1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nguồn phóng xạ Co-60 bị mất nguy hiểm như thế nào?

(Dân trí) - Nguồn phóng xạ Co-60 là nguồn năng lượng bức xạ gama tương đối cao. Bức xạ gây tác hại đến sức khỏe con người ít nhất gồm hai yếu tố: năng lượng của nó bằng bao nhiêu và cường độ nguồn ra sao.

Đó là chia sẻ của TS Trần Kim Tuấn – Viện trưởng Viện kỹ thuật hạt nhân và Vật lý môi trường (ĐH Bách khoa Hà Nội) về thông tin nguồn phóng xạ Co-60 của nhà máy thép Pomina 3 bị mất với Dân trí chiều 7/4

Cũng theo TS Tuấn, nếu cường độ nguồn mà nhỏ dưới một ngưỡng nào đó thì người ta coi như bằng 0. Trên mức nào đó thì cần phải chú ý. Còn nếu trên ở mức cảnh báo sẽ nguy hiểm và trên nữa là chết người.

Ở trong quy định về an toàn bức xạ thì ở trên thế giới cũng như ở Việt Nam đều đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể. Chẳng hạn, với mức nào thì nguồn coi như bằng 0, còn gọi là nguồn miễn trừ, không cần kiểm tra, kiểm soát...miễn là nguồn đó được đặt đúng chỗ, đúng nơi. Nguồn bức xạ đến một mức nào đó thì phải kiểm tra, kiểm soát.

TS Trần Kim Tuấn – Viện trưởng
Viện kỹ thuật hạt nhân và Vật lý môi

TS Trần Kim Tuấn – Viện trưởng Viện kỹ thuật hạt nhân và Vật lý môi
trường (ĐH Bách khoa Hà Nội)

“Nguồn phóng xạ Co-60 bị mất có hoạt độ phóng xạ hiện tại khoảng 2,33 mCi là tương đối mạnh. Nếu tiếp xúc lâu với nguồn này có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Đối với nguồn như vậy thì cần tránh tiếp xúc trực tiếp. Thông thường thì cần phải có khoảng cách để tiếp xúc hoặc có vật che chắn (lớp che chắn an toàn bức xạ)” – TS Tuấn nhấn mạnh.

TS Tuấn cũng bày tỏ: Nguồn Co thông thường là nguồn kín, nghĩa là nó được đặt trong một container vỏ bằng thép trong có lớp chì nên không sợ phát tán ra ngoài. Nếu nguồn không làm việc sẽ được đặt container kín nên tương đối đảm bảo an toàn, người ta có thể vận chuyển dễ dàng. Điều lo ngại nhất là người dân hoặc ai đó được tiếp cận với container này và tháo nắp ra thì nguồn nó rơi ra ngoài.

Nếu nguồn vẫn còn ở trong lớp bảo vệ (hình trụ được bóc kín bằng thép) thì nó chỉ có tác dụng phát bức xạ ra. Người nào đó ở gần hoặc tiếp xúc với nó thì sẽ bị chịu một lượng bức xạ nhất định, với nguồn có hoạt độ phóng xạ mCi thì phải tiếp xúc tương đối lâu thì xuất hiện triệu chứng mệt mõi, nhức đầu.

Nếu lớp bảo vệ bị phá vỡ dẫn đến chất Co bị rơi rụng ra ngoài thì vùng nhiễm xạ sẽ rộng hơn. Chất bột Co phát tán ra ngoài môi trường thì ai đó có thể bị dính vào tay, quần áo, bám theo người hoặc hít, ăn phải thì lúc đó chất phóng xạ tác dụng lên người liên tục. Điều này có nghĩa là mức độ tương tác bức xạ trực tiếp hơn. Tuy nhiên, đối với Co thì nguồn chiếu trong không nguy hiểm lắm.

Nói về mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe con người của chất phóng xạ Co-60 với hoạt độ 2,33 mCi, TS Tuấn cho biết: Mức độ ảnh hưởng Co-60 rất là khó nói. Nhưng nghiên cứu về cường độ nguồn nói ở trên là rất là “mông lung” và mang tính chất xác xuất. Nó chưa đủ lớn để mang tính chất là nhất định sẽ xảy ra. Nghĩa là, với nguồn nói trên có thể gây ra bệnh này, bệnh kia với ai đó nhưng đối với người khác lại không bị sao.

Đối với nguồn mạnh thì có thể gây ra loét da, thịt, gây ung thư hay biến đổi gen, biến đổi máu...

Vậy ,một người dân bình thường khi gặp chất phóng xạ liệu có phát hiện được hay không?

“Nếu không có những dấu hiệu cảnh báo trên thiết bị thì hoàn toàn không thể biết được. Phóng xạ bức xạ là không màu, không mùi, không nhìn thấy” – TS Tuấn nói.

Trao đổi thêm với Dân trí về chất phóng xạ Co-60, một chuyên gia Vật lý của ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia HN) cũng khẳng định: Việc ảnh hưởng đến con người như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào cường độ nguồn. Nếu nguồn có cường độ lớn sẽ gây ra nguy hiểm.

Nhân vụ việc mất chất phóng xạ ở nhà máy thép Pomina, chuyên gia này cũng kiến nghị: Đối với các nguồn chất phóng xạ nguy hiểm thì nên gắn thiết bị định vị GPS hoặc cần có lớp khóa chống trộm. Với giải pháp đơn giản này có thể dễ dàng phát hiện hoặc truy tìm khi bị thất lạc.

Nguyễn Hùng (ghi)