1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người vi phạm giao thông có thể đặt tiền để được tự bảo quản phương tiện

(Dân trí) - Phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ có thể được giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm tự giữ, bảo quản nếu đáp ứng được yêu cầu.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 31/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2013 quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính (có hiệu lực từ 1/5).

Người vi phạm giao thông có thể đặt tiền để được tự bảo quản phương tiện - 1

Một điểm tạm giữ phương tiện vi phạm ở Hà Nội (Ảnh: Quân Đỗ).

Điều kiện để được giữ, bảo quản phương tiện

Theo Nghị định 31, phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tổ chức, cá nhân vi phạm có thể được tự giữ, bảo quản phương tiện của mình nếu thỏa mãn các điều kiện sau:

Cá nhân vi phạm có nơi đăng ký thường trú hoặc có đăng ký tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân vi phạm đang công tác; tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng và phải có nơi giữ, bảo quản phương tiện.

Tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện.

Muốn được giữ, bảo quản phương tiện, tổ chức, cá nhân vi phạm phải làm đơn gửi cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ. Khi gửi đơn phải gửi kèm bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú, chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (hoặc số định danh cá nhân), giấy xác nhận nơi công tác. Đối với tổ chức vi phạm phải có giấy tờ chứng minh về địa chỉ nơi đóng trụ sở hoạt động của tổ chức đó.

Trong thời gian được giao giữ, bảo quản phương tiện vi phạm, không được phép sử dụng phương tiện đó tham gia giao thông; không được tự ý thay đổi nơi giữ, bảo quản phương tiện vi phạm, nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền tạm giữ.

Trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn hoặc khi có nguy cơ trực tiếp phát sinh tình huống mà nếu không kịp thời di chuyển, thay đổi nơi giữ, bảo quản phương tiện sẽ gây thiệt hại đến phương tiện thì được thay đổi nơi giữ, bảo quản phương tiện nhưng ngay sau đó phải thông báo cho người có thẩm quyền tạm giữ biết.

Trong thời gian được giao giữ, bảo quản phương tiện, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành đúng quy định thì người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện xem xét, quyết định chuyển phương tiện vi phạm về nơi tạm giữ của cơ quan có thẩm quyền.

Đặc biệt, nếu tổ chức, cá nhân để xảy ra mất, đánh tráo, bán, trao đổi, cầm cố, thế chấp, thay thế, hủy hoại, làm hư hỏng phương tiện thì phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại, hậu quả do hành vi mà mình gây ra.

Người vi phạm giao thông có thể đặt tiền để được tự bảo quản phương tiện - 2

Nếu không đến nhận phương tiện có thể bị tịch thu (Ảnh minh họa).

Không đến nhận phương tiện sẽ bị tịch thu

Điều 17 Nghị định 31/2020 quy định, trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ được ghi trong quyết định tạm giữ, nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ phương tiện và niêm yết công khai tại trụ sở.

Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày niêm yết công khai, thông báo cuối cùng trên phương tiện thông tin đại chúng, nếu người vi phạm không đến nhận hoặc không xác định được người vi phạm thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy định.

Cơ quan của người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện có trách nhiệm tiếp tục quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện khi đã quá thời hạn tạm giữ mà người vi phạm không đến nhận cho đến khi tang vật, phương tiện đó bị tịch thu, xử lý theo quy định.

Sau khi tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu thì được xử lý theo trình tự, thủ tục quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành.

Các trường hợp không được giao phương tiện vi phạm để bảo quản

Nghị định số 31/2020 cũng quy định cụ thể các trường hợp không giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản gồm: Phương tiện giao thông của vụ vi phạm pháp luật là vật chứng của vụ án hình sự; phương tiện giao thông được sử dụng để đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng hoặc gây tai nạn giao thông; Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bị làm giả, sửa chữa; biển kiểm soát giả, phương tiện bị thay đổi trái phép số khung, số máy hoặc bị  xóa số khung, số máy.

Thế Kha