Người TPHCM chưa được đi làm tại Đồng Nai bằng phương tiện cá nhân
(Dân trí) - Đồng Nai vừa chính thức thống nhất cho người lao động di chuyển từ TPHCM đến theo phương án tổ chức bằng xe ô tô đưa rước của công ty, doanh nghiệp, chưa được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân.
Chiều 6/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng đã ký văn bản hỏa tốc gửi UBND TPHCM về ý kiến đối với phương án tổ chức giao thông cho một số đối tượng lưu thông giữa TPHCM và tỉnh Đồng Nai.
Theo đó, đối với hoạt động vận tải hàng hóa, UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị UBND TPHCM xem xét, điều chỉnh các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của Bộ Giao thông vận tải nhằm bảo đảm thực hiện thống nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn các bộ, ngành về lưu thông hàng hóa.
Riêng hoạt động đưa đón công vụ, chuyên gia, tỉnh Đồng Nai đề nghị xem xét, điều chỉnh đã tiêm vaccine mũi thứ nhất đủ 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng có xác nhận của cơ quan y tế, nơi quản lý theo dõi, điều trị.
Đối với tổ chức cho người lao động di chuyển giữa TPHCM với các tỉnh lân cận, UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, hiện nay địa phương đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và tiếp tục thực hiện các biện pháp khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Do đó, tỉnh Đồng Nai thống nhất người lao động di chuyển theo phương án tổ chức bằng xe ôtô đưa rước, bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19.
Riêng phương án đi xe cá nhân ôtô, xe máy, UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị UBND TPHCM thống nhất thực hiện khi Đồng Nai trở lại trạng thái bình thường mới.
Trước đó, UBND TPHCM áp dụng phương án tổ chức cho người lao động đi lại liên tỉnh từ TPHCM với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Theo phương án tổ chức cho người lao động đi lại liên tỉnh từ TPHCM với các tỉnh lân cận, thì có thể đi bằng xe đưa đón hoặc sử dụng xe cá nhân. Điều kiện là phải tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng, bên cạnh đó còn có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 7 ngày.