1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Lắk bị đề nghị kỷ luật

(Dân trí) - Nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Lắk vừa bị đề nghị xem xét kỷ luật vì để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng gây bức xúc dư luận.

Ngày 12/6, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Đắk Lắk vừa có thông cáo báo chí về kỳ họp 63 và đưa ra kết luận về những sai phạm của một số cán bộ, đảng viên. Ông Trần Đình Sơn - nguyên Viện trưởng Viện KSND tỉnh Đắk Lắk (hiện đã nghỉ hưu) là một trong số những người bị đề nghị kỷ luật.

Nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Lắk bị đề nghị kỷ luật - 1
VKSND tỉnh Đắk Lắk nơi ông Sơn từng giữ chức Viện trưởng

Theo UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk, trong thời gian từ tháng 6/2010 đến tháng 2/2018, quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, ông Trần Đình Sơn đã có sai phạm, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, thực hiện không nghiêm Quy chế dân chủ cơ sở tại cơ quan, để xảy ra nhiều sai phạm trong công tác cán bộ; công tác chuyên môn của ngành; xây dựng cơ bản….

UBKT khẳng định, sai phạm của ông Trần Đình Sơn là nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín của Ban cán sự đảng VKS tỉnh, ngành kiểm sát tỉnh.

Trước đó, vào tháng 9/2018, VKSND Tối cao thanh tra đột xuất tại Viện KSND tỉnh Đắk Lắk và có kết luận nêu rõ một số vi phạm của ông Trần Đình Sơn và 3 Viện phó VKS là ông Lê Quang Tiến, Nguyễn Hồng Kỳ, Trần Quốc Nhơn có các dấu hiệu tiêu cực .

Theo đó, ông Sơn ngoài việc là người đứng đầu còn có sai phạm trực tiếp trong trong sử dụng kinh phí bảo trì, đầu tư xây dựng cơ bản, để xảy ra thất thoát tài sản Nhà nước hơn 1,5 tỷ đồng. Ông Sơn cũng có trách nhiệm trong việc điều động một số lãnh đạo cấp phòng, ban chưa đúng quy định; chỉ đạo xử lý một số vụ án gây bức xúc dư luận.

Riêng ông Lê Quang Tiến ngoài việc liên đới chịu trách nhiệm tập thể về những thiếu sót, vi phạm của VKSND tỉnh còn chịu trách nhiệm cá nhân vì để xảy ra việc Tòa tuyên hủy án để điều tra, xét xử lại đối với một số vụ án ông Tiến chỉ đạo còn mang tính chủ quan, không đưa ra bàn bạc tập thể lãnh đạo; thiếu quyết liệt trong việc chỉ đạo giải quyết một số vụ án, để kéo dài thời gian.

Đối với ông Trần Quốc Nhơn, Nguyễn Hồng Kỳ đã để xảy ra sai sót, vi phạm ở đơn vị được phân cấp phụ trách; chịu trách nhiệm cá nhân về việc xảy ra tòa tuyên hủy án điều tra, xem xét lại đối với một số vụ án cố ý gây thương tích, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Qua đó, VKSND Tối cao yêu cầu kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với cả 3 Phó viện trưởng này.

Thúy Diễm