1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Bình:

Nhà máy xi măng “tra tấn” hàng trăm hộ dân

(Dân trí) - Gần chục năm nay, hàng trăm hộ dân thôn Áng Sơn luôn sống trong cảnh bị “tra tấn” bởi tiếng ồn, khói bụi, ô nhiễm từ Nhà máy xi măng Áng Sơn II. Cuộc sống người dân nơi đây đang bị đảo lộn bởi Nhà máy xi măng này.

Dân kêu trời vì ô nhiễm

Gần 7 năm nay, hàng trăm hộ dân thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) luôn sống chung với tiếng ồn, khói bụi và ô nhiễm nghiêm trọng do Nhà máy xi măng Áng Sơn II. Nhiều năm nay, bà Bùi Thị Thé, ông Nguyễn Văn Quang và nhiều người dân khác trong thôn Áng Sơn ôm đơn đi “kêu cứu” tại nhiều cơ quan công quyền và diễn đàn tiếp xúc cử tri.
Bà Thé bức xúc chỉ bụi bặm khủng khiếp bay ra từ Nhà máy xi măng Áng Sơn II 
Bà Thé bức xúc chỉ bụi bặm khủng khiếp bay ra từ Nhà máy xi măng Áng Sơn II 

Trong thời gian này, đã có hàng chục đoàn kiểm tra từ huyện đến tỉnh, xuống xã trực tiếp về với người dân thôn Áng Sơn và chứng kiến tận mắt mức độ ô nhiễm “khủng khiếp” về bụi, khói, tiếng ồn đối với các hộ gia đình sống cận kề xung quanh hai nhà máy trước đây và bây giờ là Nhà máy xi măng Áng Sơn II của Công ty CP xi măng Vicem Hải Vân.

Tuy nhiên, sau các đợt kiểm tra, mọi việc lại chìm dần trong khói bụi, ô nhiễm. Bà Phạm Thị Kê, bức xúc: “Tôi nguyên TNXP chống Mỹ, chồng tôi là bộ đội. Cưới nhau xong về lập nghiệp tại thôn Áng Sơn, chưa kịp yên ấm thì chồng chết vì ung thư, 4 đứa cháu đau ốm liên miên, bệnh viện kết luận bị ung thư trong đó có một đứa chết khi mới lên 5 tuổi. Suốt ngày đêm dân chúng tôi sống chung với bụi như vậy, không bị bệnh nan y mới là chuyện lạ”.

Nhiều lần chúng tôi tiếp xúc với bà con tại xóm Lèn, và đặc biệt là các hộ gia đình ông Nguyễn Văn Quang, Ngô Đình Miền, Đỗ Bá Lực, Trần Trí Dũng… nhà cận kề ngay sát vách tường nhà máy trong đó ngôi nhà ông Đỗ Bá Lực sát ngay hệ thống tháp nghiền, búa đập, tua bin chạy ầm ào suốt ngày đêm. “Không thể nào chịu nổi các chú ơi!”, ông Lực bức bối.

Còn ông Nguyễn Văn Quang mong muốn: “Dù tài sản, ruộng vườn, nhà cửa kiên cố, khang trang đến đâu, chúng tôi cũng nhất trí di dân đến chỗ ở mới. Vì tương lai của con cháu và bảo đảm sức khỏe của chính mình lúc cuối đời. Chứ sống trong cảnh bụi bặm, ồn ào như thế này, răng mà sống nổi”.

Quá bức xúc vì ô nhiễm, những ngày đầu tháng 4/2014, gần 100 người dân thôn Áng Sơn sinh sống xung quanh Nhà máy xi măng Áng Sơn II thuộc Công ty CP xi măng Vicem Hải Vân đã tập trung trước cổng nhà máy, dùng đá hộc, cột điện gãy chắn ngang tuyến đường vào trong khuôn viên khiến hoạt động của nhà máy gần như tê liệt.
Bà Thé bức xúc chỉ bụi bặm khủng khiếp bay ra từ Nhà máy xi măng Áng Sơn II 
Ngày 2/4, người dân thôn Áng Sơn dùng đá hộc, cột điện gãy chắn ngang tuyến đường vào trong khuôn viên Nhà máy xi măng Áng Sơn II

Dàn xe “siêu trọng” băm nát con đường

Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp từ tiếng ồn, khói bụi từ nhà máy xi măng, hàng trăm hộ dân thôn Áng Sơn còn sống chung với bụi bẩn do dàn xe “siêu trọng” chở vật liệu cho Nhà máy xi măng Áng Sơn II.

Những ngày qua, PV Dân trí đã có mặt tại khu vực xung quanh nhà máy và chứng chiến dàn xe “siêu trọng” băm nát khoảng 5km tuyến tỉnh lộ 10, nay là QL 9B chạy từ huyện Quảng Ninh lên các xã miền núi phía Tây huyện Lệ Thủy.

Chỉ đứng bên đường chừng chưa đầy 30 phút nhưng theo quan sát của phóng viên có đến hơn 20 lượt xe ra vào và đều có trọng tải trên 20 tấn trở lên. Một công nhân ngày ngày cuốc cỏ hai bên tuyến đường này than phiền: “Khủng khiếp quá, đường cứ sửa được ít hôm là xe trọng tải nó cày nát bét hết. Nói là xe trọng tải 20 tấn nhưng nó "nhét" lên đến 30 đến 40 tấn. Cứ đà ni thì chẳng mấy chốc đường nát như tương mất”.
Dàn xe siêu trọng ngày đêm hành dân
Dàn xe "siêu trọng" ngày đêm "hành" dân
Dàn xe siêu trọng ngày đêm hành dân

Ông Đoàn Kim Xuyên, Trưởng thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh bức xúc: “Tình trạng ô nhiễm đã xảy ra từ lâu, do bụi từ các phương tiện chở đất đá của các nhà máy xi măng. Dù các công ty này có tưới nước nhưng không hạn chế được bao nhiêu. Xe chở đất đá, trọng tải lớn, chạy ẩu gây ồn, nhất là vào đêm khuya, các phương tiện nhấn còi gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân thôn Áng Sơn”.

“Trong vòng bán kính 1km quanh nhà máy có 65 hộ bị ảnh hưởng; 35 hộ ảnh hưởng nặng và khu vực chịu ô nhiễm nặng nề nhất gồm 7 hộ dân thuộc xóm Lèn”, ông Nguyễn Văn Thế, Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh.

Trả lời thực trạng trên, một vị đại diện Nhà máy Xi măng Áng Sơn II cho biết, mỗi ngày có khoảng 1.500 tấn đá vật liệu xi măng chở vào nhà máy. Tuy nhiên, nhà máy đã ký hợp đồng với Công ty Tài Lộc Phát chuyên chở đá vật liệu nên chuyện hư hỏng đường sá, bụi bặm ảnh hưởng đến người dân nhà máy không nắm rõ.

Làm việc với PV Dân trí về vấn đề này, ông Bùi Quang Huy, Trưởng phòng Tổ chức hành chính Công ty Áng Sơn II, Chi nhánh Công ty CP xi măng Vincem Hải Vân cho hay, vừa qua Công ty cũng đã đối thoại và cam kết với người dân về vấn đề ô nhiễm môi trường.
Ông Bùi Quang Huy, Trưởng phòng Tổ chức hành chính Công ty Áng Sơn II trong buổi làm việc với PV
Ông Bùi Quang Huy, Trưởng phòng Tổ chức hành chính Công ty Áng Sơn II trong buổi làm việc với PV Dân trí

“Hiện tại chúng tôi cũng đang khẩn trương hoàn thiện việc cải tạo môi trường. Còn vấn đề gây ồn vào đêm khuya, công ty cũng đã có cam kết với đơn vị vận chuyển phải phủ bạt khi vận chuyển, hạn chế còi to giờ nghỉ trưa, giờ cao điểm”, ông Huy khẳng định.

“Đá bóng trách nhiệm”

Trước những bức xúc của người dân, ông Phạm Ngọc Vũ, Phó Giám đốc Nhà máy xi măng Áng Sơn II đã trả lời trước dân: “Công ty CP xi măng Vicem Hải Vân tiếp nhận nhà máy từ Công ty CP đúc Thắng Lợi và đưa vào sản xuất đầu năm 2012. Khi bắt tay vào sản xuất, vấn đề bảo vệ môi trường được nhà máy ưu tiên hàng đầu. Đó là, đầu tư mua xe chuyên dụng tưới nước trên 1 tỷ đồng, ngày hai lần tưới nước trên các trục đường chống bụi. Trồng 2.000 cây xanh trong khuôn viên nhà máy. Thành lập tổ quét bụi để thu dọn bụi trên mặt đường.

Tuy nhiên, việc bà con phản ánh tình trạng ô nhiễm kéo dài nhiều năm thì nhà máy cũng chỉ là nạn nhân của cơ chế như bà con. Trong các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh, nhà máy cũng đã nhiều lần đề nghị cần gấp rút xây dựng khu tái định cư và di dời dân ra khỏi vùng ô nhiễm nặng. Nói nhà máy xả khói, xả bụi là không có, trừ trường hợp xảy ra sự cố như mất điện chẳng hạn”.
Ông Bùi Quang Huy, Trưởng phòng Tổ chức hành chính Công ty Áng Sơn II trong buổi làm việc với PV
Ông Phạm Ngọc Vũ (áo sọc, đứng giữa), Phó Giám đốc Nhà máy xi măng Áng Sơn II đã trả lời trước dân ngày 2/4/2014

Trái với lời của ông Vũ, người dân nơi đây lại phản ánh: Nhà máy vẫn xả khói, xả bụi bẩn thường xuyên (được các hộ gia đình tại xóm Lèn dùng máy di động chụp lại); xe chuyên dụng tưới nước nhiều khi mang tính hình thức, dùng để đối phó; xe tải trọng lớn vẫn chạy trong khung thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ sáng ngày hôm sau, vi phạm cam kết giữa nhà máy với nhân dân…

Nếu Nhà máy xi măng Áng Sơn II là nạn nhân của cơ chế như lời ông Vũ nói thì người dân trong vùng ô nhiễm là nạn nhân trực tiếp của nhà máy. Vấn đề xây dựng khu tái định cư, di dời dân khỏi nơi ô nhiễm đã được các cấp, ngành xem xét từ 7 năm trước, nhưng do ngân sách tỉnh không bố trí được nguồn vốn cho huyện Quảng Ninh triển khai, rốt cuộc khu tái định cư, vấn đề di dời dân vẫn chỉ là lời hứa, nằm trên văn bản giấy tờ!
Văn bản hứa của Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình
Văn bản "hứa" của Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình

Và mới đây nhất, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình cũng có văn bản thừa nhận tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động của Nhà máy xi măng Áng Sơn II đối với người dân là đúng thực tế. Và một lần nữa, UBND tỉnh này lại “hứa” sẽ sớm giải quyết, tạo điều kiện để các hộ dân được di dời ra khỏi khu vực ô nhiễm.

Vậy đến bao giờ người dân thôn Áng Sơn mới thoát ra khỏi khu vực ô nhiễm do Nhà máy xi măng Áng Sơn II? Người dân nơi đây đang mong chờ một câu trả lời dứt khoát từ chính quyền địa phương cũng như các cấp ban ngành liên quan!

Đặng Tài – Đức Long

 

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm