Nhà máy thép 1.700 tỷ định giá 108 tỷ: Bán “đống sắt vụn” trả nợ cho ngân hàng

(Dân trí) - Không còn khả năng thu hồi vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng, 3 ngân hàng cho chủ đầu tư Nhà máy thép Vạn Lợi (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vay tiền sẽ chia nhau số tiền bán “đống phế thải” vốn vừa được định giá 108 tỷ đồng.

Như Dân trí đã thông tin, dự án Nhà máy gang thép Vạn Lợi (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) được khởi công xây dựng ngày 16/06/2007 với tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng. Dự án do Công ty cổ phần Gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư với 2 cổ đông chính: Công ty TNHH Vạn Lợi (Ba Đình, Hà Nội), tỷ lệ góp vốn 64% và Công ty đầu tư và khoáng sản Hợp Thành (Đống Đa, Hà Nội), góp 34%.

Quá trình tìm hiểu cho thấy, chủ đầu tư gần như chỉ “đầu tư hơi”, nguồn vốn vay ngân hàng là 100%.

Nhà máy thép 1.700 tỷ định giá 108 tỷ: Bán “đống sắt vụn” trả nợ cho ngân hàng - 1

Sau 12 năm được khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng đến nay Nhà máy gang thép Vạn Lợi chỉ là "đống phế thải". 

Cụ thể, dự án được triển khai trên cơ sở nguồn vốn vay từ các ngân hàng chiếm 85% tổng mức đầu tư, nguồn vốn của chủ đầu tư (Công ty cổ phần Gang thép Hà Tĩnh) chỉ 15%. Tuy nhiên nguồn vốn 15% của chủ đầu tư có được trên cơ sở lấy dự án ra thế chấp, có nghĩa là tài sản hình thành sau khi dự án được triển khai.

Theo các số liệu mà cơ quan chức năng tại tỉnh Hà Tĩnh công bố, số tiền mà nhà đầu tư đã rót vào dự án là gần 1.000 tỷ đồng, trong đó 3 ngân hàng đã giải ngân cho vay giai đoạn 1 với tổng số tiền lên đến hơn 700 tỷ đồng.

Nhà máy thép 1.700 tỷ định giá 108 tỷ: Bán “đống sắt vụn” trả nợ cho ngân hàng - 2

Một lượng thiết bị khổng lồ chưa được lắp ráp, bỏ lăn lóc khắp nơi trong khuôn viên rộng lớn lên đến 35 ha. Tất cả đã gỉ sét, hư hỏng, chỉ còn là những đống phế liệu không hơn không kém.

3 ngân hàng trên gồm: Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh (VDB Hà Tĩnh) 609 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Hà Tĩnh 70 tỷ đồng và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Hà Tĩnh 49 tỷ đồng.

Từ khi đổ bể đến nay, suốt gần 10 năm qua, cả 3 ngân hàng nói trên đã quyết liệt đòi chủ đầu tư thanh toán nợ (vốn vay, lãi suất), tuy nhiên, mọi nỗ lực của những “bà đỡ” này đều bất thành. Việc vớt vát phần nào các khoản tín dụng cho Công ty cổ phần Gang thép Hà Tĩnh vay các ngân hàng chỉ còn trông chờ vào đống sắt gỉ sét trong nhà máy.

Trao đổi với PV Dân trí vào chiều ngày 9/4, ông Nguyễn Hồng Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Kỳ Anh cho biết, toàn bộ số tài sản trong nhà máy thép "chết yểu" này được đơn vị định giá 108,6 tỷ đồng. Hiện đơn vị tổ chức đấu giá đã bán hồ sơ, phiên đấu giá sẽ được tổ chức vào ngày 26/4.

Về việc chi trả nợ cho các ngân hàng, ông Nam cho hay, sau khi tổ chức bán đấu giá thành công, trừ các chi phí kê biên, trông coi bảo quản, chi phí thuê thẩm định, thuê tổ chức đấu giá, đơn vị sẽ chi trả nợ vay, lãi suất cho các ngân hàng theo thị phần cho vay.

Như vậy, với tổng mức 609 tỷ đồng đã cấp vốn (chiếm 87%), gần như toàn bộ số tiền đấu giá "đống sắt vụn" của nhà máy này sẽ thuộc về VDB Hà Tĩnh.

Văn Dũng