1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Thành phố Thủ Đức

Hà Nội lấy ý kiến việc xây dựng nhà hát bên Hồ Tây

Thế Kha

(Dân trí) - UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) vừa công khai lấy ý kiến về đồ án Quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm bán đảo Quảng An, trong đó có một nhà hát nằm trên hồ Đầm Trị sát Hồ Tây.

Theo UBND quận Tây Hồ, đồ án Quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm bán đảo Quảng An, tỷ lệ 1/500 đang nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và đặc biệt là của người dân hiện đang sinh sống và làm việc trên địa bàn quận.

Đồ án quy hoạch 1/500 này có tổng diện tính nghiên cứu trên 77 ha, trong đó quy mô diện tích lập quy hoạch trên 45 ha thuộc địa giới hành chính phường Quảng An và một phần của phường Tứ Liên, với mục tiêu phát triển khu vực này trở thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa của Thủ đô.

Phạm vi ranh giới lập quy hoạch bao gồm: Phía Đông Bắc giáp đường Xuân Diệu. Phía Tây Bắc giáp các khu đất ven đường Đặng Thai Mai và giáp hồ Thủy Sứ. Phía Tây Nam giáp mặt nước Hồ Tây. Phía Đông Nam giáp các khu đất ven trục không gian Đặng Thai Mai, khu biệt thự Tây Hồ.

Đáng chú ý, theo quy hoạch, phân khu chức năng, hình thành trục cây xanh, khu vui chơi giải trí, công viên văn hóa tâm linh, công viên văn hóa nghệ thuật chuyên đề, bao gồm việc xây dựng một nhà hát quy mô lớn, hiện đại, tiêu biểu cho Thủ đô Hà Nội; kết hợp với khu vực phát triển thương mại, dịch vụ, khách sạn phục vụ du lịch nghỉ dưỡng đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành.

Hà Nội lấy ý kiến việc xây dựng nhà hát bên Hồ Tây - 1

Hồ Đầm Trị nằm sát Hồ Tây (Ảnh: Vũ Toản).

Thông tin với PV Dân trí sáng 13/7, đại diện UBND quận Tây Hồ cho biết nhà hát ở hồ Đầm Trị (sát Hồ Tây) mới chỉ dự kiến, đề xuất trước đây từ phía một tập đoàn lớn.

Trước đây đồ án điều chỉnh quy hoạch bán đảo Quảng An do tập đoàn này lập, đề xuất với UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, theo Luật Quy hoạch, việc lập đồ án thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước nên TP Hà Nội đã giao UBND quận Tây Hồ thực hiện, kế thừa đồ án do doanh nghiệp đề xuất trước đây.

"Đồ án quy hoạch chỉ dự kiến sơ bộ diện tích, sức chứa của nhà hát, còn cụ thể sẽ được chi tiết ở bước lập dự án nhà hát"- thông tin từ UBND quận Tây Hồ cho hay.

Công trình này được chủ trương thực hiện theo hình thức xã hội hóa, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Thành phố trong suốt quá trình thiết kế, thi công và vận hành công trình.

Hà Nội lấy ý kiến việc xây dựng nhà hát bên Hồ Tây - 2

Mô phỏng nhà hát trên hồ Đầm Trị.

Đồ án cũng dự kiến tổ chức không gian kiến trúc tại khu vực nhằm thiết lập trục không gian kết nối từ khu vực trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây - Hồ Tây - bán đảo Hồ Tây - Sông Hồng - thành Cổ Loa góp phần bảo tồn, tôn tạo và khai thác các giá trị đặc trưng về văn hóa, cảnh quan, mặt nước Hồ Tây, hồ Đầm Trị... các di tích đình, đền, chùa hiện có.

Đồ án còn có nội dung về kết nối không gian ngầm đô thị, bãi đỗ xe ngầm với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung theo quy hoạch của thành phố; cải thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông, bổ sung bãi đỗ xe, bảo vệ môi trường sinh thái mặt nước Hồ Tây và môi trường khu vực.

Quận Tây Hồ khẳng định, quy hoạch chi tiết này là phù hợp với quy định quản lý theo đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và phụ cận tỷ lệ 1/2000 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt và là một bước cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Với định hướng này, người dân tại các khu dân cư, đô thị xung quanh Hồ Tây không chỉ được thừa hưởng không gian sống trong lành, hạ tầng xã hội đồng bộ mà còn có thêm lợi thế về giao thông cùng khuôn viên xanh - sinh thái, các khu thương mại - dịch vụ - khách sạn phục vụ du lịch, bãi đỗ xe, không gian ngầm kết nối với hạ tầng kỹ thuật chung, các khu dân cư hiện hữu trong khu vực...

Dự kiến trung tuần tháng 7, UBND quận Tây Hồ sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với đồ án quy hoạch chi tiết này

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm