1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người phụ nữ tạc tượng duy nhất ở làng đá Non Nước

(Dân trí) - Cơ sở điêu khắc đá Lê Thắng được nhiều người biết đến không chỉ bởi sản phẩm đẹp mà người làm ra những bức tượng đó là chị Lê Thị Hòa Bình (sinh 1976) - người phụ nữ duy nhất ở làng đá Non Nước làm công việc vất vả này.

Cơ sở điêu khắc đá Lê Thắng (tổ 38, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) của gia đình chị Bình nằm trong con hẻm nhỏ. Hôm chúng tôi đến, chị Bình đang cặm cụi làm những công đoạn cuối cùng của bức tượng.

Chị kể, quê chị ở xã Điện Ngọc (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Chị ra Đà Nẵng học nghề may rồi quen ông xã. Lấy nhau rồi, thấy công việc của chồng khá vất vả nên chị cũng hay quan tâm, để ý. “Nhìn những khối đá to khổng lồ, bằng bàn tay khéo léo và trí tượng tưởng của người thợ mà cho ra được một tác phẩm đẹp”, chị nghĩ và rất thích thú.

Chị quyết định bỏ nghề may để học nghề điêu khắc. Tuy nhiên, khi chị nói ý định của mình ra với chồng thì cả chồng và gia đình chồng ai cũng phản đối. Bởi công việc điêu khắc đá từ trước đến nay chỉ dành cho đàn ông vì cần có sức khỏe tốt. Còn phụ nữ chỉ tham gia công đoạn đánh bóng thôi. Nhiều người cũng khuyên chị: “Đây là nghề của đàn ông mà, mình bon chen làm gì cho mệt”. Nhưng chị cũng không nghe.

Chị Bình đang hoàn thành những công đoạn cuối cùng của bức tượng

Chị Bình đang hoàn thành những công đoạn cuối cùng của bức tượng

Khuyên vợ không được, chồng chị đành phải dạy nghề cho chị. Lúc mới làm cũng vất vả lắm, để cầm được máy mài cũng không dễ dàng gì. Hai cánh tay, bàn tay của chị sẹo tùm lum do bị máy cắt vào. Đã thế, sản phẩm làm ra không ưng ý, bị khách hàng chê, bán không được giá. Dẫu vậy chưa bao giờ chị nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Đến giờ nghỉ trưa, nghỉ tối, thợ đã nghỉ hết cả nhưng chị vẫn chăm chỉ, cần mẫn với những bức tượng. Dần dà, theo thời gian, bàn tay của chị trở nên nhuần nhuyễn, điệu nghệ. Tượng của chị được nhiều khách hàng để ý và thích thú.

Một bức tượng được chị hoàn thành trước đó

Một sản phẩm của chị Bình.

Mình đến với nghề này như một cái duyên. Lấy chồng rồi mới theo cái nghề này. Nghề nó chọn mình chứ không phải mình chọn nghề. Lúc đó mình mê lắm. Và cũng vì mê thế mình mới làm được”, chị cười bảo.

Công việc vất vả, bụi bặm này đã gắn bó với chị đến nay cũng đã 15 nay rồi. Các sản phẩm của cơ sở chị đều được bạn hàng đặt mua với số lượng lớn, đưa đi tiêu thụ không chỉ trong nước mà còn cả ra nước ngoài.

“Tạc tượng không phải chỉ làm theo mẫu có sẵn mà người thợ phải thổi hồn vào những khối đá để làm sao mỗi bức tượng đều có thần thái của nó”, chị Bình nói.

Chị Bình cũng rất muốn các chị em khác làm nghề nhưng không ai chịu làm cả. Trước đây, chị có dạy cho vài người nhưng học được mấy bữa, vất vả quá nên họ bỏ luôn.

Nói về công việc của mình, chị bảo: “Mình nghĩ thế này, mỗi người làm việc trước tiên là làm cho mình, sau đó là góp chút sức làm đẹp cho đời. Như thế là hạnh phúc rồi”.

Lê Thị Pha (hàng xóm nhà chị Bình) cho biết, ở làng đá này chỉ có một mình chị Bình làm nghề tạc tượng thôi bởi nghề này vất vả quá, phụ nữ không ai muốn theo. Dù là phụ nữ, nhưng tượng của chị Bình làm chẳng thua kém gì những nghệ nhân lâu năm.

Ch Bình cho biết, để có sức khỏe tốt, phục vụ cho công việc, chị cũng thường xuyên tập luyện thể thao mà cụ thể là môn xe đạp. Tháng 8/2014, chị có tham gia giải đua xe đạp chinh phục đỉnh núi Sơn Trà và đã đạt giải nhất. Tháng 12/2014, chị tiếp tục tham gia giải đua xe đạp mở rộng toàn quốc được tổ chức tại Huế và cũng “ẵm” về giải khuyến khích.

Khánh Hồng