Người tố cáo tham nhũng nhiều nhất Tây Nguyên từng “thoát” tội đưa hối lộ
(Dân trí) - Trước khi bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông bắt tạm giam để điều tra về hành vi đưa hối lộ, ông Trần Minh Lợi - người nổi tiếng khắp Tây Nguyên vì thường xuyên tố cáo chống tiêu cực - đã từng “thoát” tội này khi Cơ quan điều tra VKSND Tối cao kết luận vụ “Nhận hối lộ” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công an huyện Cơ Kuin (Đắk Lắk).
Giữa tháng 2/2016 vừa qua, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã ban hành Kết luận điều tra số 01/VKSNDTC-CI, khởi tố Hoàng Đình Nam - nguyên điều tra viên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cơ Kuin (tỉnh Đắk Lắk) về hành vi “Nhận hối lộ” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Theo kết luận điều tra, tháng 6/2015 ông Trần Minh Lợi (trú tại số 7, thôn 4, xã Ea B’hốk, huyện Cơ Kuin) gửi đơn tố cáo kèm theo tài liệu ghi âm, ghi hình đến Cơ quan điều tra VKSND Tối cao và các cơ quan chức năng tố cáo điều tra viên Hoàng Đình Nam có hành vi nhận hối lộ 110 triệu đồng để giúp đỡ các bị can trong vụ án “Vũ Quang Tuấn cùng đồng bọn đánh bạc” được tại ngoại.
Trong vụ án này, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao cho rằng ông Trần Minh Lợi cùng với Vũ Thị Trinh, Nguyễn Anh Kha, Mai Ngọc Thái, Nguyễn Thị Thủy (người nhà của các bị cáo - PV) là những người có hành vi trực tiếp hoặc thông qua những đối tượng khác gặp gỡ trao đổi, đưa tiền cho Hoàng Đình Nam để Nam giúp đỡ cho các bị cáo được tại ngoại.
“Hành vi của các đối tượng trên có dấu hiệu của tội “Đưa hối lộ”, “Làm môi giới hối lộ” nhưng sau khi sự việc xảy ra và chưa bị phát hiện, các đối tượng trên đã viết đơn tố cáo về những hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ Công an huyện Cư Kuin và cung cấp tài liệu đưa cho Trần Minh Lợi để Lợi tập hợp và gửi đến các cơ quan chức năng. Đơn tố cáo của Trần Minh Lợi và tài liệu tố cáo của những người liên quan là cơ sở giúp cho cơ quan điều tra VKSND Tối cao làm rõ vụ án, làm rõ đối tượng phạm tội. Căn cứ Điều 289 khoản 6 và Điều 290 khoản 6 Bộ luật Hình sự, hành vi của Trần Minh Lợi, Vũ Thị Trinh, Nguyễn Anh Kha, Mai Ngọc Thái, Nguyễn Thị Thủy không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự”- Cơ quan điều tra VKSND Tối cao nhận định.
Đáng chú ý, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao cho biết Hoàng Đình Nam khai rằng sau khi sự việc xảy ra, ngày 23/4/2015 Hoàng Đình Nam đã nhận được 1 tin nhắn từ số sim điện thoại lạ có nội dung yêu cầu Nam phải lo số tiền 600 triệu đồng thì coi như không có sự việc xảy ra. Hôm sau, ngày 24/4/2015, ông Trần Minh Lợi đã đến trực tiếp gặp Hoàng Đình Nam tại Công an huyện Cư Kuin và nói với Nam nội dung “cứ thực hiện theo nội dung tin nhắn trên thì coi như không có sự việc gì xảy ra”. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao cho biết ngoài nội dung trình bày này thì không còn tài liệu nào khác để xác định sự việc trên; quá trình đấu tranh với ông Trần Minh Lợi, ông Lợi không thừa nhận về nội dung trên, vì vậy không có cơ sở để kết luận về sự việc như Hoàng Đình Nam đã khai.
Ngoài ra, Vũ Thị Trinh, Nguyễn Thị Thúy... còn khai sau khi nhận được số tiền do Hoàng Đình Nam trả ngày 21/4/2015, đã về nhà ông Trần Minh Lợi và đưa lại cho ông Lợi tổng số tiền 20 triệu đồng để đóng quỹ. Nhưng ngoài lời khai thì không có tài liệu khác chứng minh, ông Trần Minh Lợi cũng không thừa nhận; các trường hợp này cũng không đề nghị gì về số tiền nên không có căn cứ để kết luận và xử lý về sự việc.
Ông Trần Minh Lợi (thứ hai từ trái qua) bị dẫn giải lên xe về trại tạm giam (Ảnh: Người Lao Động)
Tuy nhiên như Dân trí đã phản ánh, đến ngày 22/3 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã tiến hành bắt tạm giam ông Trần Minh Lợi - người nổi tiếng khắp vùng Tây Nguyên vì thường xuyên tố cáo chống tiêu cực - để điều tra về hành vi đưa hối lộ.
Đại tá Lương Ngọc Lếp - Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, lệnh bắt ông Lợi theo phê chuẩn của VKSND tỉnh Đắk Nông. Ông Lợi bị bắt vì có vai trò đồng phạm trong vụ đưa hối lộ để chạy tại ngoại trong vụ án đánh bạc xảy ra tại huyện Đắk Mil vào đầu năm nay.
Liên quan tới vụ án, Công an tỉnh Đắk Nông cũng đã tạm đình chỉ công tác đối với Thiếu tá Y Nam và Trung úy Trần Thanh Hải - cùng công tác tại Công an huyện Đắk Mil để điều tra, xác minh vì liên quan đến vụ việc nhận hối lộ. Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam Huỳnh Cao Trí (SN 1978) và Nguyễn Xuân An (SN 1985), khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trương Thị Lan (SN 1971), Nguyễn Thị Tý (SN 1960) đều ngụ tại xã Thuận An về hành vi đưa hối lộ.
"Đặt bẫy để người ta phạm tội là không nên”
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Đỗ Văn Đương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, trong quá trình thảo luận về Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã có nhiều ý kiến đề nghị bỏ tội “Đưa hối lộ” vì nếu người đưa hối lộ bị xử lý hình sự thì không ai dám tố cáo nữa; quan trọng hơn là trị người nhận hối lộ, nhũng nhiều và làm sai lệch công vụ hoặc không làm việc gì đó theo yêu cầu người đưa hối lộ. Nhưng pháp luật hình sự hiện nay vẫn có tội môi giới hối lộ, đưa hối lộ và nhận hối lộ.
“Nhiều người đưa hối lộ nhưng sau đó vì không được việc nên mới tố cáo. Dưới góc độ đạo đức, chưa nói về pháp lý, thì chính anh đưa hối lộ cũng chả ra gì, được việc thì thôi, không được việc thì mới tố cáo. Có người không phải vì động cơ, nhưng như một dạng đặt bẫy để anh cán bộ bộc lộ đúng bản chất. Về mặt đặt bẫy, gắp lửa bỏ tay người, người ta đang trong trắng anh lại đưa gái, đưa tiền để người ta phạm tội thì cái đó cũng không nên. Nhưng phải khẳng định hành vi đó là hành vi tội phạm. Việc khởi tố điều tra là có căn cứ, là đúng. Dư luận xã hội nghiên cứu không kỹ lại khăng khăng “trù dập người tố cáo tham nhũng” thì không đúng thế đâu”- ông Đương phân tích.
Ông Đỗ Văn Đương cho rằng sau này khi xử lý vụ việc, cơ quan tố tụng có thể cân nhắc để giảm nhẹ hình phạt vì ông Trần Minh Lợi đã tích cực, chủ động tố cáo tới cơ quan pháp luật. Nhờ tố cáo đó để có chứng cứ, củng cố kết tội những cán bộ vi phạm pháp luật.
“Anh chủ động tố cáo được miễn trách nhiệm hình sự nhưng sau khi tội phạm bị phát hiện ra rồi thì chỉ được giảm nhẹ thôi”- ông Đương nói.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội luật gia TPHCM đánh giá, pháp luật hình sự hiện hành yêu cầu người tố cáo tham nhũng phải thông báo và phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý vụ việc. Việc tổ chức, dàn dựng đưa tiền hối lộ rồi ghi âm, quay clip làm bằng chứng để tố cáo tham nhũng là điều không nên làm và dễ bị quy kết vào tội “môi giới hối lộ” hoặc “đưa hối lộ”.
Nêu ra thực tế tiếp nhận, giải quyết các tin báo tố giác tội phạm hiện nay còn nhiều hạn chế, cứng nhắc, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng cơ quan cảnh sát điều tra, cơ quan điều tra - VKSND cần phải có sự điều chỉnh, giải quyết nhanh nhạy, minh bạch hơn để người dân tin tưởng và sẵn sàng hợp tác, phối hợp giải quyết kịp thời những sự việc nhũng nhiều, vòi vĩnh tiền bạc của cán bộ công chức, viên chức nhà nước đối với người dân.
Thế Kha