"Hậu" mở cửa, du lịch , khách sạn còn nhiều khó khăn

Trường Thịnh

(Dân trí) - Từ vài tháng qua, trên cả nước đã mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế, chuyển sang thời kỳ thích ứng an toàn. Tuy nhiên đến nay các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, nhà hàng đón lượng khách còn khá thưa thớt, khó đạt được phục hồi như kỳ vọng.

Du lịch bắt đầu hồi phục nhưng còn nhiều khó khăn

Dọc một số tuyến đường ven biển tại Đà Nẵng cho thấy nhiều nơi cửa đóng then cài hoặc lượng khách phục vụ còn hạn chế. Một nhân viên quán bar ven biển đường Võ Nguyên Giáp cho biết, mặc dù khách du lịch đã bắt đầu hồi phục trở lại so với cùng thời điểm năm ngoái song vẫn chưa thể bằng con số trước dịch.

"Cuối tuần còn nhộn nhịp hơn chút, chứ một số ngày trong tuần thì vắng lắm. Bọn em nhiều lúc đứng không", T. - một nhân viên phục vụ quầy đồ uống vừa nói vừa chỉ tay ra những cái bàn trống hơ trống hoắc.

Hậu mở cửa, du lịch , khách sạn còn nhiều khó khăn - 1
Một nhà hàng lớn đã mở cửa trở lại với lượng khách khá thưa thớt.

Do lượng khách du lịch đến chưa nhiều, nhiều khách sạn ở Đà Nẵng tỷ lệ lấp đầy vẫn còn thấp. Một khách sạn lớn tiêu chuẩn 4 sao trên đường 2-9 với hàng trăm phòng trống, nhiều dịch vụ của khách sạn này chưa mở lại do lượng khách quá thưa thớt. Cụ thể như các hạng mục bể bơi, bar… đều tạm đóng cửa chưa "hẹn ngày trở lại" từ đợt dịch đến nay.

Theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, về hoạt động du lịch, trong quý I/2022, số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 257,2 nghìn lượt, giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó khách quốc tế ước đạt 6 nghìn lượt, giảm tới 87,9%, tập trung chủ yếu là các chuyên gia nước ngoài đang công tác và làm việc tại Việt Nam, còn khách nội địa ước đạt 251,2 nghìn lượt, giảm 55,4%. Kết quả doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành ước đạt 806,2 tỷ đồng, giảm 41,4%.

Tăng giá đầu vào - khó chồng khó

Trao đổi với PV, ông Phan Thuận Trị - Giám đốc Công ty TNHH Indochina Partner Travel cho biết ngành du lịch, khách sạn vẫn còn vô cùng khó khăn. Đơn cử như công ty ông, lượng khách chủ yếu từ trước đến nay 100% là khách quốc tế. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam du lịch vẫn còn vô cùng ít nên công ty gần như không có việc làm. "Giá cả đầu vào đều tăng cao, khó lại chồng khó, doanh nghiệp không biết phải làm sao. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp làm du lịch phải bỏ nghề, chuyển sang ngành khác vì không trụ được", ông Trị nói. Bản thân ông cũng phải trang trải cuộc sống bằng công việc phụ khác.

Với doanh nghiệp du lịch, nhà hàng hiện nay, chi phí đầu vào tăng cao từ vận chuyển đến thực phẩm, đồ uống… khiến cho việc kinh doanh thêm khó khăn. Vị này mong muốn cơ quan nhà nước nên ổn định chính sách, giảm thuế để giảm chi phí đầu vào. Nếu không giảm thì cũng nên tránh việc tăng thuế để tránh ảnh hưởng giá đầu vào của doanh nghiệp, chẳng hạn như thuế TTĐB đối với rượu bia, đồ uống nói chung…

Đồng thời ngân hàng nên có gói hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt các doanh nghiệp chuyên phục vụ khách quốc tế...

Lãnh đạo một doanh nghiệp ngành du lịch dẫn nghiên cứu mới từ Global Data cho biết, ngành du lịch toàn cầu dự kiến sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2025. "Còn khoảng 3 năm nữa để ngành du lịch có thể phục hồi như trước đại dịch, tuy nhiên để doanh nghiệp thực sự "khỏe" trở lại thì rất cần sự hỗ trợ của nhà nước. Trong đó có việc ổn định mặt bằng giá cả, đặc biệt là đồ ăn, đồ uống - mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn của ngành", vị lãnh đạo này cho hay.

Trước dịch Covid-19, Đông Nam Á là một trong những điểm đến du lịch rất được ưa chuộng trên thế giới. Trong đó, Việt Nam nổi lên như một quốc gia có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ cả về thị trường nội địa và quốc tế với bốn năm liên tiếp ghi nhận tốc độ tăng trưởng hai con số (tính đến năm 2019). Trong 2 năm vừa qua, giới hạn về việc đi lại, giãn cách xã hội và đóng cửa biên giới đã giáng đòn mạnh mẽ đến đà tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam. Bởi vậy, những biện pháp tích cực hỗ trợ ngành du lịch, nhà hàng, ổn định mặt bằng giá cả… sẽ góp phần để ngành mũi nhọn này phục hồi nhanh hơn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm