1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nhà hát Opera bên Hồ Tây sẽ được xây dựng như thế nào?

Thế Kha Nguyễn Trường

(Dân trí) - Nhà hát Opera dự định xây dựng bên Hồ Tây sẽ được thực hiện theo hình thức xã hội hóa và được kỳ vọng thu hút du khách không kém nhà hát Con Sò tại Sydney (Australia), La Scala tại Milan (Italia)...

Như đã thông tin, sáng 15/7, UBND quận Tây Hồ, Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến người dân đối với đồ án Quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An.

Đồ án có tổng diện tính nghiên cứu khoảng 77,46 ha, trong đó quy mô diện tích lập quy hoạch 45,3 ha thuộc địa giới hành chính phường Quảng An và một phần của phường Tứ Liên, quận Tây Hồ.

Phạm vi ranh giới lập quy hoạch bao gồm: Phía Đông Bắc giáp đường Xuân Diệu. Phía Tây Bắc giáp các khu đất ven đường Đặng Thai Mai và giáp hồ Thủy Sứ. Phía Tây Nam giáp mặt nước Hồ Tây. Phía Đông Nam giáp các khu đất ven trục không gian Đặng Thai Mai, khu biệt thự Tây Hồ.

Nhà hát Opera bên Hồ Tây sẽ được xây dựng như thế nào? - 1

Hồ Đầm Trị nằm sát Hồ Tây (Ảnh: Vũ Toản).

Khu vực này sẽ có các khu chức năng vui chơi giải trí, công viên văn hóa, tâm linh. Riêng tại ô quy hoạch số 19 sẽ có một nhà hát Opera quy mô lớn. Nhà hát sẽ được thiết kế nổi trên mặt nước Đầm Trị, hướng mặt ra Hồ Tây.

Được biết, từ đầu năm 2017, tại Thông báo số 525-TB/TU của Thành ủy Hà Nội, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng phương án tổng thể lập quy hoạch khu vui chơi, giải trí tại khu vực Hồ Tây, trong đó có một nhà hát quy mô lớn, hiện đại, tiêu biểu cho Thủ đô.

Công trình nhà hát Opera này dự kiến sẽ được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của TP Hà Nội trong suốt quá trình thiết kế cũng như thi công và vận hành.

Việc thi công nhà hát được tiến hành trên cơ sở đảm bảo không lấp hồ, ảnh hưởng đến bề mặt nước hồ. Thi công trên cơ sở nạo vét lòng hồ, làm sạch hồ để đảm bảo hiệu ứng cho thiết kế mái vòm của nhà hát.

Công trình nhà hát Opera được thiết kế nổi trên mặt hồ Đầm Trị, mang kiến trúc hiện đại với mái vòm lấy cảm hứng từ những con sóng Hồ Tây. Kiến trúc sư đã ứng dụng hệ kết cấu vỏ mỏng trên phần mái vòm của nhà hát, đồng thời phủ lên một lớp vật liệu có hiệu ứng ngọc trai có thể thay đổi màu sắc phản chiếu môi trường bên ngoài. Do đó, nhà hát sẽ rực sáng lung linh mỗi buổi hoàng hôn khi ánh mặt trời chiếu rọi vào.

Nhà hát Opera bên Hồ Tây sẽ được xây dựng như thế nào? - 2

Thiết kế nhà hát Opera tại khu vực hồ Đầm Trị, sát Hồ Tây (Ảnh: UBND quận Tây Hồ).

Được biết, "cha đẻ" của ý tưởng độc đáo này là kiến trúc sư người Italia - ông Renzo Piano, một kiến trúc sư huyền thoại trong làng kiến trúc thế giới. Việc xây dựng nhà hát Opera được ví như kiến tạo một "hòn đảo âm nhạc" giữa khung cảnh Hồ Tây thơ mộng.

Theo tiết lộ của đơn vị thiết kế, công trình nhà hát bên Hồ Tây có khán phòng Opera với sức chứa 1.822 chỗ, đồng thời có nhiều khán phòng đa năng (1.000 - 2.000 chỗ ngồi) phục vụ mục đích tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật quy mô lớn.

Nhà hát Opera mới của Hà Nội được kỳ vọng sẽ thu hút du khách không kém nhà hát Con Sò tại Sydney (Australia), Nhà hát La Scala tại Milan (Italia) hay Nhà hát Esplanade (Singapore)…

Nơi đây không chỉ là nơi biểu diễn nghệ thuật mà còn là điểm hẹn văn hóa, vui chơi, trải nghiệm thường xuyên của người dân và du khách. Bên ngoài nhà hát, hệ thống không gian công cộng bao gồm nhà triển lãm, khu ẩm thực trải dọc theo trục giao thông chính và kết thúc ở quảng trường trung tâm sát mép hồ. Bên trong nhà hát, một loạt các phòng chức năng như phòng tập nghệ thuật, thư viện ở tầng trệt hay bảo tàng, nhà hàng nhỏ có tầm nhìn bao quát toàn cảnh hồ Tây được bố trí ở các tầng cao.

Nhà hát Opera bên Hồ Tây sẽ được xây dựng như thế nào? - 3

Vị trí hồ Đầm Trị, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Lê Hoàng - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, hiện mới là bước lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Sau khi lấy ý kiến cộng đồng dân cư, quận Tây Hồ sẽ cập nhật tất cả các ý kiến đóng góp, gửi cho đơn vị tư vấn hoàn chỉnh để báo cáo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội thẩm định lại đồ án.

Sau khi đủ điều kiện, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội sẽ báo cáo UBND TP Hà Nội; nếu thành phố phê duyệt thì đây là cơ sở để thực hiện các khâu tiếp theo.

"Tất cả các công trình khi được thực hiện sẽ không ảnh hưởng đến diện tích mặt nước đã có ở Hồ Tây. Tuyệt đối đảm bảo cảnh quan môi trường"- ông Hoàng nói.