1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Người Sài Gòn chuyển sang trạng thái "ngủ", nhịn... đủ thứ!

(Dân trí) - Không thuê giúp việc, không sử dụng thang máy, hoãn sửa nhà..., nhiều người dân Sài Gòn chuyển sang trạng thái "ngủ", tiết chế nhiều nhu cầu để hạn chế tiếp xúc nhằm tránh dịch bệnh.

Sau quyết định đóng cửa các hoạt động giải trí, dịch vụ ăn uống, làm đẹp của TPHCM, với tinh thần "hai tuần sống khác", người dân thành phố tiếp tục lên dây cót ở nhà tối đa, hạn chế ra ngoài, hạn chế tiếp xúc. Nhiều người tạm gác mọi nhu cầu trong đời sống, chuyển trang trạng thái "ngủ", tập "nhịn" đủ thứ. 

Người Sài Gòn chuyển sang trạng thái ngủ, nhịn... đủ thứ! - 1
Người Sài Gòn chuyển sang trạng thái ngủ, nhịn... đủ thứ! - 2

Nhiều gia đình hỏng hóc đồ, cần sửa nhà... nhưng đều tạm gác lại 

Chị Trần Hoàng Lan, nhà ở Q.4, TPHCM cho biết, hàng chục năm qua nhà chị lệ thuộc, phải nói là "cầu cạnh" người giúp việc. Khi con còn nhỏ thì giúp việc ở cùng, sau này thì thuê giúp việc theo giờ, ngày làm 2 - 3 tiếng. 

Nhưng mới đây, trước tình hình diễn biến dịch bệnh nhà chị quyết "cai" luôn giúp việc theo giờ. Cô giúp việc đi làm cho nhiều gia đình, ở nhiều khu vực, hàng ngày tiếp xúc với không biết bao nhiêu người... nên chị không yên tâm nhờ cô đến làm hàng ngày. Giờ vợ chồng, con cái cùng nhau thu xếp việc nhà.

Chị ở chung cư, căn hộ tầng 8. Cả nhà thống nhất với nhau thời điểm này sẽ "nhịn" sử dụng thang máy, chuyển sang leo thang bộ hoàn toàn. Do hạn chế ra khỏi nhà, nên nhiều nhất ngày cũng chỉ 2 vòng lên xuống, tốn thêm chút thời gian nhưng an toàn và xem như vận động tập thể dục. 

Các con nghỉ học ở nhà, phá cho tan tành, kéo rập cả rèm cửa, vòi hoa sen nhưng chị Lê Ngọc Mỹ, ngụ ở Thủ Đức quyết chưa gọi thợ đến sửa. Chồng chị làm việc ở tỉnh, vài tháng mới về một lần nên hỏng hóc lớn nhỏ trong nhà, chị toàn gọi thợ. Giờ nghĩ cảnh người lạ sửa chữa, tiếp xúc này nọ, chị rất ngại dù nhiều thứ rất bất tiện. 

Người Sài Gòn chuyển sang trạng thái ngủ, nhịn... đủ thứ! - 3

Có bố mẹ tranh thủ đưa con ra ngoài công viên vào giờ vắng vẻ nhất 

"Vòi hoa sen hỏng thì tắm bằng cách vặn nước ra chậu, dùng gáo dội cũng không sao. Sửa chữa gì cần người đến nhà lúc này, tôi hoãn hết", người mẹ bộc bạch. 

Chị Mỹ xấu máu, tóc bạc trắng, hơn 5 năm nay, cứ hơn tháng là phải ra tiệm dặm tóc bạc một lần giờ gác luôn. Chị vốn rất kỵ việc để người khác nhìn thấy tóc bạc của mình nhưng giờ chân tóc trắng xóa, chị cười xuề.

Chị nói: "Mỗi người phải thật sự nghiêm túc với việc hạn chế tiếp xúc. Và như vậy bắt buộc chúng ta sẽ phải "cai" rất nhiều nhu cầu vào lúc này". 

Lâu nay, gia đình anh Lê Nguyên Châu ở Bình Tân, TPHCM đều duy trì việc sáng, chiều đưa con ra công viên gần nhà chơi, phơi nắng, vận động, hai vợ chồng thì chăm chỉ tập gym. Đợt này, hạn chế ra ngoài, chịu khó ở nhà, mọi thứ cai hết. 

Con ở trong nhà nhiều tù túng, lâu lâu nhà anh tranh thủ đưa con ra công viên dạo vào thời điểm rất trái khoáy lúc 10 - 11h trưa hoặc lúc 3 - 4h chiều, chịu nắng một chút nhưng vắng vẻ.

Như bản thân anh, trước đây không ngồi ở quán cà phê yên tĩnh, nhâm nhi là không làm được việc. Hai tháng sống chung với dịch bệnh, giờ anh có thể xử lý công việc mà không cần tới cà phê, không cần ngồi ngoài quán... mà làm việc ngay khi con cái ầm ĩ nhảy nhót, hát hò bên tai.

Người Sài Gòn chuyển sang trạng thái ngủ, nhịn... đủ thứ! - 4

Nhiều  loại hình dịch vụ tại TPHCM chuyển qua trạng thái "ngủ" để tránh dịch bệnh Covid-19

"Nhiều thói quen của gia đình tôi như đi ăn tiệm, uống ở cà phê ngoài quán... lúc này "nhịn" hết. Với nhiều người điều này rất tù túng, khó chịu nhưng phải cố gắng vì mình và vì cộng đồng, vì bao nhiêu nỗ lực", anh Nguyên bày tỏ và cho rằng, trong việc chống dịch , chỉ một vài người thiếu ý thức, chủ quan có thể kéo bao nhiêu công sức đổ sông đổ bể. 

Lúc này, các nhu cầu như đi làm đẹp, vui chơi, giả trí, thể thao, gặp gỡ bạn bè, người thân... được nhiều người "nhịn" đến mức cao nhất có thể nhằm hạn chế việc tiếp xúc. Ai cũng động viên nhau, vài tuần ở nhà để còn cơ hội cả đời đi chơi. 

Tại TPHCM, tính đến sáng ngày 26/3, ghi nhận 33 trường hợp nhiễm Covid-19 trong đợt 2. Tổng số trường hợp tiếp xúc với các ca bệnh đang được theo dõi là 1.621 trường hợp. Tổng số trường hợp nghi ngờ tình đến ngày 25/3 là 274 trường hợp, trong đó trong đó có 267 trường hợp có kết quả âm tính, 7 trường hợp đang đợi kết quả.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia kêu gọi người dân hạn chế tối đa ra khỏi nhà. Khi buộc ra ngoài thì phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn (2m). 

Hoài Nam