Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Lương thấp dễ dẫn tới quan liêu, tham nhũng
(Dân trí) - “Các giá trị xã hội của người công chức bị giảm sút, làm cho hiệu lực thực thi công vụ thấp, dễ bị tổn thương và là mảnh đất để tình trạng quan liêu, tham nhũng có cơ hội phát triển, trở thành vấn nạn của quá trình phát triển đất nước. Vì vậy, cần phải sớm cải cách cơ bản chính sách tiền lương hiện nay”, ông Thang Văn Phúc – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói.
Sáng ngày 12/10, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội thảo khoa học “Bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương”. Hội thảo với mục đích lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Đánh giá các kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân hạn chế của cải cách tiền lương từ năm 2004 đến nay…
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, cải cách chính sách tiền lương là một trong những chương trình trọng tâm cải cách hành chính. Dù được quan tâm, giải quyết nhưng chính sách tiền lương là câu chuyện rất khó, liên quan tới rất nhiều cải cách hành chính, công vụ, công chức.
Theo ông Tuấn, chính sách tiền lương, chế độ tiền lương đã trải qua 4 cải cách. Và qua mỗi lần như vậy, chế độ tiền lương được cải thiện, đổi mới lên một bước nhưng đều gắn liền với cơ chế quản lý đội ngũ cán bộ công chức.
Tham luận tại Hội thảo, ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá, tiền lương công chức hiện nay không phản ánh đúng giá trị sức lao động. Ông Phúc cho rằng, đó là một loại “lao động đặc biệt - lao động quyền lực”.
Do đó, các giá trị xã hội của người công chức bị giảm sút, làm cho hiệu lực thực thi công vụ thấp, dễ bị tổn thương và là mảnh đất để tình trạng quan liêu, tham nhũng có cơ hội phát triển, đã trở thành vấn nạn của quá trình phát triển đất nước. Vì vậy, cần phải sớm cải cách cơ bản chính sách tiền lương hiện nay.
Một vấn đề được nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc đưa ra tại hội thảo để dẫn chứng cho vấn đề tiền lương công chức không phản ánh đúng giá trị sức lao động đó là lương của Thứ trưởng về hưu hiện nay không bằng lương của một ông Trung tá.
Bài tham luận của PGS. TS Trần Đình Thảo - Trưởng khoa Tổ chức và quản lý nhân lực (Đại học Nội vụ Hà Nội) nhìn nhận việc tăng lương tối thiểu không dựa vào năng suất, cùng việc ràng buộc lương tối thiểu với hệ thống an sinh tạo nên sức ép lên cả doanh nghiệp và ngân sách Nhà nước, đồng thời thu nhập của người lao động không thực sự được cải thiện.
Cụ thể, cách xác định mức lương tối thiểu chung bị phụ thuộc ngân sách Nhà nước, chưa gắn với nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Hệ số trung bình quá thấp nên chưa cải thiện được đời sống, chưa khuyến khích được cán bộ, công chức và người lao động có hệ số lương thấp.
Chính những vấn đề trên dẫn đến hệ quả tiêu cực là người hưởng lương không sống được bằng lương, thu nhập ngoài tiền lương ở nhiều ngành, nghề, vị trí công tác, chức vụ ngày một cao, phức tạp, vượt khỏi tầm kiểm soát của Nhà nước.
Vì vậy, theo PGS. TS Trần Đình Thảo, tiền lương thấp cũng là lý do dẫn đến hiện tượng “chảy máu chất xám” từ khu vực Nhà nước sang khu vực ngoài quốc doanh, đồng thời là nguyên nhân khó thu hút nhân tài và gây nên các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, tạo lực cản trong cải cách hành chính ở nước ta.
Quang Phong