1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nhà báo truy gay gắt vấn nạn phá rừng ở Nghệ An

(Dân trí) - Cuộc họp báo tổng kết tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An trở nên “sôi sục” khi các nhà báo truy gay gắt vấn nạn phá rừng diễn ra liên tiếp trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Vấn đề trách nhiệm được đặt ra nhưng vẫn không có câu trả lời thỏa đáng.

Rừng phòng hộ đầu nguồn Nghệ An bị tàn phá nặng nề

Biên phòng tiếp tay cho lâm tặc?

Chiều ngày 4/10, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức họp báo tổng kết tình hình kinh tế - xã hội quý 3 và triển khai nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2017. Cuộc họp báo trở nên “nóng” lên khi các phóng viên, nhà báo của các cơ quan báo chí đề cập đến những vụ phá rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ... liên tiếp xảy ra trên địa bàn từ đầu năm đến nay.

Mở đầu cho cuộc chất vấn về nạn phá rừng, nhà báo Vũ Toàn - Phóng viên Báo Công Luận - thẳng thắn nói: “Hầu hết những vụ phá rừng nghiêm trọng thời gian gần đây trên địa bàn Nghệ An đều có cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng dính vào. Nhiều chứng cứ cho thấy gỗ lậu được hợp pháp hóa thông qua các Đồn biên phòng để đưa về xuôi. Vai trò bảo vệ rừng ở khu vực biên giới không chỉ của lực lượng Kiểm lâm mà các Đồn Biên phòng cũng phải có trách nhiệm. Vậy đề nghị UBND tỉnh Nghệ An có một cuộc làm việc với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để làm rõ vấn đề này”.


Thượng tá Hoàng Nghĩa Quân - Chánh Văn phòng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cho rằng “Các nhà báo nói Bộ đội Biên phòng tiếp tay, bảo kê cho lâm tặc là quy chụp, không có căn cứ.

Thượng tá Hoàng Nghĩa Quân - Chánh Văn phòng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cho rằng “Các nhà báo nói Bộ đội Biên phòng tiếp tay, bảo kê cho lâm tặc là quy chụp, không có căn cứ".

Cùng quan điểm, nhà báo Võ Thanh Mai - Trưởng văn phòng đại diện Báo Nông nghiệp Bắc Trung bộ đóng tại Nghệ An cho biết: “Nhiều lần phóng viên chúng tôi vào khu vực biên giới để thực hiện phóng sự điều tra về nạn phá rừng nhưng đều bị lực lượng bộ đội Biên phòng ngăn chặn không cho tiếp cận hiện trường, mặc dù phóng viên xuất trình thẻ nhà báo và xin phép được vào khu vực biên giới để làm nhiệm vụ. Qua tiếp xúc với nhiều đối tượng, phóng viên được cung cấp những thông tin cho biết, nếu không có sự “bảo kê” của các Đồn Biên phòng thì các xe chở gỗ lậu không thể ra được khỏi khu vực biên giới”.

"Vì sao nhà báo vào khu vực biên giới điều tra về nạn phá rừng thì lực lượng biên phòng kiểm tra chặt chẽ như thế, còn lâm tặc thì ra vào ngang nhiên, các xe chở gỗ lậu cứ thoải mái đi qua các trạm kiểm soát của Đồn Biên phòng mà không gặp khó khăn gì?" - nhà báo Võ Thanh Mai nêu câu hỏi.

Với vai trò điều hành buổi họp báo, ông Lê Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - đề nghị đại diện Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An đứng lên trả lời các câu hỏi chất vấn. Thượng tá Hoàng Nghĩa Quân - Chánh Văn phòng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An - cho rằng: “Các nhà báo nói Bộ đội Biên phòng tiếp tay, bảo kê cho lâm tặc là quy chụp, không có căn cứ.

Chức năng và nhiệm vụ của các Đồn Biên phòng là quản lý toàn bộ các công dân của đất nước ra vào khu vực biên giới, trong đó có cả các nhà báo. Bởi vậy khi phóng viên muốn vào khu vực biên giới tác nghiệp thì phải có giấy giới thiệu và được sự đồng ý của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh.

Chúng tôi không bao che cho các vụ phá rừng, chúng tôi có trách nhiệm giám sát và bảo vệ tài nguyên vùng biên giới. Trách nhiệm bảo vệ rừng không phải chỉ có lực lượng biên phòng chúng tôi mà còn có lực lượng kiểm lâm và các cơ quan chức năng liên quan khác”.


Ông Nguyễn Tiến Lâm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời báo chí tại Hội nghị giao ban báo chí ngày 4/10/2017.

Ông Nguyễn Tiến Lâm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời báo chí tại Hội nghị giao ban báo chí ngày 4/10/2017.

Câu trả lời của đại diện Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An được đánh giá là chưa thuyết phục, chưa trả lời đúng trọng tâm vấn đề và thiếu tinh thần trách nhiệm.

Theo nhà báo Vũ Toàn, ông Hoàng Nghĩa Quân làm chánh văn phòng nên không có điều kiện đi sâu sát thực tế, không nắm rõ các vấn đề ở các đơn vị là những Đồn Biên phòng ở khu vực biên giới như ở Kỳ Sơn, Con Cuông, Quế Phong, Tương Dương…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng không hài lòng với câu trả lời của Thượng tá Hoàng Nghĩa Quân. Ông Lê Minh Thông đề nghị các cơ quan chức năng trung ương vào cuộc, làm rõ vai trò và trách nhiệm của lực lượng Biên phòng Nghệ An trong các vụ phá rừng. Lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An cũng cho biết, tỉnh sẽ sắp xếp một cuộc làm việc riêng với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh về vấn đề này.

Ông Nguyễn Tiến Lâm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (tạm thời phụ trách Chi cục Kiểm lâm do đang khuyết Chi cục trưởng) thừa nhận: "Vai trò của các phóng viên, nhà báo trong việc phản ánh các vụ phá rừng rất quan trọng, họ đã phản ánh kịp thời, đưa thông tin chính xác các vụ phá rừng trên địa bàn... Từ đầu năm đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ phá rừng nghiêm trọng".

Ông Lâm cũng than, công tác bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn. Từ năm 2016 đến nay, lực lượng bảo vệ rừng ở Nghệ An chưa nhận được một đồng nào để bảo vệ rừng. Vừa rồi đã đề nghị tỉnh hỗ trợ nhưng vô cùng khó khăn…

Nhiều vụ phá rừng ở Nghệ An xảy ra đang được cơ quan điều tra làm rõ.
Nhiều vụ phá rừng ở Nghệ An xảy ra đang được cơ quan điều tra làm rõ.

Hơn 580 vụ vi phạm lâm luật

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An, trong 9 tháng của năm 2017, lực lượng kiểm lâm cả tỉnh đã bắt giữ, xử lý 581 vụ vi phạm lâm luật, đã xử lý hành chính trên 570 vụ với số tiền phạt gần 4,4 tỷ đồng. Số lâm sản tịch thu là gần 1.100 m3 gỗ tròn, xẻ các loại.

Công an đã khởi tố hình sự 5 vụ ở các huyện Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn, Anh Sơn và Quỳ Hợp.


Trong 9 tháng của năm 2017, lực lượng kiểm lâm cả tỉnh đã bắt giữ, xử lý 581 vụ vi phạm lâm luật.

Trong 9 tháng của năm 2017, lực lượng kiểm lâm cả tỉnh đã bắt giữ, xử lý 581 vụ vi phạm lâm luật.

Dư luận cho rằng, những vụ phá rừng, hủy hoại rừng quy mô lớn ở Nghệ An ngoài ý thức của người dân thì trách nhiệm lớn nhất là do sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm, rừng phòng hộ, chủ rừng cũng như chính quyền địa phương.

Mặt khác, trong khi rừng bị tàn phá nghiêm trọng thì những người đứng đầu ngành kiểm lâm lại được tự do “chuyển công tác” khiến dư luận càng thêm bất bình.

Nguyễn Duy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm