa bàn xã thuộc công ty môi trường xanh Hoàng Hải Hà, mục tiêu là tiêu hủy rác cho người dân trong xã và thị trấn. Còn việc công ty lấy thêm rác thải công nghiệp từ khu công nghiệp Lễ Môn thì hình như được các bác chủ tịch huyện thời trước đồng ý để có thêm thu nhập chứ thu nhập từ các hộ dân thì không đủ trả lương và phương tiện. Chúng tôi cũng đã luôn nhắc nhở công ty phải xử lý rác thải tồn, không được để lâu gây ô nhiễm đến người dân, tuy nhiên hiện vẫn còn rất nhiều rác thải tồn đọng”.
Nguyễn Thùy