1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

“Nhà báo tác nghiệp cũng là đang thi hành công vụ”

(Dân trí) - Ngày 26/11, cho ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Báo chí sửa đổi, đại biểu Nguyễn Hữu Thuận - Tổng Biên tập báo Nhân Dân cho rằng, việc giải thích “nhà báo đang tác nghiệp không phải thi hành công vụ” là chưa thỏa đáng.

Nhiều trường hợp bị cản trở tác nghiệp

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) cho rằng, quy định về việc bảo hộ, bảo vệ cho nhà báo khi tác nghiệp là rất cần thiết. Vì người làm báo luôn đối mặt với nhiều hiểm nguy, sự đe dọa, thậm chí là hành hung của những đối tượng xấu nhằm bẻ gục ý chí quyết tâm của nhà báo khi phanh phui cái xấu, bảo vệ quyền lợi chính đáng của tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy quy định như dự thảo còn chưa đủ, chưa bao quát hết các tình huống mà nhà báo cần được bảo vệ một cách hữu hiệu hơn.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn cho rằng, quy định về việc bảo hộ, bảo vệ cho nhà báo khi tác nghiệp là rất cần thiết
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn cho rằng, quy định về việc bảo hộ, bảo vệ cho nhà báo khi tác nghiệp là rất cần thiết

“Rất nhiều nhà báo là những người hết sức dũng cảm khi đối mặt với những khó khăn, gian khổ, thậm chí là sự đe dọa đến tính mạng, sức khỏe để có những tác phẩm đầy sức chiến đấu. Nhưng cũng có không ít nhà báo không đứng vững trước những cám dỗ của đời thường, sự cám dỗ dễ  mua chuộc bằng vật chất, bằng tinh thần, bằng những lợi ích của những ý đồ, thế lực không tốt”, đại biểu Sơn nói.

Do vậy, đại biểu Nguyễn Anh Sơn đề nghị trong luật này cần quy định thêm một cách cụ thể những điều cấm, như những hành vi mua chuộc, lợi dụng nhà báo, báo chí nói chung và nhà báo nói riêng để phục vụ những nhóm lợi ích không chính đáng trong xã hội, làm tổn hại đến lợi ích chung và sự phát triển chung của xã hội.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, để thực hiện quyền tự do báo chí cần có cơ chế để đảm bảo quyền tác nghiệp của nhà báo. Trong thời gian qua, đại biểu nhận thấy, nhiều trường hợp cản trở tác nghiệp báo chí, thu giữ phương tiện làm việc của các phóng viên, nhà báo, thậm chí có người còn bị hành hung.

Đại biểu Hà Minh Huệ (đoàn Bình Thuận) nhấn mạnh nét đặc thù của báo chí cách mạng Việt Nam cần được lưu ý khi xây dựng luật này. Theo đại biểu báo chí Việt Nam không chỉ là phương tiện truyền thông thiết yếu mà còn là công cụ tuyên truyền quan trọng của Đảng và Nhà nước. “Theo ý nghĩa đó, tác nghiệp báo chí cũng như thi hành công vụ, điều này trong dự thảo luật đã nói không công nhận”, đại biểu Hà Minh Huệ chỉ rõ.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Hữu Thuận - Tổng Biên tập báo Nhân Dân cũng cho rằng, việc giải thích “nhà báo đang tác nghiệp không phải thi hành công vụ” là chưa thỏa đáng.

Đảm bảo quyền tiếp cận thông tin

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần thực hiện nghiêm túc quy chế phát ngôn nhằm cung cấp thông tin một cách đầy đủ để các cơ quan báo chí có thể thông tin kịp thời tình hình đất nước đến công chúng, không để lại những khoảng trống thông tin cho những suy nghĩ, những đồn đoán đến từ những nguồn thông tin không chính thống.

Thực tế đại biểu Trang nhận thấy, thời gian qua, dù đã có quy chế phát ngôn nhưng báo chí vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin về các cơ quan, tổ chức. Một số địa phương, đơn vị, cá nhân chưa thực hiện đầy đủ các quy định luật pháp về báo chí, né tránh hoặc tìm cách không cung cấp thông tin cho báo chí.

“Tôi đề nghị luật hóa quy chế phát ngôn, bổ sung thêm một khoản vào Điều 14 quy định: Các cơ quan, tổ chức thực hiện nghiêm túc quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí”, đại biểu Trang nói.

Theo đại biểu Trang, Luật Báo chí phải quy định cụ thể về quyền,  nghĩa vụ của nhà báo và cơ quan báo chí trong việc tiếp cận thông tin. Ngoài ra, không nên gộp chung quy định tiếp cận thông tin của chủ thể nhà báo và công dân vào một khoản, vì cách thức, quy trình, thủ tục và điều kiện cũng khác nhau.

“Công dân tiếp cận thông tin cho nhiều mục đích, trong đó có mục đích phục vụ hoạt động báo chí sẽ tuân theo Luật tiếp cận thông tin. Còn về các cơ quan báo chí, nhà báo tiếp cận thông tin phục vụ cho hoạt động báo chí phải được quy định trong Luật báo chí. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể về việc tiếp cận thông tin theo yêu cầu của cơ quan báo chí phục vụ hoạt động báo chí”, đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh đề xuất.

Đại biểu Cù Thị Hậu (đoàn Hưng Yên) đề nghị không nên ghi tuổi tiêu chuẩn của Tổng Biên tập, Phó Tổng biên tập vào trong dự thảo luật này mà do cơ quan chủ quản sẽ xem xét và có quy chế riêng. “Chúng ta còn rất nhiều các đồng chí đã hơn 70 tuổi, thậm chí có đồng chí 80 tuổi mà vẫn làm tổng biên tập”, đại biểu đoàn Hưng Yên nói.

Đại biểu Cù Thị Hậu cho rằng, trong luật nên mở một chút để các hội sử dụng những cán bộ đã hoàn thành nhiệm vụ ở cơ quan báo chí của nhà nước về làm việc.

Quang Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm