Nguy cơ "vỡ" mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam

Quang Phong Như Quỳnh

(Dân trí) - Theo đại biểu Trần Thị Vân, năm 2022 ngành du lịch đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, đến hết tháng 4 mới chỉ đón được khoảng 100.000 khách, khả năng rất khó đạt được mục tiêu.

Trong hai ngày 1-2/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội. Trong phiên thảo luận, đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) bày tỏ sự quan tâm về các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 là hàng không và du lịch.  

4 tháng chỉ đón được 100.000 khách quốc tế

Đại biểu Trần Thị Vân cho biết, năm 2015 du lịch đóng góp 6,3% GDP, năm 2016 là 6,9%. Năm 2017 tỷ lệ đóng góp của du lịch vào GDP là 7,9%, đến năm 2018 tăng lên 8,3%.

Đặc biệt, năm 2019 - trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, GDP ghi nhận mức đóng góp cao nhất từ trước đến nay của ngành du lịch với tỷ lệ 9,2%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam là 18 triệu người, trong đó khách du lịch chiếm 80% lượng khách quốc tế đi/đến Việt Nam bằng con đường hàng không. 

"Ngành du lịch và hàng không có thể nói là hai ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19. Mọi hoạt động của hai ngành này gần như đóng băng từ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực đến các chuỗi cung ứng các dịch vụ. Sau thời gian tạm dừng do Covid-19 có tới 2,5 triệu lao động, trong đó là 800.000 lao động trực tiếp của hai ngành bị mất việc làm" - bà Vân cho hay.

Nguy cơ vỡ mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam - 1

Đại biểu Trần Thị Vân (Ảnh: Quochoi.vn).

Năm 2022, ngành du lịch Việt Nam sẽ đón 5 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, nữ đại biểu đoàn Bắc Ninh dẫn con số đến hết tháng 4/2022 Việt Nam mới chỉ đón được khoảng 100.000 khách.

"Con số này so với con số 5 triệu khách là rất khiêm tốn, ngành du lịch khả năng khó đạt được mục tiêu đề ra" - bà Vân nhận định.

Vì sao khách quốc tế "ngại" đến Việt Nam?

Để ngành du lịch gắn với ngành hàng không có thể tận dụng được cơ hội vàng, có thể phục hồi cũng như bứt phá sau đại dịch, đóng góp nhiều hơn vào GDP của năm 2022 cũng như đạt được mục tiêu ngành du lịch đặt ra là 5 triệu khách, bà Vân cho rằng phải có giải pháp miễn thị thực. 

Theo bà Vân, xu hướng hiện nay của khách du lịch là chọn những điểm đến có độ mở cao về visa, quốc gia nào đáp ứng được vấn đề này sẽ có cơ hội thu hút khách quốc tế nhiều nhất. Hiện tại Việt Nam mới miễn thị thực cho 13 nước ngoài khu vực ASEAN, trong khi Thái Lan đang miễn cho 65 nước và miễn tới 60 ngày cho nhiều lần nhập cảnh. Indonesia miễn tới 30 ngày và nếu gần thời hạn hết hạn mà có nhu cầu thì họ vẫn sẽ gia hạn. 

"Xin nêu một khảo sát nhỏ ở một công ty lữ hành ở Bắc Ninh mà chúng tôi vừa thực hiện. Người nước ngoài muốn đến Việt Nam khi xin thị thực điện tử Evisa bắt buộc phải mua chương trình tour thông qua các công ty du lịch trong danh sách được chỉ định. Khi công ty phát hành giấy bảo lãnh thì du khách mới được xin visa. Nhiều khi khách phải chờ visa điện tử rất lâu nhưng chưa chắc đã nhận được nên phải hủy vé. Với những bất cập như thế, du khách sẽ không chọn đến Việt Nam" - bà Vân nêu dẫn chứng. 

Nguy cơ vỡ mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam - 2

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn rất hạn chế (Ảnh: VNA).

Đại biểu đoàn Bắc Ninh đề nghị cần tăng cường mở rộng chính sách của chúng ta thông qua chính sách miễn thị thực. Nâng thời hạn miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày. Áp dụng thị thực xuất, nhập cảnh nhiều lần cũng như giảm các giấy tờ, thủ tục với doanh nghiệp lữ hành và du khách, đơn giản hóa trong việc cấp thị thực điện tử Evisa và thị thực tại các cửa khẩu.

Cùng đó, bà Vân cho rằng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần xây dựng chương trình quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài một cách bài bản và chuyên nghiệp, có chất lượng bằng việc áp dụng công nghệ cũng như tăng cường truyền thông hình ảnh quốc gia, giúp cho khách quốc tế dễ dàng tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam. 

"Ở bất kỳ đâu trên thế giới chỉ cần gõ bàn phím là có địa điểm danh lam thắng cảnh Việt Nam, liên hệ với công ty nào, thủ tục ra sao một cách thuận lợi nhất" - bà Vân gợi ý.

Coi du lịch nội địa là bệ đỡ cho du lịch quốc tế

Tiếp thu giải trình tại Quốc hội, ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch - cho biết, trước đại dịch Covid-19, ngành du lịch đã có những đóng góp tích cực vào nền kinh tế. Khi đại dịch tác động, ngành du lịch chịu nhiều thiệt hại và tổn thất, điều này không phải chỉ riêng Việt Nam mà trên toàn thế giới. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Việt Nam đã thí điểm về việc đón khách quốc tế và từ ngày 15/3 đã chính thức mở cửa lại thị trường quốc tế. Chúng ta là một trong những quốc gia có độ mở nhanh và tạo ra một hiệu ứng tốt khi kiểm soát được dịch bệnh, lượng vaccine đã được phủ. 

Nguy cơ vỡ mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam - 3

Ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (Ảnh: Quốc Chính).

"Chúng ta coi du lịch nội địa là bệ đỡ cho du lịch quốc tế. Du lịch quốc tế phải phụ thuộc vào các nước, không phải mong muốn là được. Chính vì vậy, du lịch nội địa được ví là cứu cánh, thúc đẩy và tăng một cách đột biến trong thời điểm này, làm tiền đề cho du lịch quốc tế" - ông Hùng nhận định, khi đã kiểm soát tốt dịch bệnh, Việt Nam là điểm đến an toàn.

Nhắc tới sự kiện SEA Games 31 Việt Nam vừa tổ chức thành công, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng đây không chỉ là sự kiện thể thao mà là dịp để quảng bá về văn hóa và hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài.

"Về vấn đề để thúc đẩy du lịch, chỉ lấy ví dụ 10.000 vận động viên, huấn luyện viên và trọng tài - chúng tôi hiểu họ như là những sứ giả, 10.000 đại sứ về du lịch. Họ sẽ tuyên truyền, họ sẽ thấy được một Việt Nam an toàn, chắc chắn sẽ có sức lan tỏa" - ông Hùng nói thêm, chưa kể gần 700 nhà báo quốc tế đi theo sự kiện này. Đấy là những cây viết sẽ "nói hộ" chúng ta, giới thiệu về Việt Nam như là một điểm đến an toàn, hấp dẫn.

Người đứng đầu ngành du lịch cho biết đang tiếp tục đề xuất với Chính phủ để chỉ đạo tháo gỡ vấn đề visa. "Riêng về visa, thời điểm trước 15/3 đúng là thông qua một công ty du lịch, còn sau 15/3 thì việc này không còn nữa, khách trực tiếp có thể được cấp" - ông Hùng thông tin.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng thông tin ngành du lịch đang tập trung rà soát, tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để quảng bá, nâng cấp điểm đến và số hóa trong ngành du lịch để tạo điều kiện cho ngành này phát triển; hoàn thành chỉ tiêu dự kiến sẽ đón được 5 triệu lượt khách quốc tế như mong muốn.