Đà Nẵng:
Người say toàn... tự ngã thì làm sao giảm được tai nạn!
(Dân trí) - Một trong những nguyên nhân khó kéo giảm tai nạn giao thông là người say... tự ngã khi đi từ quán nhậu về nhà. Đây là dịp cuối năm, thường tổ chức liên hoan, tiệc tùng nên nhiều người nhậu đến 2-3 giờ sáng, trên đường về nhà thì tự tông vào lề đường hoặc tự ngã.
Trong năm 2014, Đà Nẵng xảy ra 178 vụ tai nạn giao thông, làm chết 96 người, bị thương 157 người. So với cùng kỳ năm 2013 giảm 59 vụ (178/237 vụ, tương đương 24,8%), giảm 34 người chết (96/130 người, tương đương 26,2%), giảm 41 người bị thương (giảm 20,7%). - Đó là số liệu do ông Lê Văn Trung – Giám đốc Sở GTVT kiêm Phó Trưởng ban thường trực Ban an toàn giao thông (ATGT) Đà Nẵng cho biết ngày 23/1. Theo ông Trung, để có được kết quả trên là do Ban ATGT Đà Nẵng triển khai nhiều biện pháp nghiêm túc, đồng bộ theo các văn bản của Chính phủ, Ủy Ban ATGT quốc gia.
Trong năm 2014, lực lượng chức năng trên địa bàn kiểm tra, phát hiện lập biên bản gần 60 ngàn trường hợp vi phạm, xử phạt trên 46 ngàn trường hợp để chuyển kho bạc Nhà nước thu gần 27,5 tỉ đồng, tạm giữ 122 ô tô và gần 1.500 mô tô, tước giấy phép lái xe gần 6 ngàn trường hợp...
Theo Thượng tá Lê Ngọc – Trưởng Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng, mặc dù tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn có giảm nhưng chưa bền vững; một trong những vấn đề không dễ khắc phục ngay là ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận người dân chưa cao.
Thượng tá Lê Ngọc cho hay, số người vượt đèn đỏ hiện rất lớn, mỗi tháng lực lượng CSGT xử lý trên 200 trường hợp, chủ yếu là thanh niên, xe ôm, người buôn bán nhỏ... Cái này thuộc về ý thức và sự hiểu biết của người dân đối với luật giao thông.
“Nhiều trường hợp người tham gia hiểu biết pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) nhưng vẫn cố tình vi phạm. thậm chí có biểu hiện thách thức, chống đối lực lượng chức năng khi thi hành nhiệm vụ làm ảnh hưởng đến TTATGT trên địa bàn”, Thượng tá Lê Ngọc nói.
Một trong những tình trạng đó là học sinh THCS, THPT vi phạm về TTATGT diễn ra khá phổ biến như điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ, chưa đủ tuổi điều khiên phương tiện xe mô tô... nhưng các bậc phụ huynh và nhà trường chưa có biện pháp quản lý triệt để.
Bên cạnh đó, theo Thượng tá Lê Ngọc, một bộ phận sinh viên thường xuyên vi phạm luật giao thông như điều khiển xe chở quá số người quy định, không có giấy phép lái xe, phóng nhanh vượt ẩu, vi phạm làn đường, chạy quá tốc độ... khi gặp lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe kiểm tra thì tìm cách đối phó, trốn tránh bỏ chạy với tốc độ cao gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông hoặc không chịu ký biên bản...
Thượng tá Lê Ngọc kể có nhiều trường hợp khi gặp người đi ngược chiều thì đối tượng quay đầu bỏ chạy, lực lượng CSGT không dám đuổi theo vì rất nguy hiểm cho người đi đường nên gọi cho trạm kế tiếp xử lý hoặc ghi lại biển số xe phạt nguội.
Hay như có trường hợp người đã uống rượu bia “say mềm” không chịu để cho lực lượng chức năng đo nồng độ cồn, không chịu ký biên bản... Những trường hợp này, lực lượng CSGT đều quay phim lại, tạm giữ phương tiện hôm sau mời lên cho xem lại thì mới thừa nhận vi phạm.
Một trong những nguyên nhân khó kéo giảm tai nạn giao thông là người say.... tự ngã khi đi từ quán nhậu về nhà. Thượng tá Lê Ngọc cho biết, trong tháng 1 này, có gần 10 trường hợp bị tử vong do tai nạn giao thông. Nguyên nhân đây là dịp cuối năm thường hay tổ chức liên hoan, tiệc tùng nên nhiều người nhậu đến 2-3 giờ sáng, trên đường về nhà thì tự tông vào lề đường hoặc tự ngã gây chấn thương sọ não dẫn đến tử vong.
Nhiệm vụ trong năm 2015, theo ông Lê Văn Trung – Giám đốc Sở GTVT kiêm Phó Trưởng ban thường trực ATGT Đà Nẵng, phấn đấu kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn từ 5% trở lên trên cả 3 tiêu chí. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ tải trọng phương tiện, không còn xe ô tô chở hàng quá tải trên địa bàn.
Bên cạnh đó, chỉ đạo quyết liệt trong công tác bảo đảm trật tự án toàn giao thông, trật tự đô thị, không để xảy ra đua xe trái phép, ùn tắc giao thông...
Công Bính