Đồng Tháp:
Nhà khoa học, chuyên gia nói gì về việc "bón xi măng cho lúa"?
(Dân trí) - Nói về việc nông dân đua nhau dùng xi măng bón lúa, Giáo sư Võ Tòng Xuân nhận định đây là việc rất lạ vì xi măng là vật liệu xây dựng, không thể thay phân bón; bà con nông dân không nên áp dụng.
Ngày 15/1, PV Dân trí được ông Lê Văn Nuôi (xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) dẫn ra mảnh ruộng mà ông đang thử nghiệm bón lúa bằng xi măng. Ông Nuôi cho biết: “Tôi đã phát hiện ra chuyện nước xi măng làm xanh tốt hoa màu từ cách đây 2 năm nhưng đây là lần đầu tiên tôi thử nghiệm trên lúa, chỉ một luống nhỏ khoảng 30m2 trong mảnh ruộng 4.000m2 của tôi. Trong giai đoạn lúa từ 5 - 10 ngày tôi có bón một lần và quan sát trong 4 ngày đầu độ xanh của đám lúa có bón xi măng và đám lúa không bón xi măng như nhau, tuy nhiên qua thời gian 7 ngày thì đám lúa bón xi măng bị vàng sớm hơn 2 ngày.
Theo ông Nuôi, nếu cách này hiệu quả thì tiết kiệm cho nông dân đáng kể, vì trung bình 1.000m2 bón 20kg thì với cách trộn 10kg xi măng sẽ giảm được 5kg phân bón. Còn năng suất như thế nào thì phải đợi đến ngày gặt mới đánh giá được. Riêng một số hộ đã thử nghiệm 2 vụ như anh Có, anh Nguyễn Ngọc Trọng (ấp Long Khánh, xã Long Hậu) đều cho biết, năng suất lúa có bón xi măng từ bằng đến cao hơn đám ruộng không bón xi măng.
Nông dân đua nhau bón xi măng cho lúa
Xung quanh thông tin một số nông dân ở huyện Lai Vung dùng xi măng bón cho lúa, Giáo sư Võ Tòng Xuân (một nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt là ngành trồng lúa) khẳng định ngay: “Đây là việc lạ. Vì từ trước tới nay tôi chưa thấy bao giờ. Nhưng bà con nông dân mình biết rõ, xi măng chỉ dùng để xây nhà cho nên không thể bón cho lúa, việc này sẽ gây hại cho đất về sau. Vả lại xi măng bây giờ cũng không phải rẻ nữa”.
Giáo sư Xuân cũng trăn trở, ngành nông nghiệp của chúng ta vẫn còn nhiều người làm theo kiểu kinh nghiệm truyền tai. Đành rằng những kinh nghiệm của các lão nông là rất quý nhưng 1kg lúa làm ra chi phí đến khoảng 3.500 đồng; còn sản xuất theo kiểu hợp tác xã, liên kết… thì giá thành chỉ khoảng 1.500 đồng/kg. Do vậy, không phải kinh nghiệm nào bà con nông dân chúng ta cũng học theo ngay mà phải nghiên cứu, chọn lọc… Nhất là việc 1-2 hộ dân dùng xi măng bón cho lúa là không nên, tuyệt đối không cổ vũ cho “kinh nghiệm” này.
Thạc sĩ Phạm Quốc Nguyên - Trưởng bộ môn Khoa học môi trường thuộc Khoa Tài nguyên và Môi trường (Trường ĐH Đồng Tháp) cho biết, thành phần xi măng chủ yếu là clinker, trong chất này có tới 60 -70% caxi (vôi); 16% - 26 là chất SiO2, nhôm, sắt và nhiều tạp chất khác. Bản chất của vôi rất tốt cho cây và cho đất vì vôi rửa phèn tốt, hạn chế sự phát triển của mầm bệnh, cỏ trong đất... Tuy nhiên, người nông dân mình không biết việc dùng xi măng bón cho lúa lâu ngày sẽ làm đất bị chai cứng, vì xi măng có chất kết dính rất cao, bón lâu ngày sẽ phá vỡ cấu trúc đất.
Do vậy, bà con nông dân không nên dùng xi măng bón cho lúa. Trong canh tác, nếu thấy đất có dấu hiệu phèn nhiều hoặc canh tác lâu ngày mà chưa rải vôi lần nào thì nên rải vôi sẽ tốt cho đất và cây trồng, nhưng liều lượng cũng phải hợp lý và chỉ bón trong thời gian nhất định.
PGS.TS Lê Văn Hòa – Trưởng Khoa Nông nghiệp, Trường ĐH Cần Thơ cho biết: “Theo quan điểm cá nhân tôi thì việc này hại nhiều hơn lợi vì xi măng là chất kết dính cho nên về lâu dài sẽ phá vỡ cấu trúc đất, nhất là khi bón xi măng lúc ruộng khô rồi cho nước vào sẽ tạo thành lớp xơ cứng trên đồng ruộng. Tuy nhiên để có cái nhìn rõ ràng hơn cũng như tác hại của việc dùng xi măng bón cho lúa thì cần các nhà khoa học đất nghiên cứu thêm”.
Giải thích thêm về hiện tượng lúa, hoa màu… vẫn xanh tốt khi được bón xi măng, PGS.TS Hòa nói, có thể do vùng đất Đồng Tháp độ phèn cao nên khi nông dân dùng xi măng rải xuống, trong xi măng có vôi giúp đất được rửa phèn, giúp lúa, hoa màu xanh tốt trong giai đoạn đầu. Còn về lâu dài thì nguy cơ làm đất bị chai cứng là rất cao.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Long Hậu - cho biết, khi nghe thông tin người dân dùng xi măng bón cho lúa, xã đã cử cán bộ phụ trách nông nghiệp xuống nắm tình hình, sau đó xã cũng có giải thích cho những hộ dân rằng cách làm này hại nhiều hơn lợi, đề nghị không tiếp tục thử nghiệm.
Nguyễn Hành