TPHCM:

Nguy cơ đóng cửa sân bay Tân Sơn Nhất vì nước ngập trạm điện

(Dân trí) - Ông Phạm Vũ Cường – Phó Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất cho biết, sau cơn mưa lớn ngày 9/10, sân bay bị ngập cục bộ sâu khoảng 20 cm, nước tràn vào nhà đặt máy phát điện trạm nguồn Đài chỉ huy và hiện vẫn chưa khắc phục được...

Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Vũ Cường nói: “Thực trạng ngập cục bộ có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng, toàn bộ hệ thống điều hành bay tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất của Đài chỉ huy không hoạt động được. Cảng HKQT Tân Sơn Nhất sẽ phải đóng cửa sân bay vì trạm phát điện nguồn của Đài chỉ huy bị hư hỏng”.

Đài kiểm soát không lưu tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất (ảnh chụp chiều 9/10)
Đài kiểm soát không lưu tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất (ảnh chụp chiều 9/10)

Ông Cường cho biết, cơn mưa lớn chiều 9/10 vừa qua khiến khu vực sân đỗ tàu bay và khu vực Đài chỉ huy cũ của Tân Sơn Nhất đã bị ngập cục bộ sâu khoảng 20 cm. Nước mưa không thoát kịp đã tràn vào nhà đặt máy phát điện trạm nguồn Đài chỉ huy tại khu vực Đài chỉ huy cũ. Nhân viên sân bay phải bắc ván, dùng bao cát, bạt ni lông để ngăn không cho nước tràn vào trạm điện Đài chỉ huy.

“Hôm đó, nước ngập sâu nhất ở thời điểm 16h, nước tràn vào, có nguy cơ làm nổ biến thế. May mắn là sau đó mưa giảm, nước rút từ từ cho đến 20h thì rút hết” ông Cường nói.

Mương thoát nước từ sân đỗ máy bay của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất bị lấn chiếm gây nghẽn dòng
Mương thoát nước từ sân đỗ máy bay của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất bị lấn chiếm gây nghẽn dòng

Sau vụ ngập hôm 9/10, đến 13/10, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất lần thứ hai “kêu cứu” lên cơ quan chức năng. Trước đó, mưa lớn ngày 15 và 16/8/2015 cũng đã gây ngập cục bộ sâu đến 20 cm ở khu vực đỗ tàu bay và Đài chỉ huy cũ, đơn vị cũng đã khẩn thiết kêu gọi can thiệp.

Cụ thể, đơn vị đã đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp chỉ đạo các đơn vị sớm tổ chức giải tỏa các khu vực xây dựng lấn chiếm và nạo vét hệ thống mương trước mùa mưa bão đề đảm bảo khả năng thoát nước cho khu vực cảng HKQT Tân Sơn Nhất.

Yêu cầu khác đặt ra là cơ quan chức năng cần sớm ban hành lộ giới hệ thống mương thoát nước (bao gồm kích thước đáy, miệng mương và đường giao thông 2 bên). Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân trong khu vực không xả rác xuống kênh, rạch; kiểm tra và xử phạt đối với trường hợp vi phạm.

Trước mắt, theo Giám đốc Cảng, trong thời gian chờ đợi các cơ quan chức năng vào cuộc, đơn vị cũng chỉ biết mua sẵn bao cát, máy bơm đặt xuống mương cáp ngầm để có thể bơm cấp tốc nước ra ngoài khi mưa lớn gây ngập vì nếu để xảy ra sự cố, sân bay phải đóng cửa thì hậu quả rất nghiêm trọng.

Trao đổi thêm với PV Dân trí về nguy cơ đe dọa hoạt động của sân bay Tân Sơn Nhất, ông Trần Doãn Mậu - Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết, ông đã trực tiếp đi kiểm tra tình hình ngập úng ở khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất. Chuyện sân bay bị ngập cục bộ diễn ra đã một thời gian và đến nay nước vẫn chưa giải quyết được.

Nguyên nhân là do đoạn mương dài vài trăm mét giáp với đường Cộng Hòa bị tắc. "Người dân sống quanh khu vực này đã lấn chiếm làm thu hẹp lòng mương. Trong khi đó, đã lâu, quận Tân Bình và Trung tâm chống ngập thành phố không tiến hành nạo vét, khơi thông đoạn mương này. Khi trời mưa, nước từ trong sân bay dồn ra tới mương thì không thoát được nên bị ứ đọng lại" – ông Mậu nói.

Theo ông Mậu, sân đỗ tàu bay mới được nâng cấp nên khi mưa xuống nước có thể rút được ra khu vực ngoài, nhưng nền móng của khu vực đài chỉ huy được xây dựng đã 50 năm nay nên trũng thấp hơn và không thoát được nên phải dùng máy bơm để bơm nước tránh chập điện.

"Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài thì rất nguy hiểm, nước không thoát được sẽ dâng lên khu vực sân đỗ làm ảnh hưởng đến máy bay" - ông Mậu cho hay.

Giải pháp để xử lý ngập tại sân bay Tân Sơn Nhất là phải nạo vét mương thoát nước. Tuiy nhiên, Cảng vụ Hàng không miền Nam đã nhiều lần gửi văn bản tới cơ quan chức năng TPHCM nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Như Quỳnh

Quốc Anh

Nguy cơ đóng cửa sân bay Tân Sơn Nhất vì nước ngập trạm điện - 3