1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nhà báo cần nâng cao trách nhiệm khi tham gia thông tin trên mạng xã hội

(Dân trí) - Ông Trịnh Quốc Dũng, Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy tại Diễn đàn "Đạo đức người làm báo trong kỷ nguyên số", đây là một trong những sự kiện tại Hội báo Toàn quốc 2017, diễn ra vào chiều 17/3.

Quang cảnh diễn đàn...
Quang cảnh diễn đàn...

Tại Hội báo Toàn quốc năm nay, Diễn đàn "Đạo đức người làm báo trong kỷ nguyên số" là một điểm nhấn quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn cao, thu hút sự quan tâm của các cơ quan báo chí, người làm báo và công chúng báo chí.

Ông Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Trong khuôn khổ của Hội báo Toàn quốc 2017, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Đạo đức người làm báo trong kỷ nguyên số” có ý thu hẹp phạm vi trong hoạt động báo chí chuyên nghiệp, cũng là mạch chảy của việc thực hiện 10 Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam hiện nay.

Một năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam, báo giới Việt Nam đã tích cực hưởng ứng đợt sinh hoạt chính trị hướng vào xây dựng Quy định đạo đức nghề nghiệp. Một số cơ quan báo chí đã mở chuyên mục, là diễn đàn để chúng ta tham gia góp ý kiến. Chúng tôi thấy đã đến lúc chuyên mục và diễn đàn này cần mở rộng đối tượng quán triệt, có như thế cùng với luật pháp, không vi phạm đạo đức của người tham gia truyền thông ở thời đại số hóa mới hiệu quả.

Ông Mai Đức Lộc (bìa phải) phát biểu tại diễn đàn.
Ông Mai Đức Lộc (bìa phải) phát biểu tại diễn đàn.

Phát biểu tham luận tại diễn đàn trên, ông Trịnh Quốc Dũng, Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: Với sự xuất hiện của truyền thông xã hội, mỗi cá nhân tham gia có thể đóng vai trò của người cung cấp thông tin cho công chúng hay nói cách khác, việc cung cấp thông tin đã không còn là việc làm đặc thù của nhà báo trên môi trường này. Tuy nhiên, nhà báo khi tham gia thông tin trên truyền thông xã hội, cùng với những kỹ năng nghề mà họ được trang bị, rèn luyện, trau dồi qua quá trình hoạt động báo chí sẽ khẳng định vai trò của mình qua sự chuyên nghiệp trong việc thông tin một cách chính xác, khách quan và có trách nhiệm.

Theo ông Trịnh Quốc Dũng, sự chuyên nghiệp trong thông tin và trách nhiệm của nhà báo là hai yếu tố quyết định sự khác biệt của nhà báo trong quá trình tham gia thông tin trên truyền thông xã hội. Hai yếu tố này có mối quan hệ biện chứng không tách rời nhau.

Người bình thường khi tham gia thông tin trên truyền thông xã hội không yêu cầu sự chuyên nghiệp khi đưa thông tin như nhà báo (kiểm chứng, xác minh, đánh giá hệ quả…) nhưng vẫn chịu sự điều chỉnh của luật pháp. Trái lại, một nhà báo chuyên nghiệp với đầy đủ kỹ năng, nghiệp vụ báo chí được đào tạo và luôn trau dồi nâng cao nghiệp vụ trong quá trình hoạt động báo chí cần đề cao trách nhiệm khi tham gia thông tin trên truyền thông xã hội.

Mạng xã hội có thay thế được báo chí?

Tại diễn đàn trên, Nhà báo Minh Nam đến từ Tạp chí Người làm báo (Hội Nhà báo Việt Nam) - chia sẻ: Không phủ nhận mạng xã hội (MXH) có nguồn thông tin rộng khắp, có mạng lưới cộng tác viên lên đến hàng tỷ người, do đó MXH là công cụ để báo chí khai thác thông tin, liên lạc nguồn tin nhanh nhất. Việc nhà báo khai thác, nắm bắt thông tin từ MXH hoàn toàn không phải là việc xấu, thậm chí là cần thiết và MXH thực sự sẽ là nơi mỗi người cầm bút có thể thu thập, phát hiện những vấn đề, phát hiện nhu cầu thông tin của công chúng một cách nhanh nhất. Chính từ thông tin trên mạng, nhiều nhà báo đã phát hiện ra những đề tài nóng được dư luận quan tâm chú ý, từ đó nhà báo khai thác, chọn lọc và triển khai đề tài thích hợp, đáp ứng nhu cầu độc giả.

Tuy nhiên, Nhà báo Minh Nam đã bày tỏ lo ngại, trên thực tế những thông tin không đúng sự thật, có động cơ, mục đích xấu trên MXH trong những năm vừa qua đã và đang để lại những hậu quả khôn lường. Hậu quả tiêu cực từ việc khai thác thông tin bừa bãi, thiếu kiểm soát từ MXH đang trở thành nỗi quan ngại lớn của làng báo Việt Nam. Áp lực cạnh tranh thông tin, sự dễ dãi về nghiệp vụ, thậm chí cố tình phớt lờ những nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp để câu khách, đã dẫn đến tình trạng lạm dụng MXH, đăng tải nhiều thông tin chưa được kiểm chứng.

Nguy hiểm hơn, đã xuất hiện xu hướng làm báo hành xử như một cá nhân trên mạng xã hội, thay vì thực hiện chức năng của báo chí là phát hiện, xử lý thông tin, thông tin khách quan, định hướng dư luận… Những bài báo kiểu này có thể thu hút sự tò mò, hiếu kỳ của một số độc giả nào đó, song rõ ràng sẽ làm dài thêm danh sách những sản phẩm báo chí kém chất lượng, làm giảm sút lòng tin của bạn đọc, tự đánh mất vai trò định hướng dư luận của báo chí trước công luận.

"Trong cuộc chạy đua thông tin gay gắt giữa báo chí và MXH, báo chí muốn tồn tại và phát huy hiệu quả không còn con đường nào khác là phải xây dựng được niềm tin với công chúng. Bởi vì, dẫu thế nào thì công chúng vẫn luôn cần tới những tác phẩm báo chí có chất lượng, chứ không phải những bài báo chỉ để thỏa mãn sự tò mò, thói hiếu kỳ kiểu giật gân, câu khách. Nếu chúng ta nỗ lực hơn đem lại thông tin hữu ích nhiều chiều thì không lo ngại quyền năng báo chí bị lấn lướt. Công chúng chắc chắn không quay lưng với những thông tin chuẩn xác mà báo chí đem lại" - Nhà báo Minh Nam chia sẻ.

Nguyễn Dương