Giải pháp nào để thực hiện tốt bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số?

PV

(Dân trí) - Bình đẳng giới là một trong những quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam, nội dung quan trọng để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Đảng ta luôn thể hiện rõ quan điểm thực hiện mục tiêu phát triển với giải quyết các vấn đề bình đẳng giới (BĐG) để cả nữ giới và nam giới được hưởng những điều kiện như nhau, được thực hiện đầy đủ quyền con người, có cơ hội đóng góp cũng như thụ hưởng những thành quả phát triển của đất nước trên các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa.

Gần đây nhất, Đại hội Đảng lần thứ XIII (2021) đã chỉ rõ: "Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kĩ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới" [2].

Cùng với những chủ trương, chính sách thúc đẩy BĐG nói chung, Việt Nam cũng đã quan tâm ngày càng nhiều đến việc triển khai thực hiện BĐG ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) thông qua nhiều quyết định của Chính phủ.

Giải pháp nào để thực hiện tốt bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số? - 1

Việt Nam quan tâm thúc đẩy bình đẳng giới trong đời sống gia đình các dân tộc thiểu số (Ảnh: Sức khỏe Đời sống).

BĐGViệt Nam xếp hạng cao hơn nhiều quốc gia cùng trình độ phát triển

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua. Kết quả thực hiện BĐG của nước ta được xếp hạng cao hơn so với nhiều quốc gia có cùng trình độ phát triển và thu nhập, được thế giới công nhận là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy BĐG và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Việt Nam đã đạt được những kết quả nổi bật về Chỉ số cam kết giảm bất bình đẳng, đứng thứ hai trong khu vực ASEAN. Năm 2020, trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam xếp hạng 77/158 quốc gia" [1]. Những thành tựu đạt được cũng trở thành tiền đề, thành động lực mạnh mẽ để Việt Nam tiếp tục thực hiện các mục tiêu về BĐG, góp phần đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Trên lĩnh vực chính trị, Việt Nam là quốc gia có số lượng nữ đại biểu Quốc hội chiếm tỷ lệ cao trong khu vực (nhiệm kỳ XIII đạt 24,4%) và đứng thứ 43/143 quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, ngày càng có nhiều phụ nữ DTTS tham gia hoạt động chính trị, đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo ở các ban, ngành, đoàn thể Trung ương và hệ thống chính trị của đất nước.

Chỉ tính riêng Quốc hội khóa XIV có 133 nữ đại biểu thì 41 nữ đại biểu là người DTTS, Quốc hội khóa XV có 151 nữ đại biểu thì 44 nữ đại biểu là người DTTS.

Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội là người DTTS đã tăng rõ rệt qua từng khóa (từ 4,5% khóa IX lên 8,3% khóa XIV và 8,8% khóa XV) và gần như ngang bằng với số đại biểu Quốc hội người DTTS là nam giới (khóa XII có 42 nữ/45 nam, khóa XIII có 39 nữ/39 nam, khóa XIV có 41 nữ/45 nam) [4]. 

Ở lĩnh vực kinh tế, BĐG sẽ tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia và đóng góp ngày càng nhiều vào các thành tựu của sự phát triển kinh tế - xã hội. Những thành tựu đó đã chứng tỏ vấn đề BĐG ngày càng được thực hiện tốt hơn. Tỷ lệ nữ DTTS làm kinh doanh ngày càng tăng.

Nhờ có việc làm, có thu nhập mà phụ nữ DTTS ngày càng độc lập và tự chủ hơn về kinh tế. Khoảng cách về thu nhập giữa phụ nữ làm công ăn lương so với nam giới vùng DTTS hiện nay đã ngày càng thu hẹp: mức thu nhập thấp hơn 17% so với nam giới vùng DTTS [3].

Trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đồng bào DTTS được chăm sóc sức khỏe; thụ hưởng đầy đủ các quyền chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế bình đẳng trong lựa chọn, quyết định sử dụng biện pháp tránh thai, biện pháp an toàn tình dục, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đặc biệt đối với phụ nữ nghèo cư trú ở vùng khi sinh con đúng chính sách dân số được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.

Trong lĩnh vực giáo dục, lao động nữ DTTS có việc làm đã qua đào tạo chiếm 5,9%, trong đó, số lao động có trình độ sơ cấp nghề là 0,2%, trung cấp là 2,5%, cao đẳng là 1,4% và đại học trở lên cũng đạt 1,7%. Mặc dù tỷ lệ này chưa cao nhưng cũng phản ánh được vấn đề bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế, giáo dục đang được quan tâm và ngày càng có thành tựu đáng ghi nhận.

Trong lĩnh vực lao động, việc làm, nhờ vào các chính sách, chương trình, đề án đào tạo nghề và giới thiệu việc làm, người dân ở vùng DTTS được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ. Họ được tham gia vào lớp đào tạo nghề và giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt tỷ lệ phụ nữ người DTTS có công việc hưởng lương

Đó là những minh chứng rõ nét cho những nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam. Những thành tựu này là nền tảng vững chắc để các cấp, ngành tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia BĐG trong giai đoạn tới.

Có những hạn chế nào?

Bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta thẳng thắn thừa nhận những khoảng cách giới còn tồn tại khá lớn trong một số lĩnh vực của cuộc sống. Với truyền thống văn hóa Á Đông, phụ nữ Việt Nam đang còn chịu nhiều áp lực bởi khuôn mẫu, vai trò giới truyền thống. Phụ nữ được trông đợi như một nhân lực chính để duy trì gia đình và chăm sóc con cái hơn là tham gia các hoạt động xã hội. Thậm chí, họ chịu nhiều thiệt thòi, bị đối xử bất bình đẳng so với nam giới và hạn chế sự tham gia của phụ nữ nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng trên các lĩnh vực.

Có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan dẫn đến tình trạng bất BĐG. Trước hết, do số lượng người làm công tác BĐG còn thiếu, cộng với hạn chế về kiến thức giới, kỹ năng lồng ghép giới... nên việc tuyên truyền bình đẳng giới còn hạn chế. Cùng với đó là tỷ lệ nghèo, lạc hậu ở vùng DTTS làm cho lao động nữ không được đến trường học nên chưa biết chữ, từ đó chưa chủ động tham gia hoạt động xã hội, tham gia các tổ chức xã hội nhằm mang lại sự bình đẳng cho chính mình.

Nhiều quan niệm cổ hủ, lạc hậu, trọng nam khinh nữ, phụ nữ chỉ ở nhà quanh quẩn bếp núc, phụ nữ phải lo chuyện gia đình, trẻ em gái không cần học nhiều... còn tồn tại ở nhiều nơi, tạo nên nguy cơ không hoàn thành mục tiêu BĐG ở Việt Nam.

Nam giới ở Việt Nam hiện nay vẫn còn bộ phận thiếu tôn trọng phụ nữ, thiếu tôn trọng những giá trị mà phụ nữ mang lại cho cuộc sống. Trong khi đó, nữ giới vẫn phải đảm đương việc gia đình nhiều hơn nam giới.

Đáng nói là còn một bộ phận không nhỏ nữ giới chưa nhận thức đầy đủ về quyền được bình đẳng của mình, chấp nhận chịu bạo hành, chịu sự phân biệt đối xử một cách gần như là hiển nhiên. Vì thế, việc xây dựng xã hội bảo đảm BĐG là lời kêu gọi không chỉ của riêng nữ giới, mà của mọi người, là mục tiêu cần sớm hoàn thành của các quốc gia, để từ đó góp phần xây dựng một thế giới phát triển bền vững.

4 giải pháp

Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới và các chính sách theo hướng chú trọng hơn đến đối tượng phụ nữ, trẻ em gái vùng DTTS.

Các tổ chức phải rà soát hệ thống pháp luật hiện hành đảm bảo nhất quán trong các luật về nguyên tắc BĐG; nghiên cứu, ban hành những chính sách đặc thù đối với phụ nữ vùng DTTS để giảm thiểu những rào cản, khó khăn về điều kiện, cơ hội… của họ so với nam giới và so với phụ nữ ở các vùng, miền khác trên cả nước.

Trong từng lĩnh vực cụ thể, các cơ quan chức năng cần đề ra những chính sách ưu tiên; ưu đãi, mở rộng thêm các cơ hội để cả nam giới và nữ giới có thể tham gia học tập ở nhiều loại hình, phương thức đào tạo nhằm nâng cao trình độ, năng lực, bao gồm cả trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học.

Đặc biệt, cần tạo cơ hội cho họ có việc làm với thu nhập ổn định; tăng cường đầu tư chăm sóc sức khỏe, bảo vệ sức khỏe sinh sản cho phụ nữ vùng DTTS… Bên cạnh đó, cần bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định bình đẳng giới, có thái độ, hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị, ngược đãi, bạo hành, làm tổn thương phụ nữ và trẻ em gái DTTS.

Hai là, nâng cao nhận thức cho cộng đồng vùng DTTS về BĐG: Chính quyền các cấp, nhất là ở vùng đồng bào DTTS, cần tăng cường phổ biến, quán triệt, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật về thúc đẩy bình đẳng giới trong cộng đồng. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong cộng đồng; xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu mang tính định kiến giới, coi thường, hạ thấp phụ nữ, đề cao nam giới, thông qua phát thanh, truyền hình, băng rôn, khẩu hiệu, sách, báo…; tích hợp, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào nội dung giảng dạy ở các cấp học, trong các buổi sinh hoạt, giao lưu văn hóa cộng đồng…

Ba là, nâng cao hiệu quả bộ máy thúc đẩy BĐG vùng DTTS: Các cơ quan chức năng cần chuyên môn hóa bộ máy làm công tác BĐG. Trước thực tế về giảm biên chế trong các cơ quan của Nhà nước, bình đẳng giới là lĩnh vực mới, cán bộ lại kiêm nhiệm nên thường không yên tâm trong công tác. Do vậy, cần hoàn thiện theo hướng đảm bảo có cán bộ chuyên trách về BĐG nhằm tăng động lực làm việc, tạo sự gắn bó lâu dài với công tác này.

Cơ quan chức năng cũng cần xây dựng kế hoạch tổng thể về nâng cao năng lực cho bộ máy làm công tác về BĐG. Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác này cần được thực hiện theo một kế hoạch tổng thể, đồng thời lựa chọn một số huyện và xã làm thí điểm để từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng. Cạnh đó phải chú trọng đầu tư ngân sách cho các hoạt động về BĐG. 

Bốn là, phát huy hơn nữa vai trò của các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội về công tác BĐG vùng DTTS: Các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội cần phổ biến, tuyên truyền sâu rộng và triển khai nhanh chóng, đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BĐG ở vùng đồng bào DTTS. Tăng cường sự phối hợp, đoàn kết, thống nhất giữa các tổ chức trong việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới theo đúng chức năng, nhiệm vụ, vai trò của từng tổ chức.

Cạnh đó, đội ngũ cán bộ thôn bản, nhất là đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng người DTTS cần phải nêu gương bởi lời nói, hành động của họ thường được đồng bào dân tộc tin, nghe và làm theo.

Để làm có hiệu quả, các tổ chức cũng cần có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các buổi sinh hoạt, nói chuyện về BĐG trong cộng đồng; lên án và phê bình, xử lý làm gương trước cộng đồng những hành động phân biệt đối xử, bạo hành, ngược đãi với phụ nữ và trẻ em gái DTTS…

BĐG ngày càng được nhìn nhận, đánh giá có vai trò quan trọng, tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của từng quốc gia và toàn cầu nói chung. Thời gian qua, vấn đề BĐG đã và đang tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, thực trạng vấn đề  bất BĐG vẫn còn tồn tại, đặc biệt đối với BĐG ở vùng DTTS. Người phụ nữ nơi đây vẫn bị phân biệt đối xử trong khi họ cũng đóng góp rất lớn trong sự phát triển chung.

Để cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới, bên cạnh các chương trình hành động, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, sự bảo vệ của hệ thống pháp luật, biện pháp tuyên truyền giáo dục, tất cả mọi người, cả nam giới và nữ giới đều cần tự giác thay đổi quan niệm về phân biệt đối xử. Nữ giới cũng cần phải tự nâng cao trình độ để khẳng định ý thức về quyền được bình đẳng của mình.

Nếu triển khai đồng bộ các giải pháp đã đề cập, trong thời gian tới, những biểu hiện bất BĐG đối với phụ nữ ở Việt Nam sẽ dần thu hẹp, tiến tới bị xóa bỏ hoàn toàn.

Tài liệu tham khảo:

-Annie Thériault, Nguyễn Thị Phương Dung: "Chỉ số Cam kết giảm bất bình đẳng (CRII) 2020",Trang thông tin điện tử Oxfam, ngày 8/10/2020, https://vietnam.oxfam.org

-Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.

-"Mối quan hệ giữa bình đẳng giới với phát triển ở Việt Nam hiện nay", https://dtcblehongphong.hanoi.gov.vn

-"Thực hiện bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vì mục tiêu phát triển bền vững ở nước ta hiện nay", https://www.tapchicongsan.org.vn/web

Thạc sĩ Phan Thu Hằng

Giảng viên Học viện Chính trị khu vực I