1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Hà Tĩnh:

Người thợ làm đèn lồng hiếm hoi trên đất Thành Sen

Phượng Vũ

(Dân trí) - Cứ đến mùa Trung thu, chiếc xe máy chở đèn lồng của ông Dũng lại rong ruổi khắp các con đường, trở thành một phần ký ức tuổi thơ của người dân Thành Sen - một tên gọi cũ của TP Hà Tĩnh.

Người thợ làm đèn lồng hiếm hoi trên đất Thành Sen - 1

Ngôi nhà và cũng là "xưởng gia công" của ông Trương Việt Dũng (70 tuổi) nằm khiêm tốn trong một con ngõ nhỏ trên đường Lý Tự Trọng (phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh). Chủ nhân của xưởng gia công này có thể coi là người thợ làm đèn lồng thủ công hiếm hoi trên đất TP Hà Tĩnh... Chiếc xe máy này đã gắn bó với ông suốt 30 năm qua, trên khắp mọi miền quê Hà Tĩnh, chở đèn lồng đi bán mỗi mùa Rằm tháng Tám.

Người thợ làm đèn lồng hiếm hoi trên đất Thành Sen - 2

Năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng ông vẫn miệt mài với nghề làm đèn lồng thủ công. Gắn bó làm đèn lồng suốt 30 năm qua, chẳng biết tự bao giờ cái nghề trở thành niềm đam mê, nơi gửi gắm những tâm tư của ông.

Người thợ làm đèn lồng hiếm hoi trên đất Thành Sen - 3

Mỗi dịp Trung thu, ông Dũng lại tất bật chuẩn bị các nguyên liệu thủ công để làm đồ chơi Trung thu truyền thống.

Người thợ làm đèn lồng hiếm hoi trên đất Thành Sen - 4

Dụng cụ làm đèn lồng của ông suốt 30 năm qua vô cùng đơn giản. Chỉ có dăm ba tờ giấy bóng đủ các màu sắc, hồ dán, nan giang, súng bắn keo, bìa các tông... Từ những nguyên liệu rẻ tiền, dưới bàn tay khéo léo của ông đã trở thành những chiếc đèn lồng vô cùng bắt mắt. 

Người thợ làm đèn lồng hiếm hoi trên đất Thành Sen - 5

Những chiếc đèn của ông thường có kích cỡ khác nhau với 2 kiểu dáng chính là đèn ông sao và đèn cá chép.

Người thợ làm đèn lồng hiếm hoi trên đất Thành Sen - 6

Ông Dũng cho biết, để làm một chiếc đèn ông sao, người thợ như ông phải đứng khoảng 3 giờ đồng hồ liên tục. Do tuổi đã cao nên mỗi ngày ông chỉ làm từ 1-2 chiếc. Còn đèn cá chép mất từ 2-3 ngày mới hoàn thành.

Người thợ làm đèn lồng hiếm hoi trên đất Thành Sen - 7

Với tiêu chí bền, chắc... nên mỗi công đoạn ông đều chăm chút hết sức tỉ mỉ, cẩn thận. Mỗi khớp nối ông đều chăm chút làm sao để bám chắc chắn, không bị lung lay khi vận chuyển hay va chạm. Mỗi một chi tiết trong đèn, ông đều kiểm tra lại nhiều lần trước khi giao cho khách. Chỉ cần một chi tiết chưa ưng ý, ông Dũng sẵn sàng tháo ra để làm lại.

Người thợ làm đèn lồng hiếm hoi trên đất Thành Sen - 8

Không chỉ chú ý độ bền, ông còn thường xuyên cập nhật nhiều mẫu mã mới để chiếc đèn lồng truyền thống trở nên sinh động và không nhàm chán. Năm nay, đèn cá chép ông thường làm phần mắt và phần đuôi có thể cử động nhằm kích thích sự hiếu kỳ của trẻ nhỏ.

Người thợ làm đèn lồng hiếm hoi trên đất Thành Sen - 9

Mỗi chiếc đèn Trung thu của ông Dũng không chỉ bền, đẹp mà còn mang nhiều ý nghĩa mà ông muốn gửi gắm. Chân dung Bác Hồ luôn được đặt ở nơi trang trọng nhất của chiếc đèn  ngôi sao với ý nghĩa Bác luôn sống trong trái tim của người dân Việt Nam. 

Người thợ làm đèn lồng hiếm hoi trên đất Thành Sen - 10

Phía sau chiếc đèn ông dán bài thơ tự mình sáng tác dựa trên ý thơ của Bác. "Mong rằng các cháu thiếu nhi sẽ luôn ghi nhớ 5 điều Bác dạy. Luôn biết ơn công lao của Bác Hồ và thế hệ cha ông đã ngã xuống để các cháu có những trung thu bình yên và no ấm", ông Dũng chia sẻ.

Người thợ làm đèn lồng hiếm hoi trên đất Thành Sen - 11

Sau khi hoàn thành sản phẩm, ông Dũng lại sửa soạn chở đèn rong ruổi khắp các tuyến phố để bán.

Người thợ làm đèn lồng hiếm hoi trên đất Thành Sen - 12

Với nhiều người dân Thành Sen, chiếc xe đèn lồng đầy màu sắc này đã trở thành một phần ký ức tuổi thơ của mình.

Người thợ làm đèn lồng hiếm hoi trên đất Thành Sen - 13

Mặc dù, những năm gần đây khách hàng thường tìm đến nhà để mua hàng, nhưng ông Dũng vẫn thích tự mình chạy xe máy đi khắp những con đường thành phố và huyện lân cận.  "Nhìn các cháu ngắm những chiếc đèn lồng với ánh mắt thích thú tôi lại có thêm động lực để giữ nghề mang hồn cốt văn hóa dân tộc", ông bộc bạch.

Những năm gần đây, dù nhiều loại đồ chơi hiện đại được du nhập nhưng "cửa tiệm" thủ công của ông vẫn luôn đông khách. Nhiều khách hàng cho biết, đồ chơi của ông tuy giản dị nhưng an toàn và mang tính giáo dục cho con trẻ.