1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Nhà hát sát Hồ Tây sẽ là điểm nhấn nghệ thuật của Hà Nội"

Thế Kha Nguyễn Trường

(Dân trí) - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ kỳ vọng, việc xây dựng nhà hát sát Hồ Tây với diện tích khoảng 13.000m2, có phòng hát hơn 1.800 chỗ, sẽ là điểm nhấn tạo ra không gian nghệ thuật cho người dân.

Sáng 15/7, UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) tổ chức hội nghị lấy ý kiến người dân đối với đồ án Quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An, với khoảng 400-450 người được mời tham dự.

Ông Nguyễn Lê Hoàng - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ đã có những chia sẻ với báo chí về đồ án quy hoạch đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Nhà hát sát Hồ Tây sẽ là điểm nhấn nghệ thuật của Hà Nội - 1

Ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ (Ảnh: Nguyễn Trường).

Thưa ông, đồ án Quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm bán đảo Quảng An bắt đầu được thực hiện từ thời điểm nào? 

- Đồ án này bắt đầu được triển khai thực hiện vào năm 2016. Ở thời điểm đó, cơ quan chức năng bắt đầu điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2.000 các ô quy hoạch.

Đến tháng 8/2021, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 quy hoạch của phân khu đô thị Hồ Tây và các vùng phụ cận. Ngay sau đó, TP đã giao UBND quận Tây Hồ tổ chức lập quy hoạch chi tiết Khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An tỷ lệ 1/500.

Hiện quận Tây Hồ đang thực hiện tất cả nội dung theo văn bản chỉ đạo của TP Hà Nội. Quận sẽ phải hoàn thành đồ án này trước tháng 8-9/2022 rồi trình UBND TP Hà Nội.

Hiện mới là bước lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Về lộ trình, sau khi lấy ý kiến cộng đồng dân cư sáng 15/7, quận Tây Hồ sẽ cập nhật tất cả các ý kiến đóng góp, gửi chuyển lại cho đơn vị tư vấn hoàn chỉnh thêm. Trên cơ sở đó, quận sẽ báo cáo Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định lại đồ án.

Sau khi đủ điều kiện, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội sẽ báo cáo thành phố; nếu thành phố phê duyệt thì đây là cơ sở để thực hiện các khâu tiếp theo.

Nhà hát sát Hồ Tây sẽ là điểm nhấn nghệ thuật của Hà Nội - 2

Hình ảnh đồ án tại khu vực đường Quảng Khánh để phục vụ lấy ý kiến người dân (Ảnh: Hà Phong).

Ý nghĩa và tính cấp thiết phải lập đồ án quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm bán đảo Quảng An ra sao?

- Mục đích của lập đồ án quy hoạch này là một bước cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cụ thể hóa quy hoạch phân khu đô thị Hồ Tây và các phụ cận.

Đồng thời, việc này giúp cập nhật, khớp nối các dự án đã được UBND TP Hà Nội cho phép, ví dụ như các công viên cây xanh, bãi đỗ xe, công viên sinh thái…

Tiếp đó, việc lập đồ án giúp thực hiện phân khu chức năng hình thành các trục cây xanh, khu vui chơi giải trí, công viên văn hóa tâm linh, văn hóa nghệ thuật, trong đó xây dựng nhà hát có quy mô hiện đại, tiêu biểu cho Thủ đô Hà Nội.

Về diện tích, phạm vi nghiên cứu đồ án khoảng trên 44ha, có ảnh hưởng đến khoảng 3.500 người dân tại khu vực, chủ yếu thuộc địa bàn phường Quảng An và phường Tứ Liên.

Phạm vi ranh giới lập quy hoạch bao gồm: Phía Đông Bắc giáp đường Xuân Diệu. Phía Tây Bắc giáp các khu đất ven đường Đặng Thai Mai và giáp hồ Thủy Sứ. Phía Tây Nam giáp mặt nước Hồ Tây. Phía Đông Nam giáp các khu đất ven trục không gian Đặng Thai Mai, khu biệt thự Tây Hồ.

Sau buổi lấy ý kiến cộng đồng dân cư tại quận Tây Hồ sáng nay, chính quyền sở tại sẽ tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư tại trụ sở UBND phường Quảng An vào tuần sau và sẽ tiếp tục lấy ý kiến đối với người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đồ án quy hoạch này.

Tại hội nghị sáng 15/7, các cá nhân, tổ chức, người dân bị ảnh hưởng bởi đồ án quy hoạch đã bày tỏ ý kiến như thế nào, thưa ông?

- UBND quận Tây Hồ đã phát khoảng 400-450 giấy mời tham dự buổi lấy ý kiến. Về cơ bản, tất cả các ý kiến đưa ra tại hội nghị đều bày tỏ sự đồng thuận với đồ án quy hoạch chi tiết đã được lập. Có một số ý kiến đóng góp rất tâm huyết đối với đồ án.

Quận Tây Hồ sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến giao lại đơn vị tư vấn hoàn chỉnh, bổ sung lại cho phù hợp với tình hình thực tế.

Nhà hát sát Hồ Tây sẽ là điểm nhấn nghệ thuật của Hà Nội - 3

Hình ảnh mô phỏng nhà hát trên hồ Đầm Trị (Ảnh: CTV).

Thưa ông, hiện người dân vẫn còn băn khoăn về diện tích mặt nước tự nhiên, cây xanh thì quy hoạch như thế nào để vừa bảo tồn vừa phát huy giá trị? Các công trình được cấp phép tại đây đã được tính toán, cho phép ra sao?

- Đồ án quy hoạch đã được tính toán gồm các khu vực cây xanh, khu vui chơi, xây dựng công trình văn hóa lớn… Tất cả các công trình khi được thực hiện sẽ không ảnh hưởng đến diện tích mặt nước đã có ở Hồ Tây. Tuyệt đối đảm bảo cảnh quan môi trường.

Đối với diện tích các công trình trong đồ án này đều đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt và cấp phép theo quy định. Đồ án quy hoạch đã tính toán việc mở rộng một số tuyến đường, xây dựng thêm hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, bãi đỗ xe… để đáp ứng nhu cầu đi lại trong khu vực.

Đối với nhà hát dự kiến có quy mô xây dựng khoảng 13.000m2, có phòng hát khoảng hơn 1.800 chỗ ngồi. Ngoài ra còn có thêm một số các phòng đa năng quy mô trên dưới 1.500 chỗ ngồi phục vụ mục đích tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật quy mô lớn; đảm bảo yêu cầu khi xây dựng nhà hát tại khu vực này là điểm nhấn tạo ra một cái không gian nghệ thuật cho người dân Thủ đô Hà Nội nói chung và người dân quận Tây Hồ nói riêng.