1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nguồn nào để xem xét tăng lương cho cán bộ công chức năm 2015?

(Dân trí) - Một ngày trước khi Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ký văn bản phân công Bộ Nội vụ xem xét việc điều chỉnh mức lương cơ sở trong năm nay, UB Thường vụ Quốc hội thông qua phương án phân bổ 10.000 tỷ đồng tiền vượt thu ngân sách năm 2014 cho nhiệm vụ chi lương…

Lộ trình cải cách tiền lương đã chậm lại 2 năm qua do tình hình kinh tế khó khăn.
Lộ trình cải cách tiền lương đã chậm lại 2 năm qua do tình hình kinh tế khó khăn.
 
Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (văn bản ký ngày 12/5) nêu rõ, về chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, Bộ Nội vụ nhận nhiệm vụ nghiên cứu xây dựn bảng lương chuẩn trên cơ sở mức lương tính đủ theo nhu cầu tối thiểu đối với các đơn vụ sự nghiệp công lập như kết luận của Trung ương. Việc này phải hoàn thành trong quý IV năm nay.

Cũng trong hạn năm 2015, Bộ Nội vụ phải tiếp tục nghiên cứu Đề án cải cách tiền lương đối với các nhóm đối tượng này để trình Trung ương khi cân đối được nguồn lực thực hiện.

Trên cơ sở kết quả tạo nguồn của Bộ Tài chính, trong năm nay, việc điều chỉnh mức lương cơ sở cũng được giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, tính toán.

Với khối cán bộ của ngành tòa án, VKS, đối tượng trong lực lượng quân đội và công an, việc cải cách tiền lương, chế độ phụ cấp… được “lệnh” hoàn thành sớm hơn, trong quý III năm nay.

Về chính sách tiền lương đối với lao động trong các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh “chốt” với Bộ LĐ,TB&XH rà soát lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh và sớm đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động trong quý III.

Trong quý III/2015, Bộ Lao động cũng phải trình Chính phủ phương án lương tối thiểu vùng đối với người lao động trong các doanh nghiệp áp dụng cho năm 2016; dự thảo nghị định quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với DN nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; nghị định quy định về chi phí tiền lương trong đơn giá sản phẩm, dịch vụ công ích để đặt hàng, đấu thầu hoặc giao kế hoạch.

Trong quý IV, Bộ Lao động sẽ hoàn thành thêm Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 50 năm 2013 của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu; Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 51 năm 2013 về chế độ tiền thưởng đối với với thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm sát viên, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc hoặc Phó Giám đốc, Kế toán trưởng trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Đầu tuần, bàn về phương án phân bổ, sử dụng số vượt thu ngân sách năm 2014 do Chính phủ trình, UB Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất đề xuất dành 10.000 tỷ đồng phục vụ việc chi lương, 1.700 tỷ đồng để đầu tư làm đường cao tốc, chống hạn và phần hơn 1.600 tỷ đồng để thưởng vượt thu cho 3 địa phương. Như vậy, phần dành để chi cho lương vẫn là ưu tiên số một của nhà nước.

Ngoài ra, Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT cũng được yêu cầu trong quý IV năm nay phải xây dựng khung cân đối ngân sách giai đoạn 2016-2020 cũng như các giải pháp tạo nguồn để chi cải cách tiền lương trong giai đoạn này.

Đối với khối các đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu trong quý II/2015 Bộ Tài chính phải hoàn thành nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế. Trong quý III, Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế, Bộ KH-CN, Bộ Văn hóa, Thể thao&Du lịch… phải hoàn thành quy định về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực của mình. Bộ Thông tin&Truyền thông thì phải hoàn thành quy chế tự chủ đối với báo chí, truyền thông.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm