Nguyên lãnh đạo PJICO đã nộp lại hơn 1 tỷ đồng
Theo nguồn tin từ Tổng cục cảnh sát, ngay trước thời điểm bị bắt, Tổng giám đốc PJICO Trần Nghĩa Vinh và Phó tổng Hồ Mạnh Quân đã tự nguyện nộp lại hơn 1 tỷ đồng số tiền hối lộ nhận của công ty Việt Thái Phong.
Chiều 16/5, Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, đã có cuộc trao đổi nhanh về vấn đề này.
Thưa ông, việc nộp lại tiền của 2 người này sẽ tác động như thế nào đối với cơ quan tố tụng?
Hiện nay vụ án mới đang trong giai đoạn điều tra, chắc chắn 2 đối tượng này sẽ bị khởi tố với tội danh nhận hối lộ. Việc khởi tố chỉ là vấn đề thủ tục.Việc nộp lại phần lớn số tiền nhận hối lộ sẽ là cơ sở để xem xét trong quá trình lượng hình khi vụ việc được đưa ra xét xử. Theo tôi được biết, bước đầu 2 người này đã có thái độ thành khẩn, hợp tác với cơ quan điều tra.
Thực tế số tiền 3,8 tỷ đồng này đã được PJICO hoàn trả như thế nào thưa ông?
Việc bồi thường đối với lô hàng này đã được kiểm định tới 2 năm, cho đến thời điểm trước khi 2 ông Vinh và Quân bị bắt thì PJICO đã trả xong toàn bộ số tiền 3,8 tỷ này. Toàn bộ số tiền này PJICO thực hiện chi trả chứ không phải tái bảo hiểm qua công ty khác.
Vậy hành vi đưa hối lộ 1,9 tỷ đồng của bà Phạm Hồng Thu sẽ được xem xét ra sao?
Cơ quan điều tra đang xem xét động cơ của bà Thu, có khả năng sẽ phải truy cứu vì hành vi đưa hối lộ.
Theo quy định hồ sơ bảo hiểm, cá nhân lãnh đạo công ty PJICO sẽ không thể tự thực hiện việc bồi thường. Vậy những người liên quan đến hồ sơ việc bồi thường này sẽ xử lý như thế nào?
Đúng là hồ sơ bảo hiểm bao giờ cũng phải làm từ cấp dưới cho tới cấp trên. Nhưng vấn đề là trong vụ việc này, cấp trên giữ vai trò quyết định. Theo tôi được biết, tất cả hồ sơ hạch toán đều chuyển về trung tâm tại Hà Nội, còn các chi nhánh chỉ tham mưu và đề xuất.
Chúng tôi đang xem xét, ngoài ông Vinh và ông Quân, những ai biết vụ việc này, tham gia làm hồ sơ và chủ động nhận số tiền hối lộ sẽ bị xử lý. Còn nếu họ hoàn toàn thụ động chỉ làm theo chỉ đạo cấp trên thì sẽ được cân nhắc kỹ trước khi quyết định.
Qua vụ việc này, nhiều người lo ngại về khả năng cấu kết ăn chia giữa khách hàng và người của công ty bảo hiểm để lập hồ sơ khống nhận tiền bồi thường. Ông nghĩ sao về điều này?
Thực ra, hành vi gian dối trong quá trình làm hồ sơ bảo hiểm không phải là mới, mà thường xuyên xảy ra, vì liên quan đến quyền lợi của cả 2 bên: Khách hàng và người làm thủ tục bồi thường. Thực tế cho thấy, với cơ chế bảo hiểm thì trong một số trường hợp cũng dễ xảy ra chuyện ăn chia khi nhận tiền.
Vụ án ở PJICO là vụ nhận hối lộ nghiêm trọng đầu tiên bị phát hiện và xử lý hình sự trong lĩnh vực bảo hiểm.
Theo Phạm Hiếu - Song Linh
VnExpress