1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Hơn 37.000 phương tiện quá thời hạn tạm giữ: Bán không ai mua, cho không ai lấy

Sau khi nghe Bộ Công an báo cáo về việc hơn 37.000 phương tiện vi phạm quá thời hạn tạm giữ đã hư hỏng, biến thành sắt vụn, nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra đề xuất nên chăng bán phế liệu hoặc tiêu hủy để rút gọn chi phí trông coi.

Hơn 37.000 phương tiện quá thời hạn tạm giữ: Bán không ai mua, cho không ai lấy - 1

Tại bãi trông giữ xe vi phạm của Hà Nội hiện đang có hàng ngàn chiếc xe máy cùng nhiều chiếc ô tô, xe khách và xe ba gác bị tạm giữ nhiều năm nhưng chưa thấy chủ nhân đến nhận. Ảnh: PV

Chủ xe "bỏ của chạy lấy người"

Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, trên địa bàn Hà Nội hiện có rất nhiều bãi trông giữ các phương tiện vi phạm bị lực lượng CSGT tạm giữ. Điểm chung của các khu vực này là rơi vào tình trạng quá tải do chủ nhân không đến nộp phạt và hoàn tất giấy tờ để lấy xe. Điều này đã dẫn đến số lượng lớn phương tiện vi phạm đang sắp trở thành sắt vụn do phơi mưa, phơi nắng suốt nhiều năm qua.

Đơn cử như tại bãi giữ xe vi phạm tại số 360 đường Giải Phóng (Hoàng Mai, Hà Nội) có diện tích khoảng 4.000m2, chỉ một phần nhỏ diện tích của bãi được trang bị hệ thống mái che, phần lớn phương tiện vi phạm khi được tập kết về đây đều phải phơi mình ngoài trời.

Tại đây có thể dễ dàng bắt gặp cảnh hàng nghìn chiếc xe bị phủ kín bụi, cỏ dại quấn quanh. Nổi bật nhất là xe Toyota TT phiên bản thể thao hai cửa có giá gần 2 tỷ đồng bị bủi phủ kín. Một số xe máy thuộc dạng đắt tiền như SH, Dylan, PS, Liberty, LX... cũng rơi vào tình trạng hư hỏng nặng, hoen rỉ chẳng khác gì những đống sắt vụn.

Một nhân viên trông giữ xe trong bãi cho biết: "Không hiểu vì lý do gì nhiều phương tiện vi phạm bị lực lượng CSGT tạm giữ cả năm nay nhưng không có người chủ tới giải quyết vụ việc. Ngoài ra, một số xe ga đắt tiền, xe độc, hiếm như Julio, Scoppy là xe nhập lậu, đeo biển giả khi bị lực lượng CSGT phát hiện thì chủ xe thường "bỏ của chạy lấy người". Bên cạnh đó, nhiều phương tiện bị xử phạt lỗi nặng mà tiền nộp phạt còn hơn cả giá trị xe thì chủ phương tiện hầu như đều bỏ luôn mà không tới lấy".

Đề nghị bán phế liệu, tránh lãng phí

Hơn 37.000 phương tiện quá thời hạn tạm giữ: Bán không ai mua, cho không ai lấy - 2

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng cần rút gọn các thủ tục xử lý tài sản đối với phương tiện vi phạm có giá trị thấp hoặc không còn giá trị sử dụng.

Tại phiên giải trình về tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông vận tải đường bộ theo thủ tục hành chính chiều 12/12 vừa qua do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, từ năm 2013 đến tháng 9/2019, Công an các đơn vị, địa phương đã tạm giữ hơn 4,2 triệu phương tiện giao thông đường bộ, trong đó xe máy chiếm 92,1%, ô tô chiếm 5,8%. Trong số đó tồn đọng 136.989 phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính quá thời hạn bị tạm giữ chưa xử lý được.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục, thẩm quyền tạm giữ, tịch thu phương tiện vi phạm: Các văn bản quy định, hướng dẫn chưa đầy đủ nên áp dụng pháp luật khó khăn; thủ tục tịch thu, bán đấu giá phương tiện mất rất nhiều thời gian, trải qua nhiều khâu... Theo thống kê sơ bộ, việc tạm giữ quá lâu khiến hơn 37.000 phương tiện bị hỏng hóc, cũ nát, không sử dụng được.

Thêm nữa, điều kiện cơ sở vật chất của các đơn vị công an địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu tạm giữ, bảo quản. Thủ tục tạm giữ, tịch thu, thanh lý còn phức tạp. Nhiều trường hợp phương tiện tịch thu có giá trị thấp, sau khi bán đấu giá thì số tiền thu được không đủ trừ chi phí để chi trả cho việc thực hiện thủ tục giám định, định giá, thuê vận chuyển, bảo quản và chi phí tiêu huỷ khi phương tiện không thanh lý được hoặc không có giá trị sử dụng...

Thảo luận tại phiên giải trình, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình đề nghị đối với những phương tiện giá trị thấp, không đúng công năng, không đủ điều kiện lưu hành thì làm thủ tục rút gọn để thanh lý. "Tuy nhiên nếu tiền thu về mà không bù chi phí nên chăng tiêu huỷ đi, bán thẳng vào phế liệu? Chứ thủ tục rút gọn rồi mà chi phí vẫn nhiều hơn thì không hợp lý", ông Bình nói.

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Hoa, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nêu thực tế việc tạm giữ phương tiện cực kỳ khó khăn, vì ở xã, phường không có kho bãi. Nhiều phương tiện bán không ai mua, cho không ai lấy, là đống sắt vụn rồi nhưng vẫn phải kéo dài việc tạm giữ. Do vậy cần sớm nghiên cứu, xem xét để xử lý tránh lãng phí tài sản xã hội.

Hơn 37.000 phương tiện quá thời hạn tạm giữ: Bán không ai mua, cho không ai lấy - 3

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương băn khoăn, nếu việc tạm giữ phương tiện làm không chặt chẽ sẽ là chỗ tiêu thụ xe gian.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương thì bày tỏ băn khoăn, nếu vấn đề tạm giữ, tịch thu phương tiện làm không chặt chẽ thì đây sẽ là chỗ tiêu thụ xe gian, hợp pháp hóa xe lậu. "Dư luận phản ánh có trường hợp xe lậu giá trị cao, cố tình vi phạm để bị tạm giữ, đến khi xe thanh lý thì tìm cách mua bằng được. Từ xe bất hợp pháp sẽ thành hợp pháp", ông Nguyễn Sỹ Cương nói và đề nghị cần đưa ra giải pháp.

Giải trình về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, trong các quy định đều nói rõ quy trình giải quyết đối với những phương tiện mà chủ bỏ, đó là giám định số khung số máy; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và đấu giá. Đại diện Bộ Công an cũng kiến nghị rà soát, sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản liên quan theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng hình thức đặt tiền bảo lãnh để được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền, nhằm hạn chế việc đưa các phương tiện về nơi tạm giữ. Đối với phương tiện quá thời hạn chấp hành quyết định xử phạt 10 ngày, nếu người vi phạm không chấp hành thì cơ quan có thẩm quyền thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, quá thời hạn 30 ngày mà chủ phương tiện không đến nhận, không có lý do chính đáng thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu, bán đấu giá.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng đề nghị rút gọn các thủ tục xử lý tài sản, tránh trường hợp bị tồn đọng lâu ngày, phát sinh chi phí quản lý, bảo quản. Ngoài ra cần nghiên cứu quy định cho phép các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định pháp luật được đầu tư các địa điểm tạm giữ phương tiện, có thu phí theo quy định của Bộ Tài chính để giảm tải áp lực về kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho Nhà nước...

Bộ Tư pháp ủng hộ bán đấu giá phương tiện quá thời hạn tạm giữ

Nêu ý kiến về việc này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho rằng, đối với các phương tiện vi phạm hành chính, nếu người vi phạm không đến nhận, hoặc không xác định được người vi phạm thì cơ quan, người có thẩm quyền cần khẩn trương ra quyết định tịch thu. Đại diện Bộ Tư pháp cũng ủng hộ việc bán đấu giá, hoặc thanh lý phương tiện thuộc diện bị tịch thu như trên, để nhanh chóng giải phóng phương tiện vi phạm ra khỏi các điểm trông giữ, tránh tình trạng quá tải, lãng phí tài sản xã hội.

 Theo Gia đình & Xã hội