Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Người thầy ngỡ ngàng khi đem con chữ đến cho trẻ em đồng bào Bana
(Dân trí) - Mỗi sáng đếm sĩ số học sinh thấy thiếu, thầy Nguyễn Văn Văn ở Bình Định lại đến tận nhà, lái xe chở học sinh đến lớp.
Có 2 đứa con cùng học tiểu học, mỗi buổi sớm của chị Đinh Thị Xướng (29 tuổi, ngụ xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) trở nên bận rộn hơn. Sau khi cho con ăn cơm xong, chị sẽ chỉnh lại quần áo giúp con gái lớn đạp xe đến trường, riêng đứa nhỏ được dắt tay đưa đến tận cửa lớp.
Mặc dù trình độ chỉ dừng lại ở lớp 7, chị Xướng rất có ý thức trong việc giúp con tìm chữ, thay đổi cuộc sống. Ngày cán bộ địa phương tìm về nhà, vận động cho con em đến trường, chị nhiệt tình đồng ý. Việc mất đi một thành viên đồng nghĩa với chuyện chị sẽ không có người đảm đương việc nhà, chăn trâu, thế nhưng chị Xướng vẫn không ngại khổ.
"Nếu không có cái chữ, con chúng tôi sẽ tiếp tục đi rừng trồng keo như tôi. Chỉ cần con cố gắng, khổ mấy chúng tôi cũng theo cùng", Xướng nói.
Tiểu học Vĩnh An là ngôi trường bán trú chủ yếu giảng dạy cho bà con đồng bào Bana tại xã. Hiện nay, ngoài khu trường chính dành cho khối lớp 3 trở lên, trường còn trực tiếp dựng 2 điểm trường lẻ ở 2 làng Kon Giang và Xà Tang nhằm hỗ trợ đưa lớp học đến tận nhà dân. Cả 2 điểm này đều được tận dụng từ ngôi nhà cũ, giáo viên 2 năm luân phiên đứng lớp 1 lần.
Lần đầu nhận nhiệm vụ công tác dạy học lớp ghép 2 khối 1 và 2, thầy Nguyễn Văn Văn (Chủ nhiệm lớp 1B, 2B) không khỏi ngỡ ngàng. Học sinh lớp 2 chưa làm xong bài tập, lớp 1 bên cạnh đã chạy nhảy đùa giỡn khiến thầy đau đầu giải quyết.
Theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, Phòng GD&ĐT huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) đã tổ chức tập huấn cho các giáo viên về kinh nghiệm dạy lớp ghép. May mắn, sau khi tham gia, thầy Văn biết cách dạy dỗ các em nhỏ tuổi. Mỗi sáng chỉ cần đếm sĩ số thấy thiếu, thầy sẽ đến tận nhà, lái xe chở học sinh đến lớp.
Ông Đỗ Thanh Tuấn (Hiệu trưởng trường Tiểu học Vĩnh An) cho biết, gắn liền với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, dù địa bàn còn nhiều khó khăn về mặt vật chất lẫn tinh thần, nhưng giáo viên luôn ý thức nâng cao chất lượng giáo dục.
Năm 2022, trường chỉ có 90% học sinh đảm bảo hoàn thành năm học, rất thấp so với toàn tỉnh. Qua năm 2023, con số này đã nâng lên 95%, tăng thêm 5% là nỗ lực to lớn của nhà trường.
"Mới đây thông qua hỗ trợ của nhà hảo tâm, doanh nghiệp, trường Tiểu học Vĩnh An được mở rộng, dựng lại hai lớp học điểm lẻ, nhà vệ sinh... Đây là niềm vui của thầy và trò, động lực để chúng tôi tiếp tục đưa con chữ đến cho trẻ em đồng bào Bana", ông Tuấn nói thêm.